Trái phiếu thứ cấp vẫn là 'phao cứu sinh' cho các ngân hàng nhỏ
Năm ngân hàng quy mô nhỏ đã công bố kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE trong giai đoạn 2025-2026 với kỳ vọng tiếp cận các nguồn vốn dồi dào, đặc biệt từ nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực vốn ngày càng gia tăng, các chuyên gia từ VIS Rating nhận định trái phiếu thứ cấp vẫn sẽ là công cụ huy động vốn không thể thiếu trong ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết…

Theo báo cáo công bố ngày 15/07/2025 của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), năm ngân hàng bao gồm VAB, VBB, KLB, BVB và SGB đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Mục tiêu của động thái này là để nâng cao khả năng tiếp cận vốn mới, tăng cường bộ đệm hấp thụ rủi ro và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.
ÁP LỰC VỐN LỚN
Theo VIS Rating, so với các ngân hàng khác, các ngân hàng nhỏ đang đối mặt với áp lực vốn lớn nhất. Tỷ lệ vốn cấp 1 trung bình của nhóm này vào cuối năm 2024 chỉ ở mức 8,7%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10,4% của toàn ngành. Mặc dù vậy, các ngân hàng này vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng đầy tham vọng từ 16%-20% trong năm 2025, cao hơn so với mặt bằng chung của toàn ngành.
Sức ép này đến từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, khả năng sinh lời hạn chế: Tỷ suất sinh lời trên tài sản bình quân (ROAA) của nhóm ngân hàng nhỏ trong giai đoạn 2020-2024 chỉ đạt 0,6%, thua xa mức 1,4% của trung bình ngành.
Thứ hai, chất lượng tài sản suy giảm: Nợ xấu từ các khoản cho vay mua nhà đã gia tăng trong năm 2024, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản của các ngân hàng như SGB, ABB và BAB.
Thứ ba, khó huy động vốn chủ sở hữu: Do lợi nhuận thấp và chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư nên việc huy động vốn chủ sở hữu khá hạn chế.

Vì vậy, VIS Rating cảnh báo rằng nếu không có nguồn vốn mới được bổ sung, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này có thể giảm hơn 200 điểm cơ bản vào cuối năm 2026 kể cả khi đạt được các mục tiêu tăng trưởng tài sản và lợi nhuận vào cuối năm 2026.
TRÁI PHIẾU THỨ CẤP VẪN LÀ KÊNH BÙ ĐẮP VỐN QUAN TRỌNG
Thực tế cho thấy, quá trình huy động vốn cổ phần của ngân hàng ở Việt Nam có thể kéo dài hơn 2 năm (ví dụ BAB, VBB), nên các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào việc phát hành trái phiếu thứ cấp. Theo Thông tư 41, loại trái phiếu này được tính vào vốn cấp 2, nhờ đó, giúp các ngân hàng đáp ứng tỷ lệ CAR tối thiểu 8% theo quy định mà không làm pha loãng cổ phiếu.
Kênh huy động này đang nhắm chủ yếu đến các nhà đầu tư cá nhân. Thống kê đến cuối năm 2024 cho thấy, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ hầu hết lượng trái phiếu thứ cấp do các ngân hàng nhỏ phát hành. Sức hấp dẫn của loại trái phiếu này đến từ mức lợi suất cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm và trái phiếu ngân hàng thông thường. Đáng chú ý, cho đến nay, chưa có trường hợp trái phiếu ngân hàng nào bị chậm trả gốc hoặc lãi, kể cả trái phiếu thứ cấp.

Dẫu vậy, rủi ro đầu tư vẫn còn hiện hữu. Theo các chuyên gia của VIS Rating, mặc dù có lợi suất hấp dẫn và lịch sử trả nợ tốt, trái phiếu thứ cấp lại có mức độ rủi ro khác biệt đáng kể so với các khoản nợ thông thường khác. Các công cụ này đủ điều kiện được tính vào vốn cấp 2 nhằm hấp thụ tổn thất trong các giai đoạn thị trường căng thẳng. Do đó, theo Thông tư 41, nhà đầu tư trái phiếu thứ cấp của ngân hàng có thứ tự ưu tiên thanh toán thấp hơn các chủ nợ khác trong trường hợp phá sản ngân hàng (Hình 9 và 10).
Một đặc điểm nổi bật khác của trái phiếu thứ cấp là cơ chế tùy chọn ngừng trả lãi và lũy kế lãi chưa trả. Nếu việc thanh toán lãi trong năm dẫn kết quả kinh doanh trong năm tài chính bị lỗ, ngân hàng có thể hoãn việc chi trả lãi trái phiếu.
“Mặc dù các khoản lãi được cộng dồn, nhưng thời điểm thanh toán không chắc chắn, làm phát sinh rủi ro dòng tiền cho nhà đầu tư. Đặc điểm này, kết hợp với điều khoản về thứ tự ưu tiên trả nợ thấp hơn, làm gia tăng rủi ro tín dụng cho nhà đầu tư trái phiếu”, báo cáo nhấn mạnh.