Hồi ức chiến trường không thể quên của vị tướng già trong Binh đoàn Cửu Long lịch sử

Trong câu chuyện của mình, nhiều lần Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (86 tuổi), không cầm được nước mắt khi nghĩ về những người đồng đội đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn, trước thời khắc của ngày 30/4 lịch sử.

“Tái sinh” nhờ đôi dép của tình đồng đội

Một ngày cuối tháng tư năm 2025, chúng tôi ghé nhà của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (SN 1939, quê Hà Nội) ở một con hẻm nhỏ trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), khi ông vừa trở về từ Dinh Độc Lập gặp gỡ các đồng đội cũ trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với ông, Dinh Độc Lập thật gần gũi và thân thuộc bởi chính đơn vị của ông được giao nhiệm vụ quân quản điểm mốc lịch sử này sau ngày giải phóng.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nguyên là Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân đoàn 4, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2. Quân đoàn 4, nơi Thiếu tướng Doanh từng làm Phó tư lệnh là một trong bốn Quân đoàn cơ động của quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước hay còn được biết đến với tên gọi thân thuộc Binh đoàn Cửu Long gắn liền với vô vàn chiến công oanh liệt, hiển hách.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh ngậm ngùi nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày giải phóng. Ảnh: Nguyễn Linh

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh ngậm ngùi nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày giải phóng. Ảnh: Nguyễn Linh

Cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nghe qua như một câu chuyện cổ tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Thiếu tướng Doanh kể, ông gia nhập quân ngũ khi 24 tuổi, thời điểm đó ở chiến trường miền Nam cuộc chiến đang diễn ra rất ác liệt bởi sự tàn bạo của chế độ Mỹ - Ngụy với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965).

Lúc này, ông Doanh đã là đảng viên, đang làm kế toán tại hợp tác xã ở quê nhà. Trước lời thôi thúc của đất nước, ông 2 lần viết đơn xin gia nhập quân ngũ nhưng bị từ chối vì lý do không đủ sức khỏe. Lúc đó, ông chỉ cao 1m55, nặng 42kg. Tuy nhiên, đến lần thứ 3 nộp đơn, thỉnh cầu của chàng trai gốc Hà Thành được chấp nhận. Ông hồ hởi tham gia quân ngũ, háo hức vào miền Nam đánh giặc cứu nước như biết bao bạn bè cùng thế hệ. Sau khoảng thời gian tập luyện ngắn ngủi, ông cùng đồng đội di chuyển bằng tàu hỏa vào miền Nam. Tuy nhiên, chỉ đến cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) cả đoàn phải dừng lại. Lúc này, hơn 2.500 chiến sĩ, cùng quân, tư trang đã phải hành quân bằng đường bộ theo dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại để vào Nam đúng với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Sau gần 5 tháng di chuyển, đơn vị của ông mới có mặt ở Đức Cơ, Gia Lai và chính thức tham gia các trận đánh ác liệt.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh trân quý tình đồng chí, đồng đội với Đại tá Bế Ích Quân, người đồng đội đã "tái sinh" ông lần 2. Ảnh: Nguyễn Linh

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh trân quý tình đồng chí, đồng đội với Đại tá Bế Ích Quân, người đồng đội đã "tái sinh" ông lần 2. Ảnh: Nguyễn Linh

Ngày 8/10/1966, trong ký ức của ông Doanh là ngày ông được tái sinh lần thứ 2 nhờ tình yêu thương bao la của đồng đội, đồng chí. Thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Doanh là Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 chỉ huy trận đánh với Đại đội biệt kích của địch tại Đường 10 - Vĩnh Thiện (nay là huyện Bù Đăng, Bình Phước). Trong lúc chiến đấu, 2 đồng đội đứng cạnh ông trúng đạn rồi hy sinh. Ông cũng bị đạn bắn vào đầu, chân rồi gục xuống, được các đồng đội khác dìu về tuyến sau. Trong quá trình di chuyển, do mất máu quá nhiều nên ông đã ngất xỉu. Đồng đội tưởng rằng người chỉ huy không còn nữa nên quyết định đào huyệt mộ tạm bợ để mai táng ông. Khi đó, Tiểu đội phó, nay là Đại tá Bế Ích Quân thấy chân của chỉ huy không mang dép, sợ ông lạnh lẽo nên mới tháo dép của mình nhảy xuống đi vào cho ông. Đại tá Quân sờ vào chân thủ trưởng thấy còn ấm mới biết ông còn sống và sung sướng gọi các đồng đội khác đưa ông lên. Như một phép màu, ông Doanh sau đó đã hồi phục trở lại để viết tiếp câu chuyện về những trận đánh vang dội tại chiến trường miền Đông.

Trận đánh khác, có ý nghĩa chiến lược với cả quá trình giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này chính là chiến dịch đường 14 - Phước Long do Quân đoàn 4 trực tiếp chiến đấu. Thời điểm này, Quân đoàn 4 mới chỉ được thành lập 5 tháng và là trận đánh đầu tiên của họ (tháng 7/1974). Ông Doanh khi đó là Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 trực tiếp chỉ huy, tham gia chiến đấu. Ngày 6/1/1975, tỉnh lỵ Phước Long được giải phóng, trở thành địa phương đầu tiên ở miền Nam được giải phóng.

Thiếu tướng Doanh nhớ lại: “Đây là một chiến thắng vô cùng ý nghĩa, tạo điều kiện để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng, báo cáo Bộ Chính trị Trung ương Đảng hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975 - 1976). Mất Phước Long, Tổng thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu lập tức ra lệnh tái chiếm bằng được. Tuy nhiên, quân ngụy quyền không đủ khả năng và lực lượng tái chiếm trước tinh thần và sức mạnh của quân giải phóng. Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “để tang Phước Long”, thừa nhận thất bại một cách nhục nhã”.

Những chiến công vang dội

Sau giải phóng Phước Long, Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ lần lượt dành những thắng lợi oanh liệt như: đánh chiếm chi khu quận lỵ Dầu Tiếng (Bình Dương), giải phóng chi khu Chơn Thành (Bình Phước) và giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Long (Bình Phước), tiếp tục giải phóng chi khu Định Quán (Đồng Nai), giải phóng tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, chiến thắng Xuân Lộc (chiến dịch diễn ra từ đầu tháng 4/1975 - 21/4/1975), giải phóng tỉnh Long Khánh (Đồng Nai) là một chuỗi các trận đánh ác liệt và là một trong những chiến công oanh liệt nhất của Quân đoàn 4. Xuân Lộc được chế độ Ngụy quyền coi là “cánh cửa thép” bất khả chiến bại bảo vệ Sài Gòn từ cửa ngõ phía Đông. Chúng ta đã dùng “nắm đấm thép” đập tan cứ điểm này, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ Sài Gòn.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 4, đơn vị đã cắm cờ tại tỉnh lỵ Phước Long trước đó tiếp tục được giao nhiệm vụ cắm cờ tại Dinh Độc Lập. Ngày 29/4/1975, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 được tăng cường xe tăng thiết giáp và xe chở bộ binh đánh thọc sâu vào Sài Gòn, quyết tâm cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Đội quân di chuyển đến Quốc lộ 1A, gặp phải sự phản kháng của tiểu đoàn “cọp đen” phía địch, có xe tăng công sự và lính trên gác chuông nhà thờ đánh chặn. Chúng ta sử dụng pháo 85mm phản công. Đồng thời, bộ binh phải xuống xe vòng sang 2 bên đánh tiêu diệt tiểu đoàn “cọp đen”, bắt sống 80 tên địch.

Tuy nhiên, ta cũng bị thương vong và cháy một xe tăng. Thiếu tướng Doanh nhớ lại: “Cho đến hôm nay, hình ảnh người lính lái xe tăng bị pháo địch bắn vẫn luôn ám ảnh tôi. Thật tiếc quá, chúng tôi đã vào gần đến Sài Gòn, ngày giải phóng gần lắm rồi mà đồng đội tôi không còn được nhìn thấy phút giây hạnh phúc này”.

Đến sáng 30/4/1975, Sư đoàn 7 mới tiến quân được đến cầu Ghềnh (cầu Mới) nhưng địch đã bắn sập 2 nhịp cầu từ trước. Buộc đoàn quân di chuyển qua hướng xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn (hướng Quốc lộ 1A ngày nay). Phía ngụy quân tiếp tục đặt mìn chống tăng cản trở trên đường. Sư đoàn 7 tiến tới ngã 3 đường 51 (ngã tư Vũng Tàu ngày nay), gặp đội hình Quân đoàn 2 đi từ hướng Long Thanh lên. Quân đoàn 2 có một số đơn vị đi trước đã tiến vào Sài Gòn. Do đó, Sư đoàn 7 thọc sâu phát triển chậm vào đến Quận 1, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân địch, đài phát thanh, Bộ Quốc phòng ngụy. Do vậy, Sư đoàn 7 vào Dinh Độc Lập chậm hơn 30 phút so với Quân Đoàn 2 ở thời điểm cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập.

“Tại thời điểm này, mọi người có hỏi nên chờ Sư đoàn 7 (đơn vị được chỉ định) tới cắm cờ hay ai tới trước được cắm trước? Đại tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam truyền lệnh Quân đoàn 2 vào trước nên được cắm cờ. Đồng chí Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Trung tướng Lê Nam Phong nói đùa “Quân đoàn 2 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, ta cắm dưới đất”, Thiếu tướng Doanh nhớ lại.

Với Thiếu tướng Doanh, thời khắc giải phóng quân tiến vào Sài Gòn là kỷ niệm đẹp nhất không thể nào quên. Ngoài ý nghĩa chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đối với những người tham chiến trực tiếp, “vào sinh ra tử” như Tướng Doanh giây phút ấy quá đỗi nghẹn ngào. Cảm giác sung sướng, hạnh phúc vỡ òa nhưng cũng có sự tiếc nuối cho những đồng đội đã ngã xuống vì khát vọng hòa bình của dân tộc.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh nói: “Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay hãy nhìn chiến thắng của cha, ông để làm động lực, góp sức xây dựng đất nước giàu, đẹp hơn nữa, như di nguyện Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại”.

Nguyễn Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoi-uc-chien-truong-khong-the-quen-cua-vi-tuong-gia-trong-binh-doan-cuu-long-lich-su.690393.html