Nghệ An: Hơn 3.000 phụ nữ được tiếp sức khởi nghiệp, vươn lên từ gian khó

Triển khai suốt 8 năm qua, Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025' (gọi tắt Đề án 939) đã trở thành bệ phóng giúp hơn 3.000 phụ nữ Nghệ An, trong đó phần lớn là phụ nữ nghèo, yếu thế, từng bước hiện thực hóa ước mơ làm kinh tế. Không chỉ hỗ trợ vốn, đào tạo nghề và xây dựng mô hình sản xuất, Đề án còn góp phần khơi dậy tinh thần tự chủ, nâng cao vị thế phụ nữ trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

 Bà Nguyễn Thị Mến với sản phẩm thanh bánh hạt - ý tưởng khởi nghiệp từ Dự án “Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh”, được Hội LHPN tỉnh Nghệ An hỗ trợ, đạt Giải Đặc biệt Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc 2024.

Bà Nguyễn Thị Mến với sản phẩm thanh bánh hạt - ý tưởng khởi nghiệp từ Dự án “Hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh”, được Hội LHPN tỉnh Nghệ An hỗ trợ, đạt Giải Đặc biệt Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc 2024.

Hiện thực hóa những mục tiêu đó, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã không ngừng nỗ lực lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến mọi tầng lớp phụ nữ - từ miền núi đến thành thị, từ đồng bào dân tộc thiểu số đến phụ nữ khuyết tật trong suốt quá trình triển khai Đề án 939.

Các hoạt động hỗ trợ được tổ chức đồng bộ, bài bản, tập trung vào những nội dung thiết thực như đào tạo, tư vấn pháp lý, hỗ trợ vốn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và kết nối thị trường.

Tính đến tháng 3/2025, toàn tỉnh đã hỗ trợ 3.095 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, trong đó có gần 1.700 phụ nữ thuộc hộ nghèo, gần 60 phụ nữ khuyết tật và hàng trăm phụ nữ dân tộc thiểu số. Các mô hình kinh doanh nhỏ, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.

Bà Trần Thị Như Hoa (bên phải), Giám đốc HTX Sen Vàng là phụ nữ khuyết tật với ý tưởng "Thiết kế sản xuất các mặt hàng từ vải vụn tái chế" đạt Top 5 Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" Nghệ An năm 2022

Bà Trần Thị Như Hoa (bên phải), Giám đốc HTX Sen Vàng là phụ nữ khuyết tật với ý tưởng "Thiết kế sản xuất các mặt hàng từ vải vụn tái chế" đạt Top 5 Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" Nghệ An năm 2022

Thông qua các cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp", Hội đã tiếp nhận hơn 2.400 ý tưởng khởi nghiệp, chọn lọc 381 ý tưởng khả thi, trong đó 55 ý tưởng được vinh danh cấp tỉnh và Trung ương. Nhiều ý tưởng đã hiện thực hóa thành sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền như "Bột rau củ sấy lạnh LIM", "Nano salt - Muối sức khỏe Việt Nam", "Thiết kế sản xuất các mặt hàng từ vải vụn tái chế"...

Đặc biệt, việc hỗ trợ thành lập 204 tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý đã góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã giúp 1.645 ý tưởng tiếp cận vốn vay hơn 56 tỷ đồng, thúc đẩy các mô hình kinh doanh phát triển bền vững.

Sản phẩm OCOP "Bánh rong biển kẹp hạt" được phát triển từ các ý tưởng khởi nghiệp thành công tại Nghệ An

Sản phẩm OCOP "Bánh rong biển kẹp hạt" được phát triển từ các ý tưởng khởi nghiệp thành công tại Nghệ An

Cùng với đó, hơn 680.000 hội viên phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua truyền thông, tập huấn, hội thảo. Công tác đào tạo cán bộ Hội, xây dựng mô hình điểm, thúc đẩy bình đẳng giới trong khởi nghiệp cũng được chú trọng, góp phần nâng cao năng lực và nội lực của phụ nữ.

Dù vẫn còn những thách thức như thiếu vốn đầu tư, hạn chế trong tiếp cận công nghệ và thị trường, nhưng những kết quả nổi bật của Đề án 939 tại Nghệ An đã chứng minh hiệu quả, tính lan tỏa và tầm quan trọng của việc đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp. Đây không chỉ là hỗ trợ kinh tế, mà còn là hành trình khơi dậy khát vọng, phát huy sức sáng tạo và khẳng định vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới.

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nghe-an-hon-3000-phu-nu-duoc-tiep-suc-khoi-nghiep-vuon-len-tu-gian-kho-20250716200216723.htm