'Trạm cơm 2k' cho người nghèo, người khuyết tật
Những 'hộp cơm 0 đồng', 'bếp cơm 0 đồng', 'suất ăn miễn phí', 'nước cam miễn phí', 'bánh mì chay 0 đồng', 'trạm cơm 2k'… dường như đã không còn là 'chuyện lạ' ở thành phố Đà Nẵng, chính vì sự khác biệt ấy đã tạo nên một Đà Nẵng thật đặc biệt, nhân văn và đáng sống trong lòng người dân cả nước.
Giữa trưa nắng, tại số 36 Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) hàng dài người xếp hàng ngay ngắn, trên tay cầm phiếu ăn của “Trạm cơm 2k”, chờ lấy cho mình hộp cơm nóng hổi, ngon lành.
Những “thực khách” đó đa phần là người già, người bán vé số, công nhân, bảo vệ, người chạy xe grab, người khuyết tật.
Cô Thơm (chủ “Trạm cơm 2k”) cho rằng việc làm này của cô là chuyện rất bé nhỏ để giúp đỡ những người nghèo, người bất hạnh: “Cuộc đời ngắn ngủi lắm, nên giúp được ai thì cứ giúp thôi đừng nghĩ nhiều tới chuyện sau này.

"Trạm cơm từ thiện dành cho người nghèo, bà con khó khăn, người khuyết tật"
Cô bắt đầu làm từ thiện khi hồi phục sau một cơn tai biến nặng tưởng không qua khỏi, sau đợt ốm, nằm trong bệnh viện thấy nhiều người nghèo khó quá, cuộc sống của họ thật gian nan, lo ăn từng bữa”.
Đây là năm thứ 23 cô Thơm duy trì những bữa ăn từ thiện, trước đây cô nấu cơm từ thiện cho sinh viên, bệnh nhân, những người nghèo ở cạnh các trường đại học quận Liên Chiểu.
Tuy nhiên bây giờ cô đã gần 70 tuổi, các con cô đều khuyên mẹ hãy chọn địa điểm gần thành phố để về nhà cho tiện. Với lý do đó cô đã thuê căn nhà nhỏ ở Nguyễn Thị Minh Khai để thực hiện “Trạm cơm 2k”.

Chủ quán - cô Thơm trao cơm tận tay cho khách
“Trạm cơm 2k” của cô Thơm hoạt động vào các ngày thứ 3, 5, 7 trong tuần, từ 11h - 12h30, mỗi lần có khoảng 300 suất cơm ngon lành được nấu ra và đến tay người dân nghèo.
Kinh phí quán ăn hoàn toàn do cô Thơm tự lo, cô cho biết cô không kêu gọi tài trợ vì cô làm bằng cái tâm, ai thương thì hoan hỉ tới giúp.
Chị Tô Thị Phương Ý (người nấu cơm) cho biết, sau ca làm việc chị đến “Trạm cơm 2k” nấu cơm cùng mọi người, công việc tuy phải luôn chân luôn tay nhưng giúp đỡ được mọi người chị Ý thấy rất vui.
Quanh thành phố Đà Nẵng, trên các địa bàn phường, xã khác đều có những bếp ăn từ thiện ấm lòng dân nghèo như thế.

Quán cơm phục vụ bà con vào 3 ngày (thứ 3, 5 ,7) trong tuần
Trong con hẻm nhỏ tại số 2 đường Mân Quang 6 (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), cứ vào ngày mồng 1 và Rằm hằng tháng, gian bếp của Câu lạc bộ (CLB) “Sống để yêu thương” lại đỏ lửa. Những suất cơm chay nóng hổi, đầy ắp yêu thương được các thành viên CLB chuẩn bị chu đáo, trao tận tay người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người bán vé số, ve chai…
tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bếp ăn của CLB “Sống để yêu thương” đã trở thành điểm đến quen thuộc cho nhiều người nghèo.
Hình thành gần 15 năm qua, từ một hội nhỏ làm việc thiện nguyện, chuyên kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, đến nay CLB đã duy trì hoạt động ổn định với gần 40 thành viên thường trực.
Trước khi Covid-19 bùng phát, nhóm chủ yếu kêu gọi hỗ trợ cho người ốm đau, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, sau dịch bệnh, nhóm tiếp tục duy trì hoạt động thiện nguyện bằng cách tổ chức nấu cơm phát miễn phí cho người lao động, người ve chai, bán vé số, người khiếm khuyết.

Hoạt động thiện nguyện đã giúp nhiều người già, người khó khăn thêm ấm lòng, vững tin vào cuộc sống
Mỗi đợt phát cơm, CLB nấu 1.000 suất cơm chay, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 10 giờ 30 phát tại 3 địa điểm gồm: số 2 đường Mân Quang 6, số 357 đường Khúc Hạo và Bệnh viện Đà Nẵng.
Tương tự,bếp ăn thiện nguyện do nhóm phật tử “Thảo chay” (tại số nhà 68, đường Đặng Thanh Mai, quận Liên Chiểu) thành lập từ năm 2023 đến nay trở thành điểm tựa cho người lao động, bệnh nhân, học sinh khó khăn.
Mỗi tháng nhóm nấu 500 suất 1 lần, thực đơn được luân phiên thay đổi như súp, cơm, cháo, tất cả đều là đồ chay, gửi đến bệnh nhân ở các Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng.
Bà nguyễn Thị Hảo (người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện C Đà Nẵng) xúc động: “Xã hội có nhiều người tốt nên người nghèo như chúng tôi cũng cảm thấy được chia sẻ và an ủi hơn rất nhiều.
Người nhà tôi nằm bệnh viện đã lâu, chi phí khám chữa khiến gia đình luôn lo lắng, may mắn là chúng tôi được ăn cơm miễn phí, hộp cơm tuy nhỏ nhưng bớt đi phần nào gánh nặng trong lòng”.
Như vậy, “góp gió thành bão”, mỗi một hành động thiện nguyện nhỏ bé nhưng khi được cả cộng đồng vào cuộc lại trở thành sức mạnh to lớn. Hơn hết là ý nghĩa lan tỏa tình yêu thương, để ai cũng cảm nhận được điểm tựa sẻ chia vững chắc trong muôn vàn khó khăn của cuộc sống.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/tram-com-2k-cho-nguoi-ngheo-nguoi-khuyet-tat-129793.html