Lần đầu thử món bún lòng lợn kiểu Việt, trưởng bản ở châu Phi nói câu xúc động
Lần đầu nếm thử món bún lòng lợn, ăn cùng rau thơm kiểu Việt, người châu Phi nức nở khen hương vị lạ miệng, thừa nhận chỉ ngửi mùi cũng thấy ngon.
Công Giáp (quê ở Nghệ An) và cộng sự Sơn Thạch là 2 thành viên quen thuộc của nhóm châu Phi đã gắn bó với Quang Linh Vlogs nhiều năm ở Angola.
Ngoài hỗ trợ người dân bản địa canh tác nông nghiệp, họ còn thường xuyên nấu những món ăn đặc trưng ở Việt Nam để giới thiệu với người dân nơi đây như: Đỗ xào mề gà, nộm tai heo, thịt lợn quay, cơm gà, bún thịt nướng, bánh mì sốt vang…
Trong video gần đây được đăng tải trên kênh YouTube có hơn 630.000 lượt theo dõi, Công Giáp và Sơn Thạch tới nông trại ở bản Maiala, nấu một món ăn dân dã rất được ưa chuộng ở Việt Nam để chiêu đãi cha xứ, trưởng bản và nhiều người dân bản địa. Đó là bún lòng lợn.
![Công Giáp và Sơn Thạch nấu món bún lòng lợn kiểu Việt mời người dân châu Phi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_23_51448559/a9fe8839bd7754290d66.jpg)
Công Giáp và Sơn Thạch nấu món bún lòng lợn kiểu Việt mời người dân châu Phi
Công Giáp cho biết, thời điểm này ở nông trại có nhiều loại rau thơm Việt tươi tốt như hành lá, tía tô, rau răm, diếp cá, rau mùi, rau húng bạc hà… Vì vậy, anh quyết định tận dụng nguồn nguyên liệu “cây nhà lá vườn” để chế biến món ăn yêu thích.
Lòng lợn (gồm các phần như lòng già, lòng non, gan…) được Công Giáp mua từ 1 người Việt chuyên bán thịt lợn ở thành phố nơi anh sinh sống.
“Rau thì nông trại có sẵn đầy đủ, còn lòng lợn mình đặt mua từ 1 người Việt ở trên thành phố. Họ đã để lại bộ lòng đầy đủ, từ lòng già, lòng non đến gan, cuống họng, thịt vách ngăn…
Lòng già mình sẽ nhồi nhân để làm dồi, còn các phần khác sẽ xào sơ rồi nêm gia vị để nấu nước dùng cho mọi người ăn cùng bún”, Công Giáp nói.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_23_51448559/6bf8443f7171982fc160.jpg)
![Thành viên nhóm Quang Linh Vlogs tận dụng nguồn rau thơm sẵn có ở nông trại, chế biến món bún lòng lợn dân dã](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_23_51448559/322618e12dafc4f19dbe.jpg)
Thành viên nhóm Quang Linh Vlogs tận dụng nguồn rau thơm sẵn có ở nông trại, chế biến món bún lòng lợn dân dã
Người đàn ông Việt tiết lộ đã sơ chế sạch lòng lợn, cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn rồi tẩm ướp cùng một số gia vị quen thuộc như mắm, hạt tiêu, hành khô… để khử mùi và giúp món ăn thêm đậm đà, phù hợp khẩu vị của người bản địa.
Anh cũng không quên giới thiệu với cha xứ và trưởng bản 1 số loại rau thơm mà người Việt thường kết hợp sử dụng khi ăn lòng lợn.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, Công Giáp và Sơn Thạch bắt đầu nấu bún lòng lợn. Phần dồi làm từ lòng già được luộc riêng, còn nước dùng đun sôi nhỏ lửa cùng các bộ phận nội tạng khác.
Trong lúc chờ dồi lợn chín, Công Giáp cũng tiết lộ với trưởng bản và cha xứ về nguyên liệu làm món ăn này, bao gồm tiết lợn, thịt mỡ, hành lá, rau thơm và lạc rang được băm nhỏ, trộn đều rồi nhồi làm nhân.
“Trong lúc luộc lòng cần chú ý kiểm tra bằng cách chọc lỗ nhỏ xung quanh để lòng không bị đọng nước và tránh bị vỡ, bung ra mất ngon”, anh cho hay.
Món dồi lợn nóng hổi khiến cha xứ và trưởng bản kinh ngạc khi biết cách chế biến khá kỳ công
Khi lòng dồi chín, Công Giáp vớt ra, thái thành các miếng nhỏ vừa ăn. Anh cũng cắt vài miếng nóng hổi mời trưởng bản và cha xứ nếm thử trước.
“Món ăn này lạ thật đấy, đây là lần đầu chúng tôi thấy có món như vậy. Mùi tỏa ra rất thơm, chỉ ngửi mùi cũng biết chắc sẽ ngon lắm”, trưởng bản nhận xét.
Còn cha xứ xúc động nói không nên lời, giơ ngón tay cái thể hiện sự hài lòng khi ăn miếng dồi nóng hổi cùng rau thơm và chấm nước mắm mặn.
Sau đó, chờ người dân bản làm việc tại trang trại quây quần đông đủ, Công Giáp và Sơn Thạch bắt đầu bưng đồ ăn lên, chia đều ra từng bát.
Mỗi bát bún được bày biện đầy đặn, gồm bún và lòng dồi thái sẵn, thêm hành lá. Khi ăn, Công Giáp mới chan nước dùng lên trên để đảm bảo món ăn luôn nóng hổi.
Cha xứ thưởng thức món bún lòng lợn kiểu Việt và gật gù thích thú
Trước món bún hấp dẫn, đầy đặn, các thành viên người Angola háo hức thưởng thức và liên tục xuýt xoa vì ngon. Một người nhận xét dồi lợn “lạ miệng, ngon và có độ béo ngậy”.
Thậm chí, họ không ngừng thốt lên “chapepa” (tạm dịch là tuyệt vời) và thể hiện biểu cảm thích thú.
Kết thúc bữa ăn, các thành viên lần lượt chia sẻ cảm nhận.
Trưởng bản và các thành viên người Angola vui vẻ trải nghiệm món bún lòng lợn, chấm nước mắm mặn và ăn cùng các loại rau thơm
Trưởng bản cho hay, với người dân địa phương, ăn bột ngô đã là sang trọng. Họ chủ yếu lên rừng tìm thức ăn.
“Nếu ăn món Việt thường xuyên, chắc chắn chúng tôi sẽ nhanh béo lắm. Đồ ăn rất ngon, gia vị rất thơm, mọi thứ thực sự tuyệt vời.
Nhờ có cháu và các món ăn Việt mà cuộc sống của chúng tôi ngày càng thay đổi tốt hơn”, trưởng bản chia sẻ với Công Giáp.
Chung cảm nhận, cha xứ cũng xúc động tiết lộ bản thân đã có cơ hội được trải nghiệm món ăn Việt Nam nhiều lần, thông qua những bữa ăn mà Công Giáp, Sơn Thạch chiêu đãi.
“Điều khá lạ là mỗi lần lại 1 món khác nhau. Người Việt Nam chế biến món ăn thật sự đa dạng”, cha xứ bày tỏ.