Trầm cảm sau sinh - kẻ sát nhân vô hình

Sáng mùng 5 Tết Nhâm Dần, tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, người thân của chị Lê Thị H. (39 tuổi) bàng hoàng khi phát hiện cháu bé hơn 2 tháng tuổi con của chị nằm tử vong ở khu vực nhà bếp do bị chém.

Cũng trong ngày mùng 5 Tết, con hẻm đường Lê Đình Cẩn, (thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) trở nên náo loạn khi hay tin hai mẹ con chị C. (34 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) đã tử vong trong căn nhà trọ chật hẹp.

Người mẹ bị trầm cảm sau sinh thường lo lắng, không thiết tha việc chăm con (Ảnh minh họa)

Người mẹ bị trầm cảm sau sinh thường lo lắng, không thiết tha việc chăm con (Ảnh minh họa)

Người mẹ chết trong tư thế treo cổ, còn con gái chị C. mới 7 tháng tuổi được phát hiện tử vong trong máy giặt. Hai vụ việc đau lòng trên xảy ra trong cùng một ngày đầu năm, gây rúng động dư luận đều có nguyên nhân ban đầu được xác định do người mẹ bị trầm cảm sau sinh gây ra…

Những cái chết tức tưởi ngày đầu năm

Vợ chồng chị H. ở xóm 11, xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có với nhau hai người con, một bé trai hơn 4 tuổi và bé trai mới sinh hơn 2 tháng tuổi. Ở thời điểm phát hiện con trai hai tháng tuổi của chị H. đã tử vong, thi thể có nhiều vết thương, chị H. không có mặt ở nhà mà đang ở gần bờ sông trên địa bàn, tinh thần hoảng loạn. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định cái chết của cháu bé do chính người mẹ đã dùng dao sát hại. Theo một vị lãnh đạo xã Hương Giang thì trước và sau sinh, chị H. có biểu hiện tâm lý bất thường. Chị H. đã từng dọa vứt con xuống giếng song được can ngăn kịp thời. Nhưng đến lần này đứa con đã bị chính mẹ ruột tước đi mạng sống.

Chị C. ở đường Lê Đình Cẩn, (thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) là công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân, chồng chị chạy xe ba gác. Tuy cuộc sống mưu sinh khó nhọc nhưng hai vợ chồng chị không hề xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Chồng chị C. không bao giờ có thể nghĩ rằng bi kịch lại bắt nguồn từ sức khỏe tinh thần của vợ mình. Không chỉ riêng chồng chị C. mà rất nhiều người không nhận ra, hoặc coi chứng trầm cảm sau sinh là một trạng thái tinh thần tức thời, sẽ tự hết và không gây nguy hiểm. Chỉ đến khi người mẹ trong cơn suy sụp gây ra những cái chết đau đớn cho đứa con và tự hủy hoại cuộc sống của họ, thì những người thân mới thực sự hoảng hốt.

Thạc sĩ, bác sĩ tâm thần – tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách

Thạc sĩ, bác sĩ tâm thần – tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách

Trao đổi với Chuyên đề An ninh thế giới, Thạc sĩ, bác sĩ tâm thần – tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách thuộc Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee - Hà Nội cho rằng trầm cảm là một bệnh phổ biến trong xã hội, ở các lứa tuổi, là trạng thái tâm lý gặp phải do những lo lắng, bực bội, dồn nén trong cuộc sống. Trầm cảm sau sinh có sự khu biệt hơn khi đối tượng mắc là phụ nữ sau khi sinh con bị rối loạn hooc môn nội tiết tố sau sinh, tạo nên những áp bức về não bộ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Theo bác sĩ Bách, người mẹ có thể bị trầm cảm vào thời điểm ngay sau khi sinh con hoặc sau đó một vài tháng. Họ thường có những biểu hiện ban đầu điển hình là lo lắng, vô vọng, đau khổ, trống rỗng, luôn cảm thấy áp lực về mọi thứ mà không biết nguyên nhân do đâu. Một biểu hiện nữa là người mẹ bị trầm cảm sau sinh thường mất tập trung, nhiều lúc có những hành động lặp lại một cách vô thức. Ví dụ cầm trên tay chiếc điện thoại cứ lật đi lật lại mà không nhớ mình cầm cái gì. Họ mất ngủ, hay quên, đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ, vô thức với một số hành vi. Biểu hiện nguy hiểm hơn là họ bỏ bê bản thân, không ổn định trong tâm thức về việc chăm sóc con cái, không thiết tha việc chăm sóc con.

Trầm cảm sau sinh để lại những hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Điều nguy hiểm nhất là trầm cảm sau sinh quy kết não bộ của con người dẫn hướng đến tình trạng chán nản, quên đi trách nhiệm sống của mình và tìm đến cái chết. Đứa trẻ không được mẹ chăm sóc chu đáo hoặc thậm chí có nguy cơ bị giết do người mẹ bị hoang tưởng.

Vì đâu nên nỗi?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách chia sẻ rằng có vô vàn những nguyên nhân khiến người mẹ bị trầm cảm sau sinh. Trong đó, hoàn cảnh sống của người mẹ khi sinh con gặp áp lực về tài chính, về vị trí sống, về trách nhiệm làm mẹ gây ra trạng thái rối loạn lo âu dẫn đến trầm cảm. Lần đầu làm mẹ ở tuổi 19, cô gái T.T.H ở huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội chưa hề định hình được việc làm mẹ là như thế nào. Càng chăm con H. lại càng lúng túng, đầu óc luôn bị những căng thẳng, lo lắng đè nặng. Những áp lực tự thân ngày càng chất chồng, không thể chia sẻ, giải tỏa cùng ai, khiến cô bị trầm cảm sau sinh.

Mẹ con chị C. được phát hiện đã tử vong trong căn nhà trọ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh chiều mùng 5 tết.

Mẹ con chị C. được phát hiện đã tử vong trong căn nhà trọ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh chiều mùng 5 tết.

Trong đầu H. luôn quẩn quanh ý nghĩ mình không làm tròn bổn phận của người mẹ, không thể che chở và nuôi nổi con, mình nên chết đi. Và H. đã uống thuốc ngủ để kết thúc những tháng ngày bế tắc của mình. May mắn là gia đình đã phát hiện và cấp cứu kịp thời, con của H. vẫn còn có mẹ. Sau biến cố đó, H. phải gặp bác sĩ và trị liệu tâm lý một thời gian. Hiện tại, tinh thần H. đã ổn định trở lại.

Không phải chỉ trong lần sinh đầu tiên, mọi thứ bỡ ngỡ dễ khiến người mẹ bị trầm cảm, mà căn bệnh này hoàn toàn có nguy cơ tái phát trong các lần sinh đẻ tiếp theo. N.Q.M (quê ở Hưng Yên) mới ngoài hai mươi tuổi nhưng đã có đến ba đứa con. Hai lần sinh trước M. sinh hai con gái nên đến đứa con thứ ba, cả gia đình mong chờ cô sinh được con trai. Khi đứa con thứ ba vẫn là gái thì cả gia đình nhà chồng dè bỉu cô là “không biết đẻ”. Đến cả chồng của M. cũng lạnh nhạt không quan tâm đến cô. M. rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản, khóc rất nhiều. Rất may là M. phần nào ý thức được tình trạng tồi tệ của bản thân nên đã tìm đến bác sĩ tâm lý để khám và điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, trường hợp của M. được gọi là trầm cảm sau sinh thứ cấp ở lần sinh con thứ ba do áp lực từ phía gia đình nhà chồng, sự thiếu quan tâm, chăm sóc của người chồng. Giờ đây, khi đã trị liệu tâm lý, M. đã bình tâm trở lại. Cô đang làm thủ tục li hôn chồng, xác định có thể tự lo được kinh tế để nuôi con.

Trầm cảm sau sinh có 3 mức độ nhẹ, vừa và nặng. Ở dạng nhẹ và vừa có thể không phải dùng đến thuốc, chủ yếu dùng các liệu pháp tâm lý như ám thị tự kỉ, áp thức sóng não, cao cấp hơn nữa là thôi miên, đưa về trạng thái ảo thức để nắn lại sóng não. Nhưng khi đã ở mức độ nặng, người bệnh rơi vào trạng thái tâm thần, có suy nghĩ tự tử và kéo theo đứa con ấy chết cùng thì bắt buộc phải can thiệp cả bằng thuốc an thần kinh, chống mất ngủ.

Đối mặt với tình trạng bệnh

Vụ việc người mẹ là Phan Thị T. ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị trầm cảm sau sinh ra tay sát hại con vào ngày 12-6-2017 vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người. Sau khi dìm đứa con mới 33 ngày tuổi vào chậu nước, T. đã quay vào ngủ như không có chuyện gì xảy ra. Nhìn lại diễn biến vụ việc, gia đình T. cho biết ngay sau khi sinh con, cô thường bị đau đầu, hay quên, hay buồn phiền và hoảng sợ. Nhưng lúc đó không ai nghĩ cô bị trầm cảm, không hiểu về tình trạng bệnh lý cô gặp phải nên không đưa cô đi khám và điều trị. Chỉ sau khi T. sát hại con, cô phải điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 hơn 2 tháng, Bệnh viện kết luận Phan Thị T. mất khả năng nhận thức trước, trong và sau khi thực hiện hành vi sát hại con thì ai cũng bàng hoàng và tiếc nuối. Giá như gia đình quan tâm sát sao hơn để biết và đưa T. đi khám và chữa trị thì có lẽ mọi chuyện đã không tồi tệ như vậy.

Vụ việc người mẹ Phan Thị T. ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị trầm cảm sau sinh đã dìm con vào chậu nước ngày 12-6-2017 gây hoang mang dư luận

Vụ việc người mẹ Phan Thị T. ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị trầm cảm sau sinh đã dìm con vào chậu nước ngày 12-6-2017 gây hoang mang dư luận

Không chỉ người thân, mà bản thân người mẹ cũng có thể nhận thức về trầm cảm sau sinh, cách phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả. Khi thấy mình có những dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh, người mẹ đừng né tránh, hãy đối mặt và chấp nhận thực tế rằng mình đang có vấn đề về tâm lý, phải tìm cách thoát khỏi trạng thái tâm lý đó. Chính những chịu đựng, cố tình phớt lờ triệu chứng sẽ khiến bệnh ngày càng trầm trọng, dẫn đến thời điểm bản thân không còn nhận thức, kiểm soát được hành vi. Để có được kết quả điều trị tốt nhất thì bản thân người mẹ cần phải tin tưởng mình sẽ tốt hơn, chia sẻ và tin tưởng vào phương pháp điều trị của bác sĩ.

T.B.G. là trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm sau sinh gần đây nhất được bác sĩ Nguyễn Hồng Bách điều trị. Bà mẹ trẻ này ở Hà Nội và là mẹ đơn thân. Khi mang mang thai, G. rất thoải mái, xác định rõ việc sẽ sinh con, chăm con một mình. Nhưng khi sinh con ra, G. hoang mang cực độ khi phải đối mặt với nhiều áp lực, nhất là vấn đề kinh tế. G. quay cuồng với việc chăm con, không thể đi làm, không có tiền để nuôi con. Cô rơi vào trạng thái chán nản, không muốn nhìn thấy con, cảm thấy không đủ sức nuôi con, luôn dằn vặt tại sao con lại sinh ra trong cuộc đời này, muốn tìm đến cái chết và hủy hoại con. Trước đó G đã từng nhảy từ tầng 3 xuống tự tử nhưng không thành và bị gãy chân.

Nhận thấy G. bị trầm cảm sau sinh đã ở thể nặng, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách phải dùng đến nhiều biện pháp tâm lý mạnh để can thiệp nhằm đánh thức con người tích cực của G. bao lâu nay ngủ vùi, đánh thức trách nhiệm sống, trách nhiệm với con, với bản thân G. Những câu phê phán, khiển trách nặng nề của bác sĩ như gáo nước lạnh dội vào đầu óc đang u mê của G. khiến cô choàng tỉnh. G. nhận ra tình trạng tồi tệ của bản thân, cảm thấy xấu hổ vì những điều u tối cô từng nghĩ trong đầu, những việc dại dột mà cô đã làm với bản thân và với đứa con vô tội. G quyết tâm thay đổi. Sau khoảng một tháng trị liệu, tâm lý G. dần cân bằng trở lại. Cô thấy yêu con, con là món quà tuyệt vời mà cuộc sống ban tặng cho cô, cô phải nỗ lực để nuôi con nên người. G. đang ấp ủ kế hoạch đầu năm 2022 này sẽ gửi con nhờ bố mẹ trông giúp để đi làm kiếm tiền nuôi con.

“Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các bà mẹ, đặc biệt là người mẹ mới sinh con từ sơ sinh đến 2 tuổi. Công ăn việc làm khó khăn, phải ở trong nhà trong thời gian dài dễ khiến người mẹ bị rối loạn lo âu, không định vị được thần thức, trạng thái tâm lý tiêu cực biến chuyển nhanh. Do đó các gia đình có phụ nữ trong giai đoạn sinh nở cần đặc biệt quan tâm, chăm sóc, để ý đến thái độ, hành vi của họ để có biện pháp kịp thời. Hãy cho người mẹ có cảm giác gia đình là nơi bao bọc, bảo vệ, sẻ chia để họ nhanh chóng phục hồi” - bác sĩ Nguyễn Hồng Bách đưa ra khuyến cáo.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/tram-cam-sau-sinh-ke-sat-nhan-vo-hinh-i644106/