Trạm Thản giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn
Xã miền núi Trạm Thản, huyện Phù Ninh có xuất phát điểm kinh tế thấp, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Sau chặng đường 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Trạm Thản đã có sự đổi thay toàn diện. Cuộc sống Nhân dân từng bước được nâng cao. Năng động, dám nghĩ, dám làm là yếu tố quan trọng giúp trên 95% lao động trong độ tuổi có công việc và thu nhập ổn định. Cơ cấu kinh tế, lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.
Xã Trạm Thản là nơi xuất phát điểm của nghề ươm cây giống lâm nghiệp từ những năm 2000. Nhiều năm nay, các cơ sở ươm cây giống ở xã đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với các dự án trồng rừng cũng như người dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu về cây giống. Mỗi năm, từ các vườn ươm, hàng triệu cây giống với đủ chủng loại được xuất bán, đáp ứng nhu cầu trồng cây gây rừng, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Trong không khí lao động hối hả giữa những ngày Hè oi bức của hàng chục hộ dân đang chăm sóc vườn ươm, bà Trần Thị Minh ở khu 1 cho biết: “Nhận thấy nghề ươm cây giống mang lại việc làm quanh năm và thu nhập ổn định, nên tôi bàn với gia đình cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang ươm cây. Đến nay, diện tích vườn ươm của gia đình tôi mở rộng lên hơn 2.100m2 chuyên ươm các giống: Bồ đề, thông, keo, mỡ... Ước tính, mỗi năm xuất bán khoảng 100 vạn cây đi khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam”. Nhờ vườn ươm cây giống, các thành viên trong gia đình bà Minh không chỉ có việc làm ổn định mà còn tạo việc làm cho 4-5 lao động địa phương với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Xuất phát từ lợi thế về địa hình, điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác, những năm gần đây chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân phát triển nghề ươm cây giống, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Toàn xã hiện có hơn 200 hộ làm vườn ươm. Hàng năm, mỗi hộ xuất bán trung bình 1 triệu cây giống các loại. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu lãi từ 50-80 triệu đồng, nhiều hộ thu trên 100 triệu đồng/năm. Từ các vườn ươm đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động địa phương.
Cùng với nghề ươm cây giống, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cũng được chính quyền xã khuyến khích phát triển, từ đó giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người dân. Đến nay, xã có gần 200 lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất này. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường về vật liệu xây dựng, trong khi tại địa phương chưa có nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này, người dân phải mua vật liệu qua các cửa hàng nhỏ với giá cao, anh Hà Văn Huy ở khu 3 đã quyết định đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng kèm dịch vụ chở hàng đến tận nơi cho khách. Ban đầu lập nghiệp nhiều khó khăn, gia đình anh phải vay vốn từ anh em, bạn bè để thuê mặt bằng kinh doanh, đầu tư một chiếc xe tải chở vật liệu phục vụ khách hàng. Nhờ giá thành hợp lý, chất lượng sản phẩm tốt, nên lượng khách tìm đến cửa hàng ngày càng tăng. Trên đà phát triển, năm 2018, gia đình anh Huy quyết định thành lập Công ty TNHH Đức Huy chuyên kinh doanh: Gạch ốp lát, ngói lợp, gạch xây dựng, cát sỏi, sơn... Nhờ làm ăn uy tín nên việc kinh doanh của gia đình ngày càng hiệu quả. Trừ chi phí, lợi nhuận mỗi năm thu về đạt gần 1 tỷ đồng. Không chỉ vượt khó và làm giàu thành công, trở thành chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, anh Huy còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với thu nhập 11-12 triệu đồng/người/tháng.
Từ những điểm sáng trong công tác giải quyết việc làm cho thấy hiệu quả của các chương trình, chính sách khuyến khích tạo việc làm cho người dân dựa vào thế mạnh địa phương đã thúc đẩy nền sản xuất trên địa bàn theo hướng hàng hóa. Đến nay, thu nhập bình quân trong xã đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%. Xã nông thôn mới Trạm Thản đang từng bước vươn mình, khẳng định thế mạnh là mảnh đất với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đó chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.