Trần Đức Minh - nghệ sĩ chèo đi lên từ số 0

Không được đào tạo bài bản, song nghệ sĩ chèo Trần Đức Minh đã không ngừng nỗ lực và anh đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong chiếng chèo xứ Đông.

Dù không được đào tạo bài bản, song nghệ sĩ Đức Minh đã có những thành công trên sân khấu và đang được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú

Dù không được đào tạo bài bản, song nghệ sĩ Đức Minh đã có những thành công trên sân khấu và đang được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú

Từng phải lăn lộn đủ nghề để kiếm sống trước khi đến với nghệ thuật chèo, song nghệ sĩ Đức Minh đã âm thầm cố gắng và từng bước thành công.

Rời vô lăng để đến với chèo

Dễ mến ở ngoài đời, thành ra ít ai có thể hình dung Đức Minh lại nổi bật trên sân khấu chèo bằng các vai diễn lệch. Sau 3-4 năm đứng trên sân khấu với các vai chính diện, đến bây giờ, Đức Minh lại được biết đến là một nghệ sĩ thành công với tuyến vai này.

Hiền lành, ngại nói về mình, thành thử để nghe anh kể ra câu chuyện về con đường đầy chông gai để được đứng dưới ánh đèn sân khấu, tôi đã phải thuyết phục rất nhiều lần.

Thực ra Đức Minh đã tiếp cận với nghệ thuật từ khá sớm. Lớp 6, anh bắt đầu đến với đàn măng đô lin, lớp 9 học ghi ta. Cũng bị ánh đèn sân khấu mê hoặc, song lại không phải sân khấu chèo, mà là nhạc vàng và cải lương. Những suất diễn các vở cải lương Cát bụi biên thùy, Mùa tôm... ở Nhà hát Nhân dân đoạn phố Phạm Hồng Thái (TP Hải Dương) hiếm khi nào anh vắng mặt. Những năm 1985, 1986, khi ấy đời sống văn hóa nghệ thuật còn hạn chế, nên trước mỗi vở diễn, bà con râm ran bàn tán. Thế là trước mỗi buổi diễn, ăn cơm thật sớm, hai anh em Đức Minh lại dắt nhau đi như chạy từ nhà ở phố Quang Trung ra nhà hát.

Sinh năm 1977, có bố là người Nghệ An. Từ nhỏ, nhiều lần Đức Minh theo chân bố về quê nội. Được đắm mình trong dòng sông Lam trong mát và thả hồn theo những làn điệu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, ngọn lửa nghệ thuật trong anh cứ dần nhen nhóm một cách tự nhiên, dung dị.

Là anh cả trong gia đình có 2 anh em, bố là bộ đội đi hết chiến tranh chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, thành ra học xong THPT, anh là chỗ dựa của mẹ và em. Học tiếp hay dừng lại, là câu hỏi khiến Đức Minh suy nghĩ. Rồi quyết định đã được đưa ra, anh sẽ đi làm cái nghề không liên quan gì đến nghệ thuật, đó là... lái xe tải cùng người chú rể. Từ ấy, các giai điệu bài hát đã thay bằng tiếng còi xe, ánh đèn sân khấu cũng dần bị ánh đèn xe tải tuyến Hải Dương - Như Quỳnh, Gia Lâm che mất.

Bụi bặm dọc đường, vất vả của nghề tài xế, những bữa ăn vội không khiến cánh cửa đến với nghệ thuật chèo của Đức Minh khép lại. Mỗi lần trả hàng, lái xe ở các bến đều muốn Đức Minh ngồi nán lại hát cho nghe. Khi ấy, ước mơ trở thành nghệ sĩ được đứng trên sân khấu hằng đêm trong chàng trai mười chín, đôi mươi lại ùa về.

Năm 1997, một người quen thông báo, Nhà hát Chèo Hải Dương thi tuyển, lập tức Đức Minh rời vô lăng về ứng tuyển. Có rất đông thí sinh dự thi, hầu hết được đào tạo bài bản, nhưng Đức Minh đã lọt được đến vòng trong. Trong các phần thi của mình, anh vẫn ngọng L, N - một điều tối kỵ của nghệ sĩ chèo.

- "Mày sang cô" - nghệ sĩ Thúy Mơ khi ấy đã phát hiện ra tiềm năng của chàng thí sinh lớn tuổi nên đã nói với anh như thế. Bà muốn rèn cho Đức Minh phát âm chuẩn giọng.

Để sửa ngọng, chàng thanh niên Đức Minh khi ấy thu mình trên căn phòng nhỏ tự lao vào luyện tập bằng cách cầm sách đọc.

- Nói sai thì tự vả vào má. Mỗi lần sai là một lần như thế, cho đến khi má nóng bừng và ửng lên như đánh phấn - nghệ sĩ Đức Minh cười nhớ lại.

"Tao không nghĩ mày sửa nhanh như thế"- có lần nghệ sĩ Thúy Mơ nói với Đức Minh, khi thấy anh không còn ngọng. Nghệ sĩ Thúy Mơ là người Đức Minh luôn mang ơn. Có nghệ sĩ Thúy Mơ ngày trước mới có Đức Minh trên sân khấu chèo chững chạc và bản lĩnh của hôm nay.

Còn nhớ, ở vòng thi cuối, Đức Minh tự soạn tiểu phẩm "Lái xe" và tự tin bước lên sân khấu. Ở tiểu phẩm ấy, mình anh vào vai lái xe và vai cảnh sát giao thông. Những ngôn từ có từ khi ôm vô lăng xe tải được anh sân khấu hóa mang vào tiểu phẩm. Một lái xe hài hước, phong cách xuề xòa, còn một cảnh sát giao thông thì đại diện cho pháp luật, ngôn từ nghiêm khắc... Thi tuyển xong anh về nhà thấp thỏm chờ kết quả.

Anh không thể quên ngày được thông báo trúng tuyển, bước chân vào cổng Nhà hát Chèo cũng là ngày bà ngoại anh mất 14.7.1997. Và anh đã gắn bó với nơi ấy từ đó cho đến nay...

Nghệ sĩ Đức Minh đã định hình trong các vai diễn phản diện trên sân khấu chèo truyền thống

Nghệ sĩ Đức Minh đã định hình trong các vai diễn phản diện trên sân khấu chèo truyền thống

"Duyên nợ cùng chèo"

"Duyên nợ cùng chèo" là tên một vở diễn khá nổi tiếng của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương. Tên vở diễn như ứng với con đường đến với nghệ thuật chèo của nghệ sĩ Đức Minh. Dù không được học hành bài bản, từ một lái xe, anh đã đường hoàng bước lên sân khấu như duyên nợ.

Đức Minh kể, thời kỳ mới bước chân vào nhà hát, nghệ sĩ Thanh Vấn là trưởng đoàn. Bà rất khắt khe, buộc diễn viên phải không ngừng nỗ lực. Ban đêm đi diễn, ban ngày lao vào tập. 3 tháng, rồi 6 tháng thi tuyển một lần, ai cũng có thể bị đào thải nếu không cố gắng. Nhưng anh thầm cảm ơn sự khắt khe kiểu "yêu cho roi cho vọt" đó. Nếu nơi lỏng từ những ngày đầu sẽ không có tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo Hải Dương hôm nay, trong đó có anh. Để đến bây giờ, nghệ thuật chèo đã ngấm vào máu thịt, áp lực không còn lớn vì tất cả đã vào guồng quay.

Vai diễn ấn tượng đầu tiên của Đức Minh là trong vở "Con đò của mẹ". Câu chuyện viết về Đông và em là Triều. Bố của Đông - Triều là một chiến sĩ tình báo, chấp nhận hy sinh hạnh phúc gia đình để hoạt động trong lòng địch. Suốt những năm dài đằng đẵng, mẹ Đông - Triều chịu đựng mọi tủi hờn, điều tiếng, nhẫn nhịn nuôi con khôn lớn. Sau này, 2 người con ấy được mẹ tiễn vào chiến trường. Trong một trận đánh, tình cờ chính bố là chỉ huy, nhưng 3 bố con đều hy sinh sau trận chiến... Đức Minh đã hoàn thành vai diễn với đầy đủ các diễn biến nội tâm nhân vật Đông và nhận được những lời khen ngợi. Những lời động viên kịp thời ấy khiến một diễn viên mới bước vào nghề thêm động lực.

Để có được vai diễn với một người mới là rất khó. Đức Minh không thể quên những ngày đầu vất vả ấy. Vào đoàn từ năm 1997 nhưng anh trong tổ sân khấu và chỉ được phân công những việc lặt vặt. Đêm có vở diễn, Đức Minh chỉ trong cánh gà ôm cột xem. Vì khi đó, xuất phát điểm của anh từ số 0, chỉ biết ôm vô lăng xe tải chứ chưa biết diễn. Mọi thứ đều phải học lại từ đầu, từ vũ đạo, tư thế trong chèo, thế cầm quạt. Rất may sau đó, ông Bùi Quang Toàn, vị "thuyền trưởng" của Nhà hát Chèo Hải Dương đã rất quan tâm đưa anh em nghệ sĩ đi đào tạo bài bản, trong đó có nghệ sĩ Đức Minh.

Ban đầu chưa định hình được vai diễn, có vai là diễn nên tất cả đều khá mông lung. Mãi đến năm 2000, được sự hướng dẫn của nghệ sĩ Đoàn Kết, bắt đầu anh manh nha đến với các vai phản diện. Với Đức Minh, vai chính diện hay phản diện đều khó và đều có yêu cầu khác nhau, nhưng vai phản diện tốn sức hơn do thoại nhiều, diễn xuất nhiều, linh hoạt trên sân khấu, đài từ của vai phản diện đòi hỏi phản cân nhắc, chiều sâu vào tư duy, thần thái...

- "Ăn trộm" là xấu, nhưng "ăn trộm" trong nghệ thuật là một điều khuyến khích. Nghĩa là anh quan sát và tiếp thu được những cái hay trong diễn xuất của người khác và áp dụng cho mình. Tôi đã phải làm như thế để bắt kịp với những anh chị em được học hành chuyên nghiệp và bài bản - nghệ sĩ Đức Minh nói.

Một trong những vai diễn thành công của Đức Minh, đó là vai tướng giặc Ô Mã Nhi trong vở "Thần tướng Yết Kiêu" tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022. Vở diễn của tác giả Trần Phương Hạnh, chỉnh lý nâng cao Tiến sĩ Lê Tuấn Cường; đạo diễn Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tuấn Cường - Thanh Nga. Vở chèo ngợi ca công đức, uy dũng của danh tướng Yết Kiêu thời Trần. Ông là một danh tướng dưới trướng của Trần Hưng Đạo, có công lớn cùng quân và dân Đại Việt đánh đuổi giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Đối nghịch với đó là Ô Mã Nhi - một tướng giặc sang Đại Việt xâm lăng. Thần thái, lời thoại, trang phục của nhân vật toát lên được cái gian hùng, hung ác của một tên tướng giặc đã được Đức Minh thể hiện thành công trên sân khấu.

Vai diễn này đã mang về cho anh tấm huy chương vàng quý giá. Ở 4 lần tham gia Liên hoan chèo toàn quốc trước anh giành 4 tấm huy chương bạc. Một dấu mốc quan trọng nữa trong sự nghiệp của Đức Minh, đó là anh đang được xét duyệt hồ sơ công nhận Nghệ sĩ Ưu tú.

Không chỉ gắn đời mình với nghệ thuật chèo truyền thống, sân khấu chèo còn mang đến cho Đức Minh một nửa của mình. Hai vợ chồng cùng diễn, còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, song với Đức Minh, được sống, được cháy hết đam mê với chèo đã là một thành công. Không dám nhận mình sẽ tiếp nối để làm rạng danh chiếng chèo xứ Đông, song bản thân anh và đồng nghiệp vẫn đang lặng thầm cống hiến và làm điều đó!

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song-van-hoa/tran-duc-minh---nghe-si-cheo-di-len-tu-so-0-228089