Trạm vũ trụ quốc tế sẽ ra sao nếu không có Nga?
Khi Nga và Mỹ bất đồng, người ta thường nói tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để thấy rằng vẫn có thể hợp tác hòa bình trong không gian, ngay cả khi 2 quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc trên Trái Đất. Lần này dường như khác với mọi khi.
Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã tạo ra sự chia rẽ lớn nhất từ trước đến nay giữa 2 đối tác lớn trong dự án gồm 15 quốc gia và chiến tranh kinh tế có nguy cơ cắt đứt ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu.
Đáp trả tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 về việc áp trừng phạt lên chương trình không gian của Nga, Tổng Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos Dmitry Rogozin đã cảnh báo về việc “rút tay” khỏi ISS, dẫn đến việc có thể khiến trạm vũ trụ 500 tấn này mất kiểm soát, rơi khỏi quỹ đạo và có khả năng “hạ cánh” xuống Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, hay bất cứ vùng dân cư đông đúc nào trên hành tinh.
Các quan chức NASA vẫn thận trọng trong các tuyên bố, nói rằng việc hợp tác thường xuyên vẫn đang diễn ra và họ không thấy có dấu hiệu thay đổi nào. Về mặt chính thức, ISS được thiết lập để hoạt động đến năm 2024, mặc dù hầu hết các bên liên quan đều mong muốn thời hạn hoạt động của trạm có thể kéo dài đến năm 2028 hoặc 2030.
Trong bối cảnh hiện nay, các cuộc đàm phán về vấn đề này có thể gặp nhiều khó khăn. Vẫn chưa rõ cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ kết thúc như thế nào, nhưng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga có thể khiến Moscow rút khỏi ISS.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga rút khỏi ISS?
“Tôi hy vọng bất kỳ sự thay đổi nào từ phía Nga đều sẽ là sự thay đổi có trật tự. Hoạt động của ISS cần có sự hợp tác quốc tế. Bất kỳ sự tách rời nào hoặc rút khỏi trạm cũng cần phải có sự hợp tác giữa các bên”, ông Scott Pace, một chuyên gia về chính sách không gian tại Đại học George Washington đồng thời là cựu giám đốc điều hành của Hội đồng Vũ trụ Mỹ, nói với Quartz.
Theo bà Joanne Gabrynowicz, một giáo sư chuyên về luật không gian, các thỏa thuận về ISS yêu cầu một đối tác muốn rời đi phải có sự đồng ý từ các đối tác khác. Nếu không có sự cho phép đó, bên muốn rời đi sẽ vi phạm thỏa thuận. Thực tế mà nói, “nếu một đối tác muốn rút khỏi [ISS], quyết định này phải được đưa ra thương lượng” bởi ISS được thiết kế hoạt động phụ thuộc lẫn nhau.
“Bạn không thể lấy quả bóng của mình và về nhà. Nếu Nga chỉ đơn giản nói rằng ‘chúng tôi sẽ rời đi’, điều đó có thể dẫn đến hành động pháp lý và ngoại giao, nhưng các vấn đề về kỹ thuật, tính toàn vẹn của trạm, khả năng tồn tại, tính bền vững… sẽ phải được giải quyết cùng với các đối tác còn lại”, bà Gabrynowicz nói.
Nếu Nga từ chối tham gia vào ISS và có động thái đi xa hơn như tách rời các module của họ, liệu các quốc gia liên quan còn lại có thể giữ cho ISS ở trên quỹ đạo hay không?
Câu trả lời là có, nhưng điều này có thể mất thời gian, tiền bạc và công sức. Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp điện và kiểm soát độ ổn định, trong khi các tàu vũ trụ của Nga thường xuyên đẩy ISS lên quỹ đạo mục tiêu khi trạm trôi xuống thấp hơn. Thay thế chức năng này sẽ là ưu tiên hàng đầu cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm duy trì ISS mà không có Nga.
Mỹ cần những gì để tự vận hành ISS?
Mỹ có một tàu vũ trụ có thể thực hiện công việc này, đó là tàu Cygnus do Northrop Grumman chế tạo. Mặc dù tên lửa đẩy của Cygnus phụ thuộc vào các thành phần được sản xuất ở Ukraine, nhưng tàu này có thể bay với tên lửa Atlas V của Mỹ và có thể được phóng trên SpaceX Falcon 9.
Một phương tiện khác có thể giúp duy trì quỹ đạo của ISS là Starliner của Boeing, dự kiến sẽ đáp lên ISS lần đầu tiên trong năm nay.
SpaceX’s Dragon, phương tiện chính của Mỹ lên ISS không có khả năng nâng ISS. NASA cho biết công ty này vẫn đang nghiên cứu có thể làm những gì để giữ ISS ổn định.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, ngành công nghiệp vũ trụ thương mại của Mỹ là lý do duy nhất để Washington có thể tự tin về khả năng dẫn đầu của mình trên quỹ đạo. Nếu không có SpaceX, Mỹ có thể sẽ vẫn phải đưa các phi hành gia của mình đến Nga để thực hiện các sứ mệnh lên ISS và sử dụng động cơ do Nga chế tạo để phóng hầu hết các vệ tinh.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Thượng nghị sĩ John McCain khi đó đã đưa ra quan điểm đấu tranh để chấm dứt sự phụ thuộc của ngành hàng không vũ trụ Mỹ vào Nga bằng cách để SpaceX cạnh tranh trực tiếp với Boeing và Lockheed Martin.
NASA đã chuẩn bị cho tương lai hậu ISS
Trong khi đó, Mỹ đang lên kế hoạch thay thế dài hạn cho ISS bằng các trạm vũ trụ thương mại. Vào cuối tháng này, sứ mệnh đầu tiên từ Axiom Space dự kiến sẽ đưa 4 người lên ISS trong một bước quan trọng nhằm xây dựng module riêng trên trạm vũ trụ quốc tế. NASA sẽ chi 100 triệu USD để hỗ trợ dự án này và các dự án tương tự vào năm 2022.
Tuy nhiên, NASA vẫn muốn thu về lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình vào trạm vũ trụ và Nga cũng có rất nhiều động lực để tiếp tục hợp tác. Phần lớn công việc của họ là cung cấp và vận hành ISS, và nếu không có điểm đến, không rõ Nga sẽ làm gì với tàu vũ trụ Soyuz và Progress.
Chỉ một số ít nhà phân tích tin rằng Nga có tiềm lực tài chính và cách thức để khởi động trạm vũ trụ của riêng mình trong thập kỷ tới và nước này không thể tiếp cận trạm vũ trụ mới của Trung Quốc từ các địa điểm phóng hiện tại.
Bà Gabrynowicz cho hay, các thỏa thuận về Trạm vũ trụ quốc tế đã được ký kết khi Liên Xô vẫn còn là một đối thủ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh và Nga sau đó tham gia dự án như một phần của hòa giải toàn cầu vào những năm 1990. Trong bối cảnh hiện nay, ISS có thể trở thành điểm hòa giải lần thứ hai./.