Trải 'thảm xanh' trên những vùng đồi

Từ những vùng đồi trồng cao su, keo... kém hiệu quả kinh tế, người dân các huyện miền núi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật để 'trải thảm xanh' cho những vùng đồi bị 'ngủ quên' với những loại cây trồng giá trị kinh tế cao.

Diện tích trồng thanh long trên vùng đồi của xã Xuân Du (Như Thanh).

Diện tích trồng thanh long trên vùng đồi của xã Xuân Du (Như Thanh).

Theo giới thiệu của cán bộ nông nghiệp xã Xuân Du (Như Thanh), chúng tôi tìm đến gia đình chị Trần Thị Hương - một trong những hộ dân tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã. Đang chăm sóc, cắt tỉa từng trụ thanh long, chị kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đưa giống cây này về vùng đất khô cằn: “Sau khi được xã khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phủ xanh đất đồi, gia đình tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan một số mô hình trồng trọt tại những địa phương có địa hình, thổ nhưỡng tương tự; nhận thấy thanh long ruột đỏ là loại cây đang được thị trường ưa chuộng, tuy chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác, nhưng cho thu hoạch nhiều năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc nên tôi đã bắt tay vào xây dựng mô hình, trồng 500 trụ thanh long”.

Theo chị Hương, để mô hình này mang lại hiệu quả cao, phải chuẩn bị từ khâu làm đất, xây cây trụ bê tông cao từ 1,8 - 2m, cạnh vuông, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,3 - 1,4m. Để cây cho năng suất, chất lượng cao thì nên trồng vào đầu mùa mưa. Phía dưới xung quanh gốc cần thường xuyên làm sạch cỏ, thường xuyên tỉa cành và tạo tán.

Được biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân, từ năm 2011 UBND xã Xuân Du đã vận động người dân đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng tại diện tích vườn đồi và chân ruộng cao. Đến nay, toàn xã đã phát triển được gần 9ha thanh long ruột đỏ, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của người dân xã Xuân Du. Năm 2022, thanh long ruột đỏ ở Xuân Du đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Tại xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc), bà Cao Thị Hồng là một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi diện tích đất đồi trồng cao su kém hiệu quả để trồng măng tây. Với 2ha vùng đồi, sau nhiều năm du nhập và canh tác theo hướng hiện đại, cây trồng mới này đã khẳng định được sự đột phá trong thu nhập, không chỉ với gia đình mà với cả địa phương.

Dẫn chúng tôi đi thăm đồi măng tây xanh mơn mởn với những búp măng mới nhú, bà Hồng cho biết: “Măng tây là loại cây trồng lâu năm, dạng bụi thân thảo, ưa sáng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất cát, có nhiệt độ trung bình trong năm cao. Để chọn được giống măng tây xanh phù hợp tôi đã ký hợp đồng với doanh nghiệp ở huyện Hoằng Hóa chuyển giao kỹ thuật canh tác, đồng thời bao tiêu sản phẩm. Khoảng 2 tháng rưỡi sau khi trồng thì cây bắt đầu cho măng, tuổi thọ của cây từ 4 đến 6 năm tùy theo khả năng chăm sóc”.

Xác định canh tác sạch là hướng đi bền vững cho đầu ra sản phẩm, bà hạn chế sử dụng phân bón hóa học, dinh dưỡng cho cây măng tây được cung cấp bởi phân chuồng hoai mục, các loại chất hữu cơ. Hiện nay, vùng đồi măng tây của bà Hồng thường xuyên được người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất.

Hiện nay, với đặc thù về thổ nhưỡng, địa hình cũng như khí hậu, vùng đồi trồng mía, sắn... của các huyện Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân đã được người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nhân lên những mô hình sản xuất phù hợp, dần hình thành nên những vùng nguyên liệu trồng cây ăn quả tập trung như cam, bưởi, chanh leo, thanh long... Từ đó làm thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân địa phương. Cùng với đó, người nông dân cũng linh hoạt ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, nhất là chú trọng quảng bá tìm đầu ra ổn định và lâu dài cho sản phẩm...

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trai-tham-xanh-tren-nhung-vung-doi-225135.htm