Trái tim của người phụ nữ 65 tuổi giúp hồi sinh cuộc đời một bệnh nhân

Tạng hiến từ một phụ nữ 65 tuổi, tương đối nhẹ cân ở Hải Dương; giảm thiểu thời gian thiếu máu lạnh khi vận chuyển tim xuyên Việt; phải gỡ dính toàn bộ tim và các mạch máu lớn trước ghép… Những thách thức này đã được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế nỗ lực vượt qua, mang lại sự sống cho một bệnh nhân suy tim cận kề cửa tử.

 Ê kíp ghép tim cho bệnh nhân P.T.T. từ tạng hiến ở Hà Nội

Ê kíp ghép tim cho bệnh nhân P.T.T. từ tạng hiến ở Hà Nội

Ca ghép đặc biệt

Ngày 17/7, nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia có người cho chết não ở Hà Nội, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc BVTW Huế lập tức kích hoạt ê kíp nhận điều phối tạng. Các bác sĩ của đơn vị được cử ra phối hợp cùng BV Việt Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để nhận tạng.

Người hiến là bệnh nhân nữ 65 tuổi khá nhẹ cân. Việc lựa chọn người nhận tim sẽ khó khăn do có nhiều nguy cơ cao khi ghép, chỉ ưu tiên các trường hợp ghép cấp cứu hoặc các bệnh nhân suy tim nặng giai đoạn cuối, bệnh nhân (BN) đồng ý nhận tim từ người hiến lớn tuổi. Trong danh sách chờ ghép tim, anh P.T.T. 43 tuổi, người Quảng Nam có đầy đủ các yếu tố tương thích. Sau khi giải thích các nguy cơ và tim hiến từ người lớn tuổi, BN và gia đình đồng ý nhận tim.

Đây thực sự là một ca ghép khó khăn. BN đã từng phẫu thuật thay van tim cách đây gần 9 năm. Tạng người hiến có sự bất tương xứng về chỉ số cơ thể với người nhận. Việc nhận tim từ Hà Nội đòi hỏi thời gian thiếu máu lạnh càng thấp càng tốt. Ngoài các yếu tố khách quan thì ê kíp phẫu thuật phải gỡ dính toàn bộ tim, các mạch máu lớn nên mất nhiều thời gian. Do vậy, cần hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể để ổn định huyết động và tối ưu tưới máu các tạng khác.

Sau khi bàn bạc tính toán thời gian lấy tim ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và thời gian chuẩn bị bệnh nhân ghép tại BVTW Huế. Nhờ sự hiệp đồng chuyên nghiệp giữa các bộ phận, ca ghép tim hoàn thành. Sau 4 giờ 52 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển về BVTW Huế, “trái tim Hà Nội” đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của người bệnh vào lúc 23h01 ngày 18/7.

ThS. BSCKII. Trần Hoài Ân - Chuyên gia cao cấp Trung tâm Tim mạch BVTW Huế nhớ lại: “Để đảm bảo an toàn cho ca ghép, chúng tôi đặt canuyn vào đùi chạy nhằm làm rỗng quả tim, giúp phẫu tích gỡ dính an toàn. Ghép tim trên BN đã từng phẫu thuật là kỹ thuật khó, lại còn lấy tạng từ xa nên phải tính toán thời gian hợp lý. Việc thay đổi kỹ thuật mổ, thao tác nhanh gọn, chính xác, hạn chế thời gian thiếu máu cơ tim sẽ giúp tim hồi phục sớm sau mổ”.

 BSCK II Đặng Thế Uyên kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ngày 30/7

BSCK II Đặng Thế Uyên kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ngày 30/7

Với nhiều yếu tố đặc thù từ tạng hiến, người nhận nên việc hồi sức, chăm sóc sau ghép ca bệnh này khá vất vả. BSCK II Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa gây mê hồi sức thông tin: “May mắn là đội ngũ y bác sĩ tham gia phẫu thuật hàng chục ngàn ca tim mạch 20 năm qua nên đã có nhiều kinh nghiệm. Ê kíp áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong hồi sức, cần đến sự hỗ trợ tuần hoàn cơ học là bóng đối xung động mạch chủ (IABP) và oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO), phối hợp sử dụng các loại thuốc… Nhờ triển khai kỹ thuật trong từng gói phục hồi sớm sau ghép tim nên sau mổ 6 ngày, BN cai được các phương tiện hỗ trợ cơ học; sau 10 ngày ngưng sử dụng các loại thuốc trợ tim vận mạch; hiện BN có thể tự hoạt động sinh hoạt cá nhân. Các xét nghiệm đều trở về giới hạn bình thường”.

Một kỳ tích

Mặc dù thực hiện nhiều ca ghép tim song ca ghép này đối mặt với nhiều thách thức hơn thường lệ. Việc ghép tim không cho phép thất bại bởi nó gắn liền với sinh mạng con người. Điều này khiến đội ngũ y bác sĩ BVTW Huế càng nỗ lực, quyết tâm, dồn sức tiếp nhận món quà thiêng liêng, hiếm có để cứu sống người bệnh đang nguy kịch.

Tại phòng chăm sóc đặc biệt sau ghép ngày 30/7, BN P.T.T. tự tập thể dục nhẹ nhàng và tập thở sâu nhằm tăng sự thông khí cho phổi. Anh T. nói giọng nghèn nghẹn: “Tôi cảm thấy khỏe hơn rất nhiều. Cảm ơn gia đình người hiến tặng và đội ngũ y bác sĩ đã tận tình cứu chữa. Từng nhiều lần cấp cứu vì ngưng tim, cận kề cửa tử, nay lại có cơ hội sống tiếp thật không có lời gì diễn tả hết niềm vui này”.

 Vợ anh T. động viên chồng sau khi ghép tim

Vợ anh T. động viên chồng sau khi ghép tim

Thời gian qua, chị N.T.L. vợ anh T. nghỉ hẳn công việc giữ trẻ đi theo chăm lo cho chồng. Áp tay qua gương phòng bệnh, chị rơi nước mắt ra hiệu hỏi thăm sức khỏe. Khi thấy anh T. nhoẻn miệng cười, chị mới vẫy tay ý bảo anh nghỉ ngơi kẻo mệt. Chị L. chia sẻ: “Mấy ngày nay các con, bên nội, ngoại hỏi thăm anh liên tục. Mới ra BVTW Huế điều trị tầm 2 tháng thì chồng em được ghép tim. Ai cũng bảo là sự may mắn hiếm có. Em xin ngàn lần tri ân tất cả mọi người đã quan tâm, động viên, chung tay hỗ trợ chi phí ghép tim cho anh”.

Đây là trường hợp ghép tim cấp cứu xảy ra với một BN từng phẫu thuật, tạo ra nhiều áp lực trong thực hiện các kỹ thuật ngoại khoa. GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế cho biết: “Chúng tôi tính toán thời gian lấy tim và vận chuyển về Huế phải ngắn nhất có thể. Song song với đó, thời gian chuẩn bị BN nhận tim cũng phải hợp lý nhất. Kỳ tích đã đến nhờ đội ngũ nhân lực hùng hậu, trình độ kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm trong việc cứu sống nhiều BN nặng. Có thể xem đây là sự kiện đặc biệt trong các ca ghép tim xuyên Việt tại BVTW Huế”.

Ca ghép tim thành công nhờ sự phối hợp của nhiều đơn vị như Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức; sự hỗ trợ của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam-Vietnam Airlines, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; lực lượng cảnh sát giao thông…

Đến nay, BVTW Huế đã tiến hành ghép thường quy khoảng 2.000 ca ghép mô, tạng, tế bào gốc cho bệnh nhân khắp mọi miền đất nước, góp phần hồi sinh nhiều cuộc đời đang ở lằn ranh sinh tử.

Quá trình ghép tim xuyên Việt từ tạng hiến của người cho 65 tuổi. Clip: THẮNG HIỂN

LINH GIANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/tin-tuc-y-te/trai-tim-cua-nguoi-phu-nu-65-tuoi-giup-hoi-sinh-cuoc-doi-mot-benh-nhan-143527.html