Trầm lắng thị trường sắn đầu vụ

Đầu tháng 12, bước vào vụ thu hoạch sắn. Tuy nhiên, trái ngược với không khí nhộn nhịp 'kẻ bán, người mua' như những năm trước, năm nay thị trường sắn rơi vào tình trạng trầm lắng hiếm thấy. Vì vậy, vụ đã được gần một tháng, người dân nhiều nơi vẫn không mấy mặn mà với việc thu hoạch. Trong khi đó, các thương lái và nhà xưởng cũng tỏ ra dè dặt, thậm chí tạm ngừng thu mua để thăm dò diễn biến thị trường.

Người dân không thu hoạch

Những năm gần đây, giá củ sắn tươi luôn duy trì ở mức cao, dao động khoảng 2.000 - 2.100 đồng/kg. Đặc biệt năm 2023, giá sắn từ đầu vụ đã đạt mức 2.300 - 2.400 đồng/kg và tăng mạnh lên chạm ngưỡng 2.500 đồng/kg vào cuối vụ. Chính vì vậy, bước sang năm 2024, diện tích trồng sắn tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông và Điện Biên tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, khi vào vụ thu hoạch, thị trường trầm lắng, gần như đóng băng, không chỉ trong nước mà cả tại thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc. Sức mua giảm mạnh đã khiến giá sắn tụt dốc không phanh, người dân nhiều địa bàn để sắn "nằm" lại trên nương, không tha thiết với việc thu hoạch.

Năm 2023, bản Huổi Lanh, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) chỉ trồng khoảng 20ha sắn, người dân bán được giá cao nên năm 2024 bà con mở rộng diện tích lên hơn 40ha. Tuy nhiên, đến nay đã vào vụ gần 1 tháng song cả bản mới chỉ lác đác 2 - 3 hộ thu hoạch.

Người dân bản Huổi Lanh, xã Mường Toong ngừng thu hoạch sắn vì giá thấp.

Người dân bản Huổi Lanh, xã Mường Toong ngừng thu hoạch sắn vì giá thấp.

Ông Vừ A Thọ, bản Huổi Lanh, canh tác 2ha sắn. Vào trung tuần tháng 12 vừa qua, ông Thọ đã huy động nhân lực lên nương để thu hoạch sắn. Tuy nhiên, khi liên hệ với thương lái, mức giá được báo chỉ 1.200 đồng/kg, bằng một nửa so với giá thu mua năm 2023 khiến ông không khỏi ngỡ ngàng và thất vọng.

Ông Thọ chia sẻ: “Do là hộ đầu tiên trong bản thu hoạch nên tôi không tham khảo giá trước. Khi thu hoạch xong mới biết giá năm nay quá thấp. Dù không hài lòng nhưng đã thu hoạch rồi nên đành chấp nhận bán với giá đó”.

Hiện tại, ông Thọ đã tạm dừng thu hoạch. Diện tích sắn còn lại khoảng 1ha, ông Thọ cho biết sẽ đợi giá cả khởi sắc sẽ tiếp tục thu hoạch.

Ông Vừ Bả Dế, Trưởng bản Huổi Lanh cho biết: “Do giá sắn quá thấp, toàn bộ các hộ trồng sắn trong bản đều quyết định lùi thời gian thu hoạch, chờ giá sắn cao hơn. Nhiều hộ còn dự định để sắn trên nương qua Tết Nguyên đán mới thu hoạch. Hiện tại, giá sắn thấp, lượng người mua ít, nếu cố bán lúc này thì không chỉ không có lãi mà còn có nguy cơ thua lỗ.”

Không chỉ ở Mường Nhé, nông dân tại các huyện: Điện Biên và Nậm Pồ cũng không mấy hào hứng thu hoạch sắn. Những hộ lỡ thu hoạch sớm thì đành bán với giá thấp để gỡ gạc chi phí, trong khi những hộ chưa thu hoạch vẫn kiên nhẫn chờ sắn tăng giá trong thời gian tới.

Anh Quàng Văn Thành, bản Pá Bông, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) bán sắn cho các xưởng thu mua tại trung tâm xã.

Anh Quàng Văn Thành, bản Pá Bông, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) bán sắn cho các xưởng thu mua tại trung tâm xã.

Anh Quàng Văn Thành, bản Pá Bông, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), buồn bã cho biết: “Vụ sắn năm nay coi như thất bại. Mưa nhiều làm nhiều củ sắn bị thối, năng suất chỉ đạt khoảng 10 tấn/ha. Đến khi thu hoạch, giá lại quá thấp. Trước đây, sắn vừa nhổ là có người đến tận bản thu mua, nhưng năm nay tôi phải gọi khắp các nhà xưởng mà vẫn không ai mua. Cuối cùng, gia đình tôi phải cắt sắn, phơi khô, rồi chở ra tận xưởng ở trung tâm xã để bán, mà giá sắn khô cũng chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg, không khá hơn là bao.”

Trước tình hình giá sắn lao dốc, nhiều nông dân đã thay đổi kế hoạch thu hoạch để giảm thiệt hại.

Chị Nguyễn Thị Hồng, bản Hát Hẹ, xã Núa Ngam cho biết: “Năm nay mùa mưa đến sớm và kéo dài khiến tôi phải xuống giống muộn. Hiện nay sắn đã đủ điều kiện thu hoạch nhưng vì giá thấp nên tôi quyết định để thêm khoảng một tháng nữa, sau Tết Nguyên đán mới thu, hy vọng giá cả sẽ cải thiện.”

Thương lái ngừng thu mua

Tháng 12 những năm trước, trên tuyến đường vành đai Pom Lót - Núa Ngam - Huổi Puốc, đoạn qua trung tâm xã Núa Ngam, cảnh tượng từng hàng dài xe đầu kéo nối đuôi nhau chờ bốc sắn trở nên quen thuộc. Những chuyến xe tấp nập vận chuyển sắn về các tỉnh miền xuôi hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc tạo nên không khí nhộn nhịp.

Thế nhưng năm nay, không còn sự nhộn nhịp đó, số xe tải đến xã mua sắn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Trên địa bàn xã Núa Ngam hiện có 8 nhà xưởng thu mua, chế biến sắn. Tuy nhiên, do thị trường đi xuống, sức mua yếu nên các cơ sở này đang hoạt động cầm chừng, không mặn mà thu mua, nhập hàng để bảo toàn vốn.

Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ xưởng thu mua nông sản Tuấn Thanh, thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam chia sẻ: “Vào thời điểm này năm 2023, mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng 200 - 300 tấn sắn tươi. Củ sắn chỉ tồn kho không quá hai ngày là được xuất đi Trung Quốc qua các cửa khẩu. Nhưng từ đầu tháng 12/2024 đến nay, xưởng chỉ mua khoảng 200 tấn, tương đương số lượng một ngày năm ngoái nhưng mới bán được khoảng 50 tấn, phần còn lại vẫn tồn kho”.

Thị trường trầm lắng, các xưởng thu mua, chế biến sắn tại xã Núa Ngam rất thận trọng trong việc thu mua sắn của người dân.

Thị trường trầm lắng, các xưởng thu mua, chế biến sắn tại xã Núa Ngam rất thận trọng trong việc thu mua sắn của người dân.

Về nguyên nhân giá sắn giảm mạnh, chị Thanh cho biết: “Điện Biên hiện chỉ có một nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhưng công suất quá nhỏ, chỉ khoảng 200 - 300 tấn/ngày đêm, không thể đáp ứng cho diện tích sắn toàn tỉnh. Phần lớn sắn đều phải bán về các tỉnh dưới xuôi hoặc xuất sang Trung Quốc. Năm nay thị trường Trung Quốc chưa nhập khẩu sắn, khiến thị trường nội tỉnh gần như đóng băng. Chúng tôi cũng chỉ đơn thuần là những người mua đi bán lại nên khi không có đầu ra ổn định, dù giá sắn hiện tại thấp vẫn không thể thu mua của người dân".

Khác với các xưởng ở Núa Ngam, xưởng chế biến tinh bột sắn Nam Phong tại bản Mường Toong 2, xã Mường Toong thu mua sắn của người dân huyện Mường Nhé, sau đó chế biến thành bột để cung cấp cho các nhà máy ở Thanh Hóa, Nghệ An. Nhưng hiện nay, xưởng này cũng đã ngừng thu mua.

Ông Nguyễn Khắc Cộng, Chủ xưởng chế biến tinh bột sắn Nam Phong cho biết: “Các đối tác tiêu thụ của chúng tôi ở các tỉnh đã ngừng thu mua. Chính vì vậy, tôi cũng phải tạm dừng mua của bà con suốt hơn 10 ngày qua. Khi nào thị trường ổn định trở lại, khi đó xưởng mới có thể tái hoạt động”.

 Người dân xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé bán sắn cho thương lái.

Người dân xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé bán sắn cho thương lái.

Khi các xưởng chế biến ngừng sản xuất, các lái buôn sắn tại cũng phải dừng hoạt động. Ông Nguyễn Tiến Thu, thương lái mua sắn tại huyện Mường Nhé chia sẻ: “Tôi chỉ cố gắng mua nốt số sắn của những hộ đã hứa từ trước. Sau đó sẽ tạm ngừng cho đến khi các xưởng ở Mường Nhé và Điện Biên hoạt động trở lại và thị trường sôi động hơn”.

Thị trường sắn trầm lắng đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với người trồng sắn. Một lần nữa câu chuyện buồn "được mùa mất giá" lại tái diễn. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có giải pháp thiết thực để chủ động thị trường tiêu thụ, không chỉ với củ sắn mà còn nhiều loại nông sản khác. Còn hiện tại, người trồng sắn chỉ biết ngóng chờ thị trường sắn phục hồi.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/tram-lang-thi-truong-san-dau-vu