Trái phiếu doanh nghiệp chờ ngày 'bung lò xo'
Việc siết chặt quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân sẽ giúp thanh lọc thị trường; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, thiếu kinh nghiệm và bảo đảm thị trường phát triển bền vững trong dài hạn
Sau vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh hồi đầu tháng 4-2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) trở nên trầm lắng.
Với sự ra đời của Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu DN phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế, "cơn khát" vốn của DN có thể được giải tỏa phần nào, dù những thủ tục chặt chẽ vẫn tiếp tục khiến việc huy động không thật sự dễ dàng.
Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 65 là bổ sung quy định nhằm tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu DN riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư nhỏ lẻ gian lận. Cụ thể, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình tối thiểu 2 tỉ đồng trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.
Trong vai một nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu mua trái phiếu DN để đầu tư trung hạn, ngày 22-9, chúng tôi được nhân viên tư vấn của Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDirect) chào mời mua trái phiếu Dbond (trái phiếu DN được lựa chọn và phân phối bởi VNDirect - PV). "Nếu mua trái phiếu Dbond, nhà đầu tư sẽ được cam kết về lãi suất và cam kết mua lại theo thời hạn đầu tư, dù vẫn có rủi ro. Mức lãi suất từ 7,5%-9,3%/năm tùy theo kỳ hạn, có thể được cộng thêm lãi suất tùy theo mệnh giá" - nhân viên tư vấn của VNDirect khẳng định.
Tuy nhiên, nhân viên này cho biết thời điểm hiện tại, công ty vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị định 65 nên trái phiếu DN được chào bán không đa dạng như trước. Hiện nhà đầu tư chỉ có thể mua trái phiếu DN đã phát hành năm 2020-2021 của một vài DN bất động sản đang còn chào bán với mệnh giá từ 500 triệu đồng trở lên và nắm giữ trong thời hạn 3, 6, 12 tháng.
Tiếp tục liên hệ một số công ty chứng khoán khác có chào bán trái phiếu DN cho nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi cũng được cho biết số lượng trái phiếu DN được chào bán ít sẽ hơn trước do quy định siết chặt hơn đối với nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu DN.
Ông Hồ Quốc Bình, Trưởng Phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán Thành Công, nhận định việc thị trường trái phiếu phát triển quá nóng trong vài năm gần đây cùng lượng trái phiếu được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chiếm đến hơn 32% đã tạo ra lo ngại rất lớn về sự bền vững của thị trường. Theo ông Bình, bản chất trái phiếu là một công cụ đầu tư có rủi ro nhưng lại đang được nhà đầu tư cá nhân so sánh với tiền gửi tiết kiệm như một tài sản an toàn là chưa phù hợp. Phần lớn nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu DN chưa phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp và chưa có hiểu biết đầy đủ về công cụ này.
"Việc siết chặt quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân sẽ thanh lọc đối tượng tham gia. Chỉ người có tiềm lực tài chính và thực sự chuyên nghiệp mới tham gia được; còn nhà đầu tư cá nhân nhỏ, ít kinh nghiệm phải thông qua các tổ chức chuyên nghiệp, ví dụ các quỹ đầu tư chứng khoán. Điều này giúp bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, thiếu kinh nghiệm và bảo đảm sự phát triển bền vững hơn của thị trường trong dài hạn" - ông Bình phân tích.
"Chia lửa" cho vốn tín dụng
Khoảng 1 tuần sau khi Nghị định 65 có hiệu lực, thị trường trái phiếu DN chưa thật sự sôi động song giới chuyên gia và DN đều kỳ vọng quy định mới có thể khai thông dòng vốn từ kênh trái phiếu.
Trong báo cáo đánh giá tác động của Nghị định 65 tới thị trường trái phiếu DN, FiinRatings - một đơn vị xếp hạng tín nhiệm - nhận định với việc không siết điều kiện chào bán, nghị định mới sẽ giải tỏa nỗi lo của thị trường khi DN được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành sẽ buộc nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch mới có thể tham gia thị trường.
"Với tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng qua, Nghị định 65 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu DN. Dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của DN, nhất là những ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản, năng lượng" - các chuyên gia của FiinRatings nêu quan điểm.
TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), nhận định với quy định mới, nhà đầu tư cá nhân sẽ khó tham gia thị trường trái phiếu DN hơn. Ông Tuấn cho rằng việc siết quy định với nhà đầu tư cá nhân để thị trường phát triển chuyên nghiệp, minh bạch hơn là cần thiết. Tuy nhiên, trái phiếu DN cần là một kênh "chia lửa" cho tín dụng ngân hàng vốn đang chịu nhiều sức ép. Do vậy, cần cải cách quy trình cấp phép quỹ đầu tư trái phiếu DN theo hướng minh bạch tiêu chí, nới lỏng điều kiện và cho quỹ quyền tự chủ sản phẩm nhiều hơn.
Cần xếp hạng tín nhiệm toàn bộ tổ chức phát hành
Ông Võ Văn Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán ACBS, góp ý để bảo vệ nhà đầu tư và góp phần phát triển thị trường trái phiếu, nên bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với tất cả DN phát hành, thay vì chỉ quy định bắt buộc trong một số trường hợp. Bởi lẽ, khi quy định hạn mức nhất định để xếp hạng tín nhiệm thì có thể tổ chức phát hành sẽ chia nhỏ quy mô nhằm tránh sự giám sát.
Ngoài ra, ông Minh cho rằng khi được xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư sẽ có đầy đủ thông tin để đánh giá rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu nên việc quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp không còn cần thiết. Khi đó, quy định này chỉ làm giảm nhu cầu thật của nhà đầu tư cá nhân vì khẩu vị đầu tư cổ phiếu và trái phiếu thường ngược nhau.