Trăm đồng tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng
Theo các chuyên gia lao động, tiền thưởng là giá trị gia tăng của người lao động khi hoàn thành tốt công việc, việc quy đổi tiền thưởng bằng hiện vật có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý người lao động.
Từ 1-1-2021, quy định mới về thưởng, bao gồm thưởng Tết của người lao động trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua có nhiều thay đổi, cho phép mở rộng các hình thức thưởng cho người lao động (NLĐ).
Cụ thể, Điều 104 Bộ Luật Lao động (sửa đổi) 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho NLĐ bằng tiền, trong Bộ luật Lao động mới mở rộng các hình thức thưởng khác như bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
Quy định này đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, đặc biệt là gây hoang mang cho NLĐ. Nguyễn Thị Ngọc Yến (quê Quảng Ngãi), công nhân (CN) một công ty trong KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức), bày tỏ: "Tết tôi thích được thưởng bằng tiền mặt hơn vì có thể mua sắm, chi tiêu theo ý mình dễ dàng. Chúng tôi đi làm cũng chỉ mong nhận được tiền mặt. Đặc biệt, những ngày Tết chúng tôi càng cần tiền hơn, tặng hiện vật là không đúng nhu cầu. Nếu công ty thưởng bằng hiện vật, tôi cũng bắt buộc phải lấy nhưng sẽ khó mà tiếp tục gắn bó lâu dài.
Cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Thị Nhanh (quê Sóc Trăng), CN một công ty tại KCN Đồng An (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), chia sẻ: "Trả thưởng bằng hiện vật là cố tình gây khó cho NLĐ. Tôi không thích hiện vật vì không có nhu cầu cần và chẳng biết nó sẽ giúp ích gì cho tôi. Nếu tặng đúng hiện vật có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện để sử dụng tôi cũng cũng sẽ không dùng. Tôi tấy nếu công ty mà sản xuất hàng dùng ở Việt Nam có thể tặng kèm hiện vật hoặc sản phẩm để động viên những lao động tốt bên cạnh thưởng tiền.
Ở góc độ NSDLĐ, ông Lê Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM), cho rằng, đã gọi là thưởng thì không nên thưởng bằng hiện vật. Khi tặng bằng hiện vật những thứ NLĐ không cần hoặc không ưa thích thì sẽ không có ý nghĩa. "Nếu muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp (DN) đừng thưởng kiểu cho có. Tâm lý của NLĐ là "trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng", ông Bình bày tỏ quan điểm.
Tiền thưởng là giá trị gia tăng
Tiền thưởng là giá trị gia tăng của NLĐ khi họ hoàn thành tốt công việc, đóng góp cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc thưởng phải là việc động viên để NLĐ tiếp tục cống hiến thời gian và công sức cho công ty. Việc DN trả thưởng tháng thứ 13 cho NLĐ bằng sản phẩm của đơn vị khiến họ "khóc dở, mếu giở". Thực tế, những sản phẩm này khiến rơi vào tình huống tiêu thụ giúp DN nhưng lại không đem lại lợi ích cho NLĐ, họ không dùng được mà bán thì không ai mua. Vì thế, việc quy định DN được thưởng hiện vật là rất thiệt thòi cho NLĐ. "Khi BLLĐ sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải có hướng dẫn rất cụ thể về vấn đề này. NSDLĐ cũng không nên bắt chẹt, bắt ép và làm giảm giá trị tiền thưởng của NLĐ" - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, góp ý.