Trận đánh then chốt, góp phần làm nên Chiến thắng Đường 5

Bia chiến công trận đánh cứ điểm Cầu Cháy tại thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Ảnh: LẠC VIỆT

Cách đây 45 năm, vào ngày 19/3/1975, Tiểu đoàn 13 phối hợp với quân và dân xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa), được chi viện hỏa lực của Tiểu đoàn Pháo binh 189 Tỉnh đội Phú Yên, tổ chức tập kích cứ điểm Cầu Cháy và giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là trận đánh then chốt, mở đầu Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 trên chiến trường Phú Yên; góp phần vào Chiến thắng Đường 5, tiến tới giải phóng TX Tuy Hòa và giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975.

Nhiều người trực tiếp tham gia trận đánh then chốt này hiện nay vẫn còn sống như: Lưu Công Thục, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 13; Phan Thanh Vân, Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước huyện Tây Hòa; Trần Văn Thìn (thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông)… Đã 45 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại trận tập kích cứ điểm này, những người lính Cụ Hồ quả cảm năm xưa vẫn không thể nào quên những giờ phút quyết chiến, quyết thắng với quân địch.

Nhổ “cái gai trong mắt”

Cứ điểm Cầu Cháy nằm trên một gò đất cao, tiếp giáp giữa hai xã Hòa Mỹ và Hòa Đồng. Đây là cứ điểm của lính Nam Triều Tiên để lại, được xây dựng khá kiên cố. Ngoài ba lô cốt ở tuyến ngoài, khu trung tâm có ba pháo đài và hầm ngầm phòng thủ. Cứ điểm Cầu Cháy khống chế đường 5 và kìm kẹp nhân dân các xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Bình…

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy 5, bước vào mùa xuân 1975, Tỉnh ủy Phú Yên thành lập hai sở chỉ huy (Sở chỉ huy cơ bản và Sở chỉ huy tiền phương) để chỉ đạo chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy. Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh đội chọn Tuy Hòa 1 là hướng trọng điểm của chiến dịch.

Ngày 10/3/1975, đại quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Bị đánh trúng huyệt một đòn bất ngờ choáng váng, Quân đoàn 2 của tướng một sao Phạm Văn Phú thất thủ, buộc phải bỏ Tây Nguyên tháo chạy hoảng loạn theo đường 7 (nay là quốc lộ 25). Khi đến Thạnh Hội (Sơn Hòa), địch chuyển hướng, bắc cầu phao vượt sông Ba sang đường 5 để xuống Tuy Hòa.

Sáng 18/3, Sở chỉ huy tiền phương dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy; Ông Văn Bưu, Tỉnh đội trưởng; Kim Anh, Phái viên Khu ủy 5; Bùi Tân, Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức một cuộc họp tại núi Hương (Hòa Mỹ) để triển khai nhiệm vụ chặn đánh địch trên đường 5. Các cơ quan tham mưu, hậu cần… cùng tham dự. Hội nghị thống nhất triển khai phương án tác chiến, tiến công tiêu diệt các mục tiêu địch đã chuẩn bị ở huyện Tuy Hòa 1; phối hợp tác chiến giữa các đơn vị chuẩn bị lương thực, thực phẩm; huy động lực lượng dân công vận chuyển thương binh, chiến lợi phẩm, phục vụ cho chiến dịch, quét sạch bọn ngụy quân, ngụy quyền tại chỗ; giải phóng từ 4-5 xã, sau đó tập trung lực lượng đánh địch tháo chạy từ Tây Nguyên xuống. Đồng thời gấp rút thành lập trại quản lý tù binh.

Xác định cứ điểm Cầu Cháy là “cái gai trong mắt” cần phải nhổ, ngay sau cuộc họp của Sở chỉ huy tiền phương, đêm 18, rạng sáng 19/3, Tiểu đoàn 13 với sự chi viện hỏa lực của Tiểu đoàn Pháo binh 189 phối hợp cùng dân quân du kích xã Hòa Mỹ nổ súng tấn công cứ điểm này.Thời điểm ta tấn công, lực lượng địch đóng ở đây gồm 4 đại đội thuộc Tiểu đoàn 236 Bảo an, 1 trung đội hỏa lực, 1 trung đội thông tin, 1 trung đội thám kích và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 236. Sau những loạt đạn đầu tiên, địch cậy quân số đông và dựa vào các công sự vững chắc, điên cuồng chống trả. Quân ta tiến công dũng mãnh. Sau hơn 1 giờ chiến đấu quyết liệt, ta đánh chiếm được một nửa cứ điểm. Ông Lưu Công Thục nhớ lại: “Do sương mù dày đặc, các vị trí ĐKZ của ta không nhìn rõ vị trí lô cốt địch. Địch dùng cối 81 ly, ĐKZ, đại liên bắn chặn các mũi tiến công của ta. Chiến trận diễn ra vô cùng ác liệt. Phía ta có đồng chí Sức, Chính trị viên Tiểu đoàn 13 hy sinh; đồng chí Diên, Tiểu đoàn trưởng bị thương nặng”. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dựa theo các mũi hiệp đồng giữa bộ đội và quân dân địa phương, lực lượng ta tiếp tục phát triển hướng tấn công theo phương án đã định. Địch bị tiêu diệt chỉ còn khoảng 20 tên dồn vào khu trung tâm và lợi dụng các pháo đài, hầm ngầm chống trả quyết liệt. Bộ đội ta hình thành một mũi gồm 13 đồng chí, do đồng chí Như, Đại đội phó Đại đội 2 chỉ huy, dũng cảm thọc sâu chia cắt địch, dùng B41 bắn trúng pháo đài, tiêu diệt hầu hết quân địch cố thủ.

Sau 3 giờ chiến đấu, đến 7 giờ ngày 19/3/1975, cứ điểm Cầu Cháy hoàn toàn bị tiêu diệt, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Quân địch bị ta tiêu diệt 103 tên, bắt sống 3 tên. Ta hy sinh 15 đồng chí, bị thương 36 đồng chí. Nghe tin căn cứ Cầu Cháy bị quân ta tiêu diệt, quân địch còn lại ở chốt Núi Lá gần đó hốt hoảng, tháo chạy bán sống bán chết. Đến 10 giờ cùng ngày, xã Hòa Mỹ hoàn toàn được giải phóng.

Áp giải tù hàng binh tại khu vực Cầu Cháy, tháng 3/1975 (ảnh tư liệu chụp lại)

Áp giải tù hàng binh tại khu vực Cầu Cháy, tháng 3/1975 (ảnh tư liệu chụp lại)

Phát huy truyền thống

Ông Cao Văn Hiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Mỹ Đông cho biết: Người dân địa phương luôn tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong những năm kháng chiến. Bia chiến công Cầu Cháy đã được xây dựng tại nơi diễn ra trận tập kích năm đó. Đây là một công trình lịch sử, văn hóa, điểm sinh hoạt truyền thống thiết thực, ý nghĩa đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Tự hào về trận tập kích cứ điểm Cầu Cháy; phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Mỹ Đông luôn đoàn kết trên dưới một lòng, cùng nhau vượt qua khó khăn xây dựng xã nhà ngày càng giàu đẹp.

Ông Đặng Văn Ghé, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Mỹ Đông cho biết: Đảng bộ Hòa Mỹ Đông hiện có 421 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ. Đây là lực lượng tiên phong, hạt nhân lãnh đạo, nòng cốt trong mọi phong trào, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được nhân dân tin yêu, tín nhiệm. Nhiều năm liền Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững trong sạch vững mạnh. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Hòa Mỹ Đông đã lãnh đạo thực hiện đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVI đề ra. Trong đó, duy trì ổn định sự phát triển kinh tế; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 45 triệu đồng/năm. Thu ngân sách hàng năm tăng hơn 11%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 388 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Toàn xã có hơn 92% gia đình văn hóa, 100% thôn văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Trận tập kích tiêu diệt cứ điểm Cầu Cháy là mục tiêu then chốt trên hướng chủ yếu của Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trên chiến trường Phú Yên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chiến dịch và đánh địch di tản, tháo chạy về đồng bằng Tuy Hòa, góp phần xứng đáng vào Chiến thắng Đường 5 - “trận Bạch Đằng Giang trên cạn” hào hùng vào bậc nhất của quân và dân Phú Yên, quân dân Tuy Hòa trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. (Theo Lịch sử Đảng bộ xã Hòa Mỹ)

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/236379/tran-danh-then-chot-gop-phan-lam-nen-chien-thang-duong-5.html