Trạm Tấu đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Khai thác tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người, huyện Trạm Tấu đã khai thác, đưa vào sử dụng đa dạng các sản phẩm du lịch: cộng đồng, nghỉ dưỡng, sinh thái, mạo hiểm… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, khám phá.
![Du lịch suối khoáng nóng là một sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Trạm Tấu, thu hút đông đảo khách du lịch mỗi năm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_608_51448369/53664aa67fe896b6cff9.jpg)
Du lịch suối khoáng nóng là một sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Trạm Tấu, thu hút đông đảo khách du lịch mỗi năm.
Nhiều năm qua, huyện Trạm Tấu luôn coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn với kỳ vọng sẽ tạo việc làm, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài các giải pháp về nguồn lực thu hút đầu tư, giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng, tăng cường giới thiệu, quảng bá… thì việc xây dựng, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều nhóm đối tượng được huyện đặc biệt quan tâm.
Khai thác tiềm năng suối khoáng nóng, du lịch nghỉ dưỡng ra đời và ngày càng phát triển mạnh ở Trạm Tấu. Hơn 7 năm trước, Trạm Tấu chỉ có Khu sinh thái Suối khoáng nóng Cường Hải của ông chủ Vũ Mạnh Cường thì đến nay, hàng chục homestay được mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng đã đi vào hoạt động, lấy nơi này là điểm nhấn liên kết.
Anh Vũ Mạnh Hùng - Chủ Homestay A Hùng chia sẻ: "Homestay của gia đình nằm ngay đường vào khu du lịch suối khoáng nóng. Nhận thấy khách du lịch ngày càng tăng lên, khu du lịch không còn sức chứa nên tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống phòng ở dạng bungalow nhỏ xinh nhưng khép kín, đầy đủ tiện nghi, có hệ thống sân vườn, không gian nhiều hoa, cây xanh cùng hệ thống nhà hàng, cafe. Homestay đã liên kết với khu khoáng nóng để có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng với chi phí tiết kiệm hơn. Chúng tôi còn kết nối các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn để trao đổi thông tin, kinh nghiệm hữu ích, liên kết tạo các tour du lịch và sẵn sàng chia sẻ khách hàng với nhau để tất cả anh em cùng phát triển và xây dựng một cộng đồng văn minh, hiếu khách”.
Đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu có 43 cơ sở lưu trú, trong đó 1 khách sạn đạt chuẩn 3 sao, 5 nhà nghỉ, 37 cơ sở lưu trú homestay đủ điều kiện chuẩn kinh doanh lưu trú. Điểm chung của các cơ sở này là có cách làm du lịch mới mẻ, quan tâm tới chiến lược marketing, chú trọng xây dựng nhà ở, không gian, khuôn viên, hình thành các điểm check-in, ngắm cảnh… Từ đó, thu hút du khách từ nhiều nơi tìm tới mảnh đất xa xôi này với mong muốn được nghỉ ngơi, được khám phá một vùng đất trong lành, còn nguyên vẻ hoang sơ với những sản phẩm văn hóa bản địa đặc trưng.
Du lịch mạo hiểm cũng là một sản phẩm chủ lực, là một điểm nhấn độc đáo của du lịch Trạm Tấu. Với 2 đỉnh núi nằm trong top 13 những đỉnh núi cao nhất Việt Nam cùng hệ thống thác nước hùng vĩ, Trạm Tấu đã khai thác tốt thế mạnh này trở thành sản phẩm du lịch, thu hút những du khách ưa thích chinh phục thiên nhiên. Huyện đã hình thành các tour du lịch với đa dạng các loại hình như: treckking khám phá các đỉnh núi Tà Chì Nhù, Tà Xùa, bản định cư chòm Cu Vai, trải nghiệm săn mây và bay dù lượn xã Phình Hồ, khám phá thác Háng Đề Chơ, thác Nả Chàng…; phát triển đội ngũ người dẫn tour, người thồ hàng ở địa phương để tạo thuận lợi hơn cho du khách trong hành trình khám phá; quan tâm tăng cường quản lý sản phẩm thể thao mạo hiểm, đặc biệt là biện pháp bảo đảm an toàn.
Đặc biệt từ năm 2023, huyện phối hợp tổ chức Giải Leo núi "Bước chân trên mây” và nỗ lực đưa hoạt động này trở thành thường niên, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người Trạm Tấu. Ngoài ra, du khách đến Trạm Tấu còn có thể trải nghiệm các sản phẩm như: du lịch cộng động xã Hát Lừu; du lịch nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp; du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống như: thêu dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải, đan lát, rèn tại xã Bản Công, xã Xà Hồ; chế tác khèn Mông tại xã Bản Mù, xã Trạm Tấu; các lễ hội: Gầu Tào của người Mông, Lồng Tồng của người Thái xã Hát Lừu, Cầu Mùa của dân tộc Khơ Mú xã Túc Đán...
Đa dạng các sản phẩm du lịch giúp Trạm Tấu thu hút được thêm nhiều nhóm đối tượng, lượt khách du lịch tăng dần sau mỗi năm. Riêng năm 2024, số du khách đến huyện là 152.500 lượt người, trong đó khách quốc tế là 37.440 lượt, doanh thu đạt 120 tỷ đồng. Vùng đất nơi rẻo cao Trạm Tấu không chỉ từng bước xây dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch mà còn để lại ấn tượng trong lòng mỗi du khách, trở thành một điểm đến xứng đáng trong hành trình khám phá miền Tây Yên Bái.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/345826/tram-tau-da-dang-hoa-san-pham-du-lich.aspx