Trầm lắng thị trường cho thuê mặt bằng
Kinh doanh khó khăn đã và đang khiến thị trường cho thuê cửa hàng, văn phòng những tháng gần đây trở nên dồi dào về nguồn cung.
Trong vai người đi tìm thuê mặt bằng kinh doanh, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà 4 tầng có diện tích 4x25m trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên) để hỏi thông tin. Tại đây, chủ nhà ra giá 18 triệu đồng/tháng, ký hợp đồng 2-3 năm, đóng tiền 1 năm/lần.
Theo chủ nhân ngôi nhà, do có nhu cầu mở rộng cửa hàng nên người thuê cũ đã trả mặt bằng. Trước thời điểm dịch COVID-19, giá thuê căn nhà này dao động từ 20 đến 22 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chủ nhà có thể giảm thêm chút ít, đồng thời cam kết sẽ không tăng giá trong 2 năm đầu.
Cũng đưa ra mức giá 18 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thanh Hà, chủ căn nhà 3,5 tầng trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho hay: So với năm 2022, mức giá này đã giảm 10%. Nếu đồng ý thuê, khách hàng có thể ký hợp đồng 5 năm, với giá ổn định, đóng tiền 6-12 tháng/lần.
Ngay cạnh nhà chị Hà, một gia đình khác chỉ cho thuê tầng 1 với mức giá đưa ra là 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, dọc các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên, như: Bắc Kạn, Bắc Sơn, Cách mạng Tháng Tám..., không khó để bắt gặp những tấm biển cho thuê, sang nhượng cửa hàng, văn phòng với đa dạng diện tích, mức giá khác nhau. Dù vậy, theo những người có nhu cầu, để tìm được 1 địa điểm ưng ý không phải chuyện dễ.
Lý giải về vấn đề giá thuê cửa hàng, văn phòng có xu hướng "hạ nhiệt", anh Nguyễn Mạnh Huy, chủ 2 cửa hàng giày dép, thời trang trên đường Lương Ngọc Quyến, nói: Từ đầu năm đến nay, doanh số bán hàng của chúng tôi chỉ bằng khoảng 80% so với năm 2022, còn nếu so với trước năm 2020 thì chỉ bằng một nửa. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác kinh doanh khác. Buôn bán khó khăn nên năm 2022, tôi được nhà chủ giảm cho 5% tiền thuê mặt bằng. Sang năm nay, chúng tôi tiếp tục được giảm từ 11,5 triệu đồng xuống còn 10 triệu đồng/tháng/cửa hàng 80m2.
Còn theo chị Thu Hương, chủ một quán ăn Nhật Bản trên đường Phan Đình Phùng: Khách đến cửa hàng tuy vẫn ổn định, nhưng lượng bán ra thì lại giảm đáng kể. Nếu trước đây, trung bình mỗi khách sử dụng suất ăn 300-400 nghìn đồng, thì nay chỉ còn khoảng 200-250 nghìn đồng. Trong khi đó, một số nguyên vật liệu đầu vào lại tăng mạnh. Vì vậy, tình hình kinh doanh hết sức khó khăn.
Không được may mắn có lượng khách hàng ổn định như chị Hương, anh Ngọc Huy, chủ quán lẩu nướng trên đường Việt Bắc đã phải treo biển sang nhượng cửa hàng chỉ sau vài tháng khai trương. Trước đó, do đã đầu tư sửa chữa và mua sắm trang, thiết bị phục vụ kinh doanh, cộng với việc trả tiền thuê nhà trước 1 năm nên anh Huy cầm chắc khoản lỗ hàng trăm triệu đồng. Anh chia sẻ: Do chưa có kinh nghiệm nên suốt mấy tháng mở bán, lượng khách của quán không nhiều. Không đủ trang trải các chi phí nên tôi muốn sang nhượng sớm.
Cũng có nhu cầu sang nhượng mặt bằng, anh B.N.L, chủ một nhà hàng - quán bar trên đường Bắc Sơn đưa ra giá bán toàn bộ tài sản đã đầu tư là 2,5 tỷ đồng. Theo anh L: Sau khi thuê 360m2 mặt bằng, chúng tôi đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng, mua sắm toàn bộ nội thất. Những năm trước, hoạt động của quán khá ổn định, nhưng kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, lượng khách thưa vắng dẫn đến doanh thu sụt giảm. Vì thế, chúng tôi quyết định dừng hoạt động và chấp nhận bán lỗ phần vốn đã bỏ ra đầu tư…
Theo dự báo và cũng là quy luật chung của thị trường, trong những tháng cuối năm, thị trường cửa hàng, văn phòng cho thuê sẽ trở nên sôi động hơn. Chính vì thế, ở một khía cạnh khác, việc nguồn cung dồi dào và giá thuê "hạ nhiệt" như hiện nay được xem là cơ hội tốt để đầu tư kinh doanh. Hiện cũng là thời điểm lý tưởng cho những ai có nhu cầu thuê mới hoặc chuyển địa điểm kinh doanh để ổn định việc bán hàng trước mùa mua sắm dịp Tết.
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ giới kinh doanh, việc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường, địa điểm thuê mặt bằng, giá thuê… để có những định hướng hoạt động phù hợp, hiệu quả rất cần được người thuê cân nhắc, tính toán cẩn thận.