'Trái tim Đan-kô' soi lối Vàng Ngần

'Hình ảnh đồng chí Triệu Văn Lý, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền (Văn Chấn, Yên Bái) khiến tôi nhớ đến hình ảnh nhân vật Đan-kô trong truyện ngắn 'Bà lão Idecghin' của nhà văn Marxim Gorki.

Bởi nhiệt huyết trong trái tim nghĩa tình của Văn Lý đã truyền lửa, soi đường cho đồng bào Dao xây dựng Vàng Ngần từ một thôn đói nghèo trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa...”-Đồng chí Trịnh Xuân Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn mở lời giới thiệu.

Khơi dòng chảy “duy tân”

“Thầy, tôi xin đi học!”-Triệu Văn Lý, người dân tộc Dao với dáng vóc nhỏ bé, ngoài 30 tuổi, đã đi bộ hơn 20km từ thôn Vàng Ngần đến trường THCS ở trung tâm xã Suối Quyền để bày tỏ nguyện vọng với đồng chí Trịnh Xuân Thành (lúc đó là Hiệu trưởng Trường THCS Suối Quyền).

“Trên địa bàn Suối Quyền, đồng bào Dao sống quần cư ở những khu vực xa trung tâm xã. Đường sá đi lại khó khăn nên chuyện học sinh người Dao bỏ học, trốn học diễn ra như cơm bữa, còn chuyện người Dao hiếu học thì đây là lần đầu tiên tôi gặp được từ khi đứng trên bục giảng đến giờ”, anh Thành chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm lần đầu gặp Triệu Văn Lý năm 2003. Lúc đó, thầy Thành ngạc nhiên lắm và nghĩ rằng, anh Lý chắc chỉ đến học cho vui, đôi ba hôm rồi sẽ bỏ học. Nghĩ thế, thầy Thành thật lòng khuyên: “Sao anh lại xin đi học? Đường sá xa xôi, để theo học rất vất vả... trong khi đó, anh lại không còn là đối tượng thuộc diện phổ cập tiểu học nữa, nên không cần đi học”.

Anh Lý gãi đầu, hồn nhiên trả lời: “Tôi xuống chợ huyện thấy người ở đó có chút xíu đất thôi mà ai cũng no đủ. Người Dao có rừng, có đất, có suối... mà sao nghèo, đói quanh năm? Tôi nghĩ chắc là người chợ huyện có cái chữ nên mới no ấm, giàu có nên tôi xin đi học cái chữ để thoát nghèo”.

Ánh mắt quyết tâm của Triệu Văn Lý đã khơi niềm tin trong lòng thầy giáo Thành, anh đồng ý cho Lý nhập học. Vậy là đều đặn vào thứ hai hằng tuần, khi con gà rừng vừa gáy sáng, thầy Thành đã thấy Lý đi bộ gùi lương thực để đến trường học tập. Cuối tuần khi trường nghỉ, Lý lại đi bộ về thôn. “Tôi hay hỏi han Lý về tình hình học tập. Điều vui nhất là càng theo học, tôi thấy Lý càng phấn khởi. Có lần, Lý tâm sự với tôi là vỡ ra nhiều điều. Ví như: Nhờ cái chữ, Lý biết rằng người Dao hay ốm đau vì hôn nhân cận huyết thống và việc tảo hôn, ăn ở chưa hợp vệ sinh là những thói quen, hủ tục cần sớm được thay đổi...

“Thế những điều mà anh Lý hiểu được thì liệu đã làm được chưa?”-Chúng tôi đặt vấn đề.

Đồng chí Triệu Văn Lý (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu sản phẩm quế của Vàng Ngần.

Đồng chí Triệu Văn Lý (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu sản phẩm quế của Vàng Ngần.

“Không những làm được mà còn làm rất tốt!”-Anh Thành trả lời. Từ con chữ được học, Triệu Văn Lý vỡ ra nhiều điều. Anh đã đọc, nghiên cứu và tìm hiểu được kỹ thuật ươm giống quế, phát triển trồng quế; hiểu được những điều hay, lẽ phải nên tích cực vận động nhân dân tham gia như: Vận động mỗi nhà phải nuôi ít nhất hai con trâu, con bò và phải chăn nuôi đi cùng với phòng dịch; không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt, anh Lý còn vận động thêm hơn chục thanh niên khác đi học, cũng như vận động mọi gia đình cho các cháu gái trong độ tuổi đi học được đến trường (phong tục người Dao trước kia là con gái không được đi học). Nay, 100% con em đều được học mầm non tại thôn; 100% các cháu được học tiểu học và THCS tại trung tâm xã; không có học sinh bỏ học, nhiều em còn đi học THPT, học nghề sau khi học xong THCS. Đặc biệt, nhờ đi học theo sự vận động của anh Lý, đồng chí Đặng Kim Lý, trước là công dân thôn Vàng Ngần đã phát triển lên giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Suối Quyền.

Bóng mát rừng Ka-đốp

Qua câu chuyện của anh Thành, chúng tôi được biết, từ khi “cõng chữ lên ngàn”, dưới sự đưa đường của Trưởng thôn Triệu Văn Lý, Vàng Ngần từ một thôn nghèo khó của Suối Quyền nay đã trở thành điểm sáng về văn hóa, kinh tế, chính trị... Điểm đặc sắc ở đây là hằng năm, đồng bào Dao nơi Vàng Ngần còn tự đầu tư hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, làm nhà thiếu tiền, cho các hộ vay không tính lãi để phát triển kinh tế; mua vật liệu mở đường giao thông; khen thưởng các cháu học sinh khá, giỏi và các hộ, cá nhân tiêu biểu, gương mẫu... Cuối năm, Vàng Ngần đều đặn tổ chức liên hoan tổng kết và tặng quà dân bản vào dịp Tết Nguyên đán. Tìm hiểu về nguyên nhân giúp mảnh đất nghèo khó này chuyển mình mạnh mẽ là bởi nhờ cán bộ, nhân dân đồng lòng phát triển cây quế. Đồng bào Dao gọi cây quế là Ka-đốp và coi đây là “cây vàng”, là sợi dây thắt tình đoàn kết.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THCS, anh Lý cũng học được kỹ thuật ươm, trồng cây Ka-đốp, hiểu được giá trị thương phẩm và học được cách đưa cây quế ra thị trường để thu lợi nhuận. Chính vì vậy, anh về vận động gia đình trồng mới và trồng thay thế mở rộng vườn quế, hiện gia đình anh có hơn 10ha quế, trị giá hàng tỷ đồng. Anh Lý còn trực tiếp ươm quế giống để phát triển đồi quế của gia đình và hướng dẫn các hộ trong thôn cùng làm. Đến nay, cả thôn có hơn 350ha quế, chủ yếu là quế hữu cơ, giá bán cao hơn. Nhờ có kinh tế, hiện nay gần 100% hộ dân trong thôn đều có xe máy; có hộ mua được cả ô tô bán tải, ô tô tải, máy xúc... Đặc biệt, anh Lý chính là người tiên phong trong vận động đồng bào góp công mở rộng diện tích trồng và chăm sóc rừng quế chung (tài sản chung của cả thôn), từ 5ha quế năm 2006, nay diện tích đã lên đến 45ha. Vậy là Vàng Ngần có nguồn kinh phí dồi dào để xây dựng thôn.

Về với Vàng Ngần trên những cung đường hương quế tỏa ngát. Nhìn về phía những sườn núi xanh mởn thỉnh thoảng xuất hiện những vệt sạt lở rất dài, anh Thành chủ ý giải thích: Vào ngày 20-7-2018, cơn bão số 3 quét qua Vàng Ngần gây thiệt hại nhiều đến đời sống nhân dân. Tôi lúc đó đang là Bí thư Đảng ủy xã. Khi nhận được tin báo, chúng tôi tổ chức đoàn công tác đến khảo sát hiện trường và chỉ đạo giúp dân khắc phục. Nhưng do cách trở, đến sáng 22-7, chúng tôi mới tiếp cận được thôn Vàng Ngần. Cảnh tượng đập vào mắt là đồng chí Lý đang chỉ đạo, phân công người dân đến từng nhà bị sập đổ để dọn dẹp đất đá, di chuyển tài sản. Gia đình anh Lý cũng bị sạt đất đá nhưng chỉ có hai người ở nhà dọn dẹp, những người còn lại tỏa đi giúp các hộ trong thôn. Nghe tôi động viên, chia sẻ khó khăn, đồng chí Lý cười hiền: "Mình làm Trưởng thôn, để dân tin thì phải làm nhiều việc tốt cho dân”.

Nhờ cách nghĩ đúng và cách làm quyết liệt, chỉ trong thời gian ngắn sau bão lũ, anh Lý cùng nhân dân thôn Vàng Ngần đã khôi phục hơn 10km đường giao thông; dựng lại nhà cho 5 hộ bị sập hoàn toàn, di dời khẩn cấp 9 hộ; 5ha ruộng nước; góp hơn 30 triệu đồng, 350 ngày công để dựng lại điểm Trường Mầm non Vàng Ngần bị sập đổ do cơn bão số 3...

Làm nhiều việc tốt để dân tin, dân quý

Ấn tượng về cuộc sống ấm no ùa đến với chúng tôi khi nhìn những nếp nhà vững chãi nằm san sát nhau bên con đường giao thông bê tông hóa sạch, đẹp của Vàng Ngần. Tại Nhà văn hóa thôn, Chi bộ thôn Vàng Ngần cũng vừa triển khai nhiệm vụ cho các đảng viên trong vận động nhân dân hiến đất để làm Tỉnh lộ 175 nối từ thị xã Nghĩa Lộ đến nút giao IC 14, cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Được tuyên truyền, giáo dục, các đảng viên của Vàng Ngần bày tỏ tinh thần nhất trí cao, tình nguyện hiến đất vườn quế trong lộ giới. Để làm gương, anh Lý tự vận động gia đình hiến và chặt hơn 3.000m2 quế đang độ thu hoạch để làm gương cho nhân dân... Tuy mất đi nguồn thu hoạch đáng kể, nhưng anh Lý rất vững tin, phấn khởi: “Có đường sẽ mang đến nhiều nguồn lợi cho nhân dân, đi lại đỡ vất vả, thông thương hàng hóa... thì mình phải quyết tâm làm thôi”.

Nói về nỗ lực của mình, anh Lý tâm sự: “Mình làm Trưởng thôn nhiều năm thấy phải thường xuyên quan tâm, làm nhiều việc tốt thì dân mới tin, mới quý, nhưng chỉ một lần không tốt thì dân không tin, không quý nữa, nên mình phải luôn suy nghĩ, rèn luyện học theo Bác Hồ, làm đúng lời thề khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và lời hứa với dân khi được bầu làm Trưởng thôn”.

Theo đồng chí Trịnh Xuân Thành, Vàng Ngần đổi thay nhiều nhất bắt đầu từ năm 2015 khi anh Triệu Văn Lý được bầu làm Trưởng thôn, đã vận động nhân dân di chuyển hơn 50 hộ xuống vị trí ở mới (Vàng Cảnh và Khe Bảo) thuận đường giao thông; vận động trồng cây quế, hướng dẫn tự làm giống quế; khai hoang thêm ruộng nước; đóng góp tiền, công sức mở đường ô tô lên thôn Vàng Ngần trên và khu dân cư Ngã Hai (8 km); làm đường từ bản trên Vàng Ngần nối đến khu dân cư Khe Bảo (gần Tỉnh lộ 175); hai năm 2020, 2021 làm đường bê tông khổ nhỏ để đi lại thuận tiện được bằng xe máy... Bên cạnh đó, là người am hiểu sâu sắc phong tục dân tộc, có chức sắc cao trong đời sống của dân tộc Dao ở địa phương (chữ viết, trang phục, phong tục, được cấp sắc phong 12 đèn), anh Lý còn tâm huyết, truyền dạy cho lớp trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; thường xuyên chủ trì hòa giải các mâu thuẫn nảy sinh trong thôn, bản được người dân tín nhiệm, tin tưởng.

Đồng chí Triệu Văn Thọ, Bí thư Chi bộ thôn Vàng Ngần kể lại, trước đây, thanh niên trong thôn không muốn vào Đảng vì sinh hoạt chi bộ không có nội dung cụ thể. Các cuộc sinh hoạt chi bộ chủ yếu là kiểm điểm đạo đức, lối sống của từng đảng viên, nên thường căng thẳng và gây nhàm chán do không có nội dung gì mới. Trăn trở về nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, đồng chí Lý đã tham mưu cho chi ủy đổi mới hình thức sinh hoạt từ đại trà sang sinh hoạt chuyên đề, mỗi cuộc họp ngoài nắm bắt tư tưởng đảng viên, nhân dân, thì tập trung bàn sâu về 1-2 vấn đề đang được cán bộ, người dân quan tâm. Ví như: Bàn về thành lập các tổ hợp tác trồng quế: Hỗ trợ giúp nhau về kỹ thuật, nhân công, nhất là liên hệ với các thương lái, công ty, hợp tác xã để có số lượng sản phẩm đủ lớn, bảo đảm về chất lượng sẽ bán được giá cao hơn (như quế sáo hiện nay bán 92.000 đồng/kg, nhưng bán lẻ chỉ được 70.000-80.000 đồng/kg); phân công trách nhiệm đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, khó khăn... Chính nhờ các cuộc họp chi bộ có nội dung thiết thực nên không khí sinh hoạt rất cởi mở, đoàn kết; khơi dậy sự sáng tạo và nhiệt huyết của mỗi đảng viên, góp phần xây dựng đời sống mới. Cũng từ đó, nhiều đoàn viên, thanh niên bày tỏ nguyện vọng được vào Đảng, nỗ lực phấn đấu một cách thực chất với động cơ đúng đắn.

Ngọn lửa cống hiến trong trái tim của Trưởng thôn Triệu Văn Lý đã góp phần đưa Vàng Ngần khởi sắc. Nhiều năm liền, Vàng Ngần làm tốt công tác giảm nghèo (bình quân mỗi năm giảm hộ nghèo, cận nghèo 15-20%); thôn không có người nghiện ma túy, không mắc các tệ nạn xã hội; an ninh trong thôn bảo đảm tốt... Đây là nền tảng vững bền để đồng bào dân tộc Dao ở Vàng Ngần chung tay đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: TIẾN TUÂN - HÀ THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/trai-tim-dan-ko-soi-loi-vang-ngan-697519