Trạm BOT trên Quốc lộ 19 qua Bình Định bị kiến nghị dừng thu phí, vì sao?
Dù đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng đơn vị quản lý Quốc lộ (QL) 19 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định vẫn chậm khắc phục hoặc khắc phục mang tính tạm thời, đối phó nên các cơ quan chức năng đã kiến nghị tạm dừng thu phí BOT.
Ngày 21-10, thông tin từ Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 cho biết đơn vị vừa kiến nghị Khu quản lý đường bộ III báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam xem xét tạm dừng thu phí đối với trạm BOT trên QL 19, đoạn qua địa bàn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đoạn đường này do Công ty TNHH BOT 36.71 quản lý, khai thác.
Nguyên nhân do các tồn tại trên đoạn tuyến do Công ty TNHH BOT 36.71 quản lý, khai thác. Trong đó, nhiều hạng mục đã vi phạm quy định tại phụ lục 4, thông tư 45/2021/TT-BGTVT, ngày 31-12-2021 của Bộ GTVT quy định. Đặc biệt, các vi phạm, tồn tại này diễn ra trong thời gian dài nhưng chủ đầu tư vẫn để kéo dài, "chây ì" trong khắc phục hoặc khắc phục mang tính tạm thời, đối phó khi có đoàn kiểm tra.
Trước đó, ngày 20-10, đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận trên tuyến QL 19 do Công ty 36.71 quản lý, khai thác, mặt đường nhiều vị trí bị bong tróc từng mảng lớn, phát sinh ổ gà, gây mất an toàn giao thông vẫn chưa được sửa chữa triệt để, như: Km20+290, Km20+850, Km21+800, đoạn Km43-Km45, đoạn Km45+100-Km45+500, đoạn Km49+700-Km50+00...
Tại các đoạn, như: Km 29+200 – Km 29+400, Km 31+100 - Km31+200, Km 42+300 – Km 42+400, Km 42+700, Km 42+900-Km 43+200... đoàn kiểm tra phát hiện mặt đường nhiều vị trí hư hỏng dạng rạn nứt mai rùa có nguy cơ bong bật, tạo ổ gà vẫn chưa được khắc phục. Nhiều vị trí mặt đường xuất hiện ổ gà, lồi lõm đọng nước gây mất an toàn giao thông nhưng chậm khắc phục. Trong đó, nhiều đoạn dù đã được vá sửa nhưng mặt đường vẫn gồ ghề không êm thuận, không đảm bảo mỹ thuật, kĩ thuật…
Theo Văn phòng Quản lý đường bộ III.4, trước đó, đơn vị này đã nhiều lần kiểm tra, qua đó yêu cầu Công ty TNHH BOT 36.71 khắc phục các tồn tại, bất cập trên tuyến QL 19 do đơn vị này khai thác, quản lý. Tuy nhiên, phía công ty này cố ý chây ì, chậm sửa chữa và khắc phục các tồn tại. Đặc biệt, đơn vị này có xu hướng khắc phục kiểu đối phó, qua mắt ngành chức năng.