'Trái ngọt' ở Ta Niết

Khi mùa thu về cũng là lúc người dân bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu bước vào vụ thu hoạch na, những trái na ở vùng núi đá vôi, góp phần mang lại cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn.

Nằm ngay cạnh quốc lộ 6, Ta Niết là vùng đất với địa hình chủ yếu là núi đá vôi, trước đây, người dân trong bản chủ yếu canh tác rau màu và một số loại cây ăn quả, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Việc tìm cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng núi đá vôi Ta Niết luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân. Năm 2015, với sự định hướng của xã, người dân ở Ta Niết bắt đầu đưa cây na vào canh tác. Nhờ sự chăm bón đúng kỹ thuật, hợp đất, khí hậu nên cây na phát triển tốt. Đến nay, cả bản Ta Niết có khoảng hơn 150 ha trồng tập trung lớn nhất của xã và huyện.

Vùng trồng na ở bản Ta Niết.

Vùng trồng na ở bản Ta Niết.

Những ngày này, khắp các ngả đường trên bản nhỏ Ta Niết nhộn nhịp hơn hẳn bởi tiếng cười nói phấn khởi của người nông dân trồng na. Với kỹ thuật chăm sóc tốt và phù hợp với khí hậu cũng như thổ nhưỡng của bản nên cây na cho quả to, ít hạt, gai to, mắt nở, nhiều cùi, ăn có vị thơm ngon đặc trưng và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhìn từ xa, vườn na rộng 15ha của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, bản Ta Niết phủ kín màu xanh của sự no ấm. Chúng tôi men theo con đường bê tông do các hộ gia đình xây dựng để thuận tiện cho đi lại chăm sóc, thu hoạch na rồi dừng lại ở vườn na nhà anh Thắng. Ngay từ cổng vườn, chúng tôi đã cảm nhận được hương thơm ngào ngạt na chín.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, bản Ta Niết thu hoạch na.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, bản Ta Niết thu hoạch na.

Anh Thắng niềm nở dẫn chúng tôi đi thăm vườn và chia sẻ: Năm 2020, gia đình chuyển đổi sang trồng cây na với khoảng 7.000 gốc, gồm: Na sầu, na dứa Đài Loan và na Thái. Nhờ được chăm bón theo tiêu chuẩn VietGAP, na cho quả to, đều và ngon. Năm nay na bán giá 40-50.000 đồng/kg, thương lái đến tận nơi thu mua. Năm nay 1ha na đạt khoảng 10 tấn quả.

Tiếp tục đi dọc theo con đường vào bản Ta Niết, chúng tôi nhận thấy rõ hơn về hiệu quả kinh tế mà cây na mang lại. Những ngôi nhà khang trang mọc lên bên những đồi na xanh mướt. Cây na đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao.

Chị Nguyễn Thị Kiều Nhi, chủ vườn na tại bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc, chia sẻ: Gia đình hiện có gần 4 ha trồng na, nhờ đầu tư hệ thống tưới thông minh đã hỗ trợ gia đình rất nhiều trong công tác chăm bón cho cây na. Tiếng lành đồn xa, những quả na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thơm ngọt của gia đình ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ngoài bán cho thương lái, gia đình đã mở rộng thị trường bằng cách tiêu thụ trên các kênh bán hàng online, như: Facebook, Tiktok… mỗi ngày gia đình có thể bán tới 3 tấn na với mức giá trên 45.000 đồng/kg.

Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình, nhiều nhà vườn trồng na trong bản còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, đến nay ngoài Ta Niết, cây na cũng đang sinh trưởng, phát triển ở vùng đất của bản Tây Hưng và bản Tán Thuật.

Người dân bản Ta Niết đóng na để chuyển đi các chợ đầu mối.

Người dân bản Ta Niết đóng na để chuyển đi các chợ đầu mối.

Nói về loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã, ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, thông tin: Cả xã hiện có 300ha na, xã đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người trồng na áp dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng quy trình giám sát sản xuất, chăm sóc cây na theo hướng an toàn để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Vụ na năm 2023, có những hộ gia đình thu về từ 1-2 tỷ đồng/vụ. Để cây na ngày càng phát triển, xã đang phối hợp cùng với các phòng ban chuyên môn của huyện hỗ trợ người trồng na xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu na đến với người tiêu dùng; tuyên truyền, vận động, các nhà vườn trồng na theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, đẩy mạnh đăng ký cấp mã số vùng trồng để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chia tay những vườn na ở Ta Niết, trong chúng tôi vẫn còn nguyên những cảm xúc vui sướng khi vụ na năm nay bội thu. Những trái na chín ngọt ngào là món quà quý trả ơn công sức cho người trồng, để cuộc sống nhân dân nơi đây ngày thêm đủ đầy.

Linh Trang (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/trai-ngot-o-ta-niet-AzWZHUqSg.html