Trăm năm ngày sinh nhà thơ Minh Hiệu: Nghĩ về nhân cách nhà văn
Minh Hiệu, tên thật là Nguyễn Minh Hiệu, sinh ngày 29/9/1924, mất ngày 17/12/1999. Quê ông ở xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. 'Mưa núi', một bài thơ nổi tiếng của Minh Hiệu đã ra đời ở thời kỳ 1949. 1949–1956, ông là biên tập viên báo Cứu Quốc Liên khu V. 1957-1972, Minh Hiệu hoạt động ở văn nghệ liên khu 4. Minh Hiệu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thuộc thế hệ đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1973 đến khi nghỉ hưu, Minh Hiệu công tác ở Thanh Hóa. Ông từng là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa nhiều nhiệm kỳ.
Nhà thơ Minh Hiệu (1924-1999)
Tác phẩm chính đã xuất bản
Bài thơ Mưa núi, trong tuyển tập thơ kháng chiến.
Sưu tầm truyện thơ Mường - 1963.
Tập thơ Những chiếc cầu (thơ - 1969).
Tập thơ Yêu Thương (thơ - 1978).
Tập thơ Tâm tình (Tuyển tập Ca dao - 1972).
Tập thơ Rừng gọi (1986).
Sưu tầm, biên dịch Tục ngữ dân ca Mường Thanh Hóa (2 tập, 1970-1981).
Tập ký Quế Ngọc Châu Thường (Bút ký -1972).
Nghiên cứu về nghệ thuật ca dao (nghiên cứu -1984).
Tình ca Lào – Căm Pu Chia (dịch – 1984).
Nàng Nga hai Mối (dịch từ tiếng Mường - 1999).
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC
Giải B (không có giải A), giải thưởng 5 năm (1996-2000) cho tác phẩm Tục ngữ Dân ca Mường Thanh Hóa, 2 tập.
GIẢI THƯỞNG LỚN NHẤT CHO TOÀN BỘ SỰ NGHIỆP CỦA NHÀ THƠ MINH HIỆU
. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016.
NHÂN DUYÊN VỚI MINH HIỆU VÀ TUYỂN TẬP MINH HIỆU
Năm 2013, nhân dịp cùng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam về đi thực tế tại Nông Cống, Thanh Hóa, tôi có đề nghị với lãnh đạo huyện Nông Cống cho về xã Trường Giang thắp hương cho nhà thơ Minh Hiệu. Đoàn về Nông Cống có nhà thơ Văn Đắc, nhà văn Nguyễn Văn Đệ, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh và tôi. Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Cống dẫn đoàn đi. Anh con trai út của nhà thơ Minh Hiệu, đại tá quân đội mới về phép, đưa chúng tôi lên tầng 2 nơi thờ Minh Hiệu để vái cụ.
Một gian thờ đầy sách vở, các tác phẩm của Minh Hiệu đã xuất bản và di cảo của Minh Hiệu. Sau khi thắp hương xong, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh bảo tôi:
- Phải làm toàn tập Minh Hiệu để tỏ lòng nhớ đến nhà thơ. Lê Tuấn Lộc chủ trì đi.
Tôi hào hứng nhiệt tình ngay và nói với nhà văn Từ Nguyên Tĩnh:
- Hay đấy. Tư liệu thế nào?
Nguyễn Văn Bính, con trai Minh Hiệu nói ngay:
- Tất cả tư liệu, tác phẩm đã xuất bản, di cảo của bố em còn lại rất nhiều. Em sẽ cấp cho các anh.
Ý tưởng ấy của Từ Nguyên Tĩnh cứ day dứt tôi mãi. Tôi và nhà thơ Minh Hiệu, đồng hương Nông Cống, ông là người dìu dắt tôi những năm đầu đời vào với văn chương. Nhưng làm tuyển tập Minh Hiệu thì đây là một vấn đề không đùa vì phức tạp nhiều chuyện phải chuẩn bị quá. Thời gian đâu, tài chính đâu, lấy ai mà làm cùng với mình. Mặt khác, dân văn nghệ xứ Thanh còn sống, ai hiểu Minh Hiệu để mình gặp và tìm hiểu.
Sau khi về Hà Nội, tôi điện thoại và bàn với Từ Nguyên Tĩnh để anh chủ trì và tôi cùng tham gia. Từ Nguyên Tĩnh chối ngay vì thấy phức tạp quá, anh bảo không có thời gian và động viên tôi cứ làm đi. Khó khăn thì gỡ dần.
Tôi đặt vấn đề này với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Hữu Thỉnh ủng hộ ngay và nói Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tài trợ cho việc in tuyển tập Minh Hiệu ở mức độ cao nhất. Anh Hữu Thỉnh hỏi tôi:
Dung lượng tuyển tập khoảng độ bao nhiêu trang?
Tôi bảo anh:
Khoảng 2.000 trang.
(Thực ra thì tôi chỉ áng chừng thế thôi. Chính xác bao nhiêu trang thì chưa định được). Anh bảo tôi:
- Thế thì được, nhưng Hội Nhà văn thì ít tiền lắm. Cao nhất cũng chỉ được 20 triệu đồng. Nếu muốn tài trợ cao hơn phải đưa sang Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Nhưng Lê Tuấn Lộc cứ chuẩn bị đề cương đi rồi tài chính sẽ tính sau. Gia đình cũng phải đóng góp vào mới có tuyển tập được. Đây là việc lớn, phải huy động vốn từ nhiều nguồn.
Gia đình bác Minh Hiệu, từ anh con trai Nguyễn Văn Đính, con trai út Nguyễn Văn Bính, con dâu Nguyễn Thị Nhung đều rất vui và nhiệt tình chuẩn bị.
Nguyễn Văn Bính trước khi đi công tác ở Lào, còn bảo tôi:
Em đi xa, tiền nong thiếu bao nhiêu anh cứ điện cho nhà em chuẩn bị. Ta sẽ lo đủ hết!
Ngày hoàn thành bản thảo, tôi cho in thử 1 cuốn và điện cho Bí thư Huyện ủy Nông Cống Phạm Minh Chính biết. Anh Chính bảo phải báo tin cho linh hồn nhà thơ Minh Hiệu biết. Tôi về Nông Cống ngay và cùng anh Phạm Minh Chính đánh xe về tận xã Trường Sơn, dâng hương báo tin cho nhà thơ Minh Hiệu trước mộ ông, xin ông phù hộ độ trì cho công việc tiếp theo.
Từ ý tưởng ban đầu cho đến bây giờ, bộ Minh Hiệu tuyển tập dày dạn gần 1.000 trang đã có trên tay bạn đọc. Đây là một cố gắng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam mà người nhiệt tình nhất là nhà thơ Hữu Thỉnh. Sau đó là đóng góp của gia đình.
Về Minh Hiệu có nhiều tài liệu phong phú có thể tham khảo nghiên cứu trong các đề tài luận văn thạc sĩ, tiến sĩ văn chương. Minh Hiệu là một con người mẫu mực về tư cách đạo đức, về phong cách nhà văn.
HỘI THẢO VỀ MINH HIỆU VÀ GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 2016
Thực ra thì sau khi biên soạn xong công trình MINH HIỆU TUYỂN TẬP, tôi thấy đã là cố gắng lắm rồi. Mấy ai nghĩ là sẽ có thêm một sự kiện nào khác. Nhưng tôi cũng nói có tính xa hơn với đại tá Nguyễn Văn Bính, con trai Minh Hiệu: Chuẩn bị chọn ra các tác phẩm tiêu biểu của bác Minh Hiệu để sau này có đủ điều kiện thì đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Sau khi tác phẩm xuất bản xong đã là cuối năm 2014. Tôi đề nghị với nhà thơ Hữu Thỉnh cho Hội thảo về Minh Hiệu ở Hà Nội. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị: Cần phải tổ chức Hội thảo về Minh Hiệu tại Thanh Hóa để tỉnh thấy rõ hơn về vai trò và công trạng của Minh Hiệu với văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Tôi báo cáo việc này với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Đại học Hồng Đức đảm nhận tổ chức chính, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh bận không đi hội thảo được. Tôi điện cho GS Tô Ngọc Thanh, mời bác đi vì bác là người gắn bó với Minh Hiệu rất lâu. Nhưng cách hội thảo một ngày, GS Tô Ngọc Thanh điện cho tôi: - Tôi phải làm chủ tịch Hội đồng chấm Luận án TS, chắc là không vào được, sẽ có GS.TS Nguyễn Xuân Kính, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian vào dự.
Hội thảo đã thành công và người ta đã đánh giá về Minh Hiệu đúng như những gì bản chất ông đã có. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã cố gắng rất lớn để hội thảo tổ chức được vào cuối năm bận rộn.
Vấn đề Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật của Minh Hiệu. Khi đã có thông báo của Nhà nước làm thủ tục xét thưởng, Nguyễn Văn Bính, con trai bác Minh Hiệu, hỏi ý kiến tôi, tôi bảo: Làm hồ sơ gửi về Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng làm thêm một bộ nữa gửi về theo con đường tỉnh Thanh Hóa. Tôi gặp nhà thơ Hữu Thỉnh, xin ý kiến. Anh Hữu Thỉnh vỗ vai tôi: Cứ gửi hồ sơ về Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng xét tại hội kỳ này đông lắm và phức tạp. Theo mình, nên gửi một bộ hồ sơ về tỉnh vì bác Minh Hiệu có uy tín với tỉnh Thanh Hóa. Gia đình bác Minh Hiệu đã gửi một bộ về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Sau khi thông qua ở Hội đồng cấp tỉnh với 100% phiếu đồng ý là Hội đồng cấp Nhà nước. Và kết quả, nhà thơ Minh Hiệu đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2016.
TỪ NHÀ THƠ MINH HIỆU, NGHĨ VỀ NHÂN CÁCH MỘT NHÀ VĂN
Nhà thơ Minh Hiệu, nổi bật nhất trong thơ ca kháng chiến chống Pháp là bài Mưa núi. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng nói trong Lời giới thiệu Tuyển tập Minh Hiệu xuất bản năm 2014: “Bài thơ mang đặc điểm chung của thơ ca buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Khỏe, tươi, vạm vỡ, nhiều chi tiết sống...”. Nhưng bài thơ nổi tiếng, được truyền tụng và đăng rất nhiều các báo sau cải cách ruộng đất và sửa sai là bài thơ gửi vợ: Tơ vò. Đây là bài thơ đã tỏ rõ nhân cách chân chính của Minh Hiệu. Thực ra, bài thơ này là bài thơ gửi riêng cho vợ để động viên tinh thần vợ khi gia đình Minh Hiệu bị qui sai địa chủ, khi Minh Hiệu đang ở trong tù. Nhưng khi mọi người biết được thì bài thơ lại không phải là riêng nữa mà là cái chung cần chỉnh huấn sau sửa sai. Nén lòng mình lại để vợ yên lòng. Nhân cách ấy của Minh Hiệu, sau này trong Hội thảo Minh Hiệu ở Đại học Hồng Đức năm 2014 đã được nhiều nhà văn nhắc đến:
“Tơ đã vò
Đừng cho tơ thắt nút
Đừng sốt ruột mà đứt hư tơ
...
Em ơi, bình tĩnh đợi chờ
Sau này Đảng sửa như tơ gỡ dần...”.
Nhưng ở Hội Nhà văn Việt Nam, nhân cách của Minh Hiệu, được các nhà văn mến phục. Trước khi Minh Hiệu mất khoảng 1 năm, hội có tài trợ cho Minh Hiệu 1 triệu đồng (khoảng năm 1998) để đầu tư sáng tác. Sách chưa xong thì Minh Hiệu ốm nặng. Trước khi mất, ông dặn con trai Nguyễn Văn Bính phải đem trả lại khoản tiền đã gói kỹ từ lâu chưa dùng đến cho Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Hoa, trưởng ban tổ chức hội viên đã nhận lại khoản tiền này. Các nhà văn rất cảm kích tinh thần minh bạch, khảng khái của ông.
Nhân nói về tính cách chân thật, nghiêm cẩn trong đời sống Minh Hiệu, tôi nghĩ về nhân cách nhà văn. Người viết, cái lưu lại trong lòng người đọc là chất lượng nghệ thuật và giá trị về tư tưởng. Nhưng nhân cách và tư cách của nhà văn là một phần quan trọng để đánh giá con người họ trước thời đại. Nhiều thế kỷ qua, trong văn học Việt Nam đã có nhiều minh chứng cho những nhà văn, nhà thơ rất khảng khái và trong sạch. Nghèo nhưng không hèn. Bị oan khuất vẫn ngẩng đầu lên. Minh Hiệu là một ví dụ.