Trần gian xin bỏ lại...

Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông ngồi lặng lẽ ở đó, dưới ánh đèn sân khấu, những ngón tay lướt nhẹ trên từng phím đàn. Đêm nhạc nào của ông cũng vậy, ông sẽ tự chơi đàn và hát một vài nhạc phẩm của mình. Cô đơn. Lặng lẽ. Dù dưới kia, khán phòng đầy kín khán giả và những tiếng vỗ tay...

1. Giờ thì ông đã bay phiêu diêu về một cõi khác. Sáng 8-12, Hà Nội sau nhiều ngày nắng rực rỡ bỗng dưng u buồn, lạnh lẽo, đúng ngày nhạc sĩ Phú Quang ra đi. Ông đã kết thúc hành trình sống của mình ở tuổi 72. Trên fanpage của nhạc sĩ Phú Quang để lại dòng chữ: “Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin bỏ lại”... Bạn bè, những người thân có lẽ cũng không quá ngạc nhiên vì sự ra đi của ông bởi hai năm nay, ông ốm nặng, gần như không rời bệnh viện. Nhưng hẫng hụt, mất mát là có thật. Lại một người nhạc sĩ tài hoa nữa ra đi. Một người yêu Hà Nội và làm cho Hà Nội đẹp và thơ hơn, Hà Nội được cất cánh trong những bài hát của ông.

Nhạc sĩ Phú Quang trên phố.

Những nhà báo làm chuyên mục văn nghệ chúng tôi, ai cũng có hơn một lần được găp gỡ, trò chuyện với nhạc sĩ Phú Quang. Góc quán nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt trở thành điểm hẹn văn nghệ. Đó cũng là quán cà phê ruột của ông. Phú Quang luôn đội chiếc mũ fedora, áo quần lịch lãm trò chuyện rủ rỉ cùng chúng tôi. Ông dí dỏm, thông minh, mỗi lần gặp ông bao giờ cũng có cái mới, có chuyện để kể. Ông được mệnh danh là nhạc sĩ làm show nhiều nhất Việt Nam, từ tổ chức biểu diễn đến bán vé và luôn thắng cả về nghệ thuật lẫn doanh thu. Năm nào, cứ đến những ngày cuối thu, chớm đông, người Hà Nội lại nhớ Phú Quang.

Âm nhạc của ông, mặc nhiên trở thành một đặc sản của Hà Nội. Những đêm nhạc luôn kín khán giả, ở nhiều lứa tuổi. Những nỗi buồn, những phiền muộn, những mất mát, những khát vọng về tình yêu, vẫn còn nguyên ở đó, trong những bản tình ca ông viết. Có lẽ, vì thế, âm nhạc của Phú Quang rất dễ gần, dễ tìm được sự đồng cảm của nhiều người. Nếu nhạc Trịnh Công Sơn là chốn nương thân, cứu rỗi cho những tâm hồn đau khổ, thì âm nhạc của Phú Quang lại mang đến những mộng mơ, lãng đãng về kiếp sống, về những giấc mơ ở đâu đó, cho tâm hồn ta dịu lại giữa những âm thanh lao xao, trụi trần của đời sống.

Nhạc sĩ Phú Quang chỉ huy dàn nhạc trong đêm nhạc của mình.

Trong hơn 600 ca khúc ông viết, Hà Nội luôn hiện diện. Nếu họa sĩ Bùi Xuân Phái tạc Hà Nội bằng hội họa, thì Phú Quang vẽ Hà Nội bằng những bản tình ca. Năm 2020, giải thưởng Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội đã tôn vinh người nhạc sĩ tài hoa, nhưng tiếc thay, lúc đó ông đang trọng bệnh. Nói về tình yêu Hà Nội của mình, ông từng chia sẻ: “Tôi yêu Hà Nội vì hai điều. Thứ nhất, Hà Nội là quê hương tôi. Tôi là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên, như bao người có quê khác tôi cũng thiên vị với Hà Nội. Thứ nữa, tôi là một thổ dân của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại, với những nhủ thầm, phố nhỏ, đường nhỏ, có gì hấp dẫn đâu”.

Thậm chí ông còn khẳng định: “Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn một chiếc lá trong phút ngông cuồng, tôi đã nghĩ, lá Hà Nội xanh hơn nơi khác”.

Cũng vì tình yêu với Hà Nội mà sau cả cuộc đời bôn ba, đi vào Sài Gòn ông lại quay về Hà Nội. Trong hơn 600 ca khúc, một số bài ông gọi tên Hà Nội như “Em ơi, Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Hà Nội ngày trở về”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội” và sau này có thêm “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”... Còn lại những bài khác dù không nhắc đến địa danh nhưng ai cũng nhận ra, ông đang viết về Hà Nội. Đó là tinh thần Hà Nội thấm đẫm trong từng câu hát, từng nốt nhạc của ông.

Hà Nội của Phú Quang không ồn ào, khói bụi, không chen chúc những người mà là một Hà Nội bảng lảng sương khói, thơ mộng, sang trọng với những bước chân phiêu diêu của người lữ khách. Một Hà Nội của nỗi nhớ, của tình yêu, của những nỗi đau đớn dịu ngọt... Nếu mùa thu gợi cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, thì với Phú Quang, khoảnh khắc ám ảnh ông nhiều hơn là những ngày chớm đông. “Thu rất thật là thu khi đông chớm sang” cũng là lời bài hát ông phổ thơ Chu Hoạch cách đây vài năm. Đó là thời gian giao hòa của đất trời, thiên nhiên và âm nhạc của Phú Quang, vì thế cũng bay bổng hơn, lãng đãng hơn. Có lẽ, đó là lý do mà ông tổ chức show hàng năm cũng vào khoảng thời gian này.

Ngọc Anh 3A được đánh giá là ca sĩ hát thành công nhất nhạc của ông từ trước đến nay.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Nhiều khi ta hay nghĩ nhạc của Phú Quang không được phong phú về màu sắc, hay thậm chí cứ tạm gọi là một màu; nhưng thực tế, đó lại là đóng góp lớn nhất của ông. Màu sắc âm nhạc trữ tình, tự sự và đoạn điệp khúc bùng nổ cảm xúc là một trong những đặc trưng Phú Quang. Nó phù hợp với gu nghe nhạc của người Việt. Phú Quang đã nắm bắt được, hoàn chỉnh và đưa nó đến mức độ phổ cập, mặc định với cái tên Phú Quang. “Em ơi Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Biển nỗi nhớ và em”... rất nhiều ca khúc của Phú Quang sẽ còn cháy mãi trong trái tim người yêu nhạc”.

2. Nhạc sĩ Phú Quang sinh ra ở Cẩm Khê - Phú Thọ. Gia đình ông ở Hà Nội đi theo kháng chiến. Bố ông, nhà giáo Nguyễn Phú Bình chơi đàn dân tộc rất hay. Ba anh em Phú Quang đều được học nhạc, thừa hưởng gen của bố. Nhạc sĩ Phú Quang là một cây kèn kor đặc sắc của nhà hát, từng biểu diễn nhiều bài danh tiếng khiến các nghệ sĩ Liên Xô thời đó ngạc nhiên khi biết ông tự học và học thầy người Việt.

Ông vẫn thường chơi đàn trong đêm nhạc của mình.

Thế nhưng giấc mơ sáng tạo của Phú Quang lớn hơn một nghệ sĩ chơi đàn, ông muốn sáng tác. Và cuộc đời ông đã đi sang một ngã rẽ khác, ngã rẽ mà ông gọi tên là số phận. Sau khi học xong khóa chỉ huy và sáng tác ở trường Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang vào Sài Gòn. Con người nghệ sĩ luôn cựa đạp trong ông muốn đi tìm cái mới. Liveshow đầu tiên được tổ chức năm 1987 đánh dấu sự gia nhập của Phú Quang vào đời sống văn nghệ sôi động Sài Gòn. Nhưng trong Phú Quang luôn là nỗi khắc khoải nhớ Hà Nội. Những ca khúc hay nhất ông viết cũng là ca khúc về Hà Nội, để rồi 25 năm sau, khi đã ở tuổi 59, ông lại trở về Hà Nội.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu, nhiều trích đoạn hòa tấu đã trở thành nhạc hiệu của Đài tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt, âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: “Bao giờ cho đến tháng Mười”(Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh),“Ai xuôi vạn lý”(Đạo diễn Lê Hoàng),“Vị đắng tình yêu”(tập 1, Đạo diễn Lê Xuân Hoàng),“Hải Nguyệt”(Đạo diễn Trần Mỹ Hà).

Ông có một đời sống riêng nhiều trắc trở, muộn phiền. Nhưng những năm tháng cuối đời, ông may mắn gặp được người phụ nữ trẻ yêu thương và chăm sóc. Những người con của ông đều thành danh. Cuộc sống đủ đầy, của danh vọng, của tiền bạc và tình yêu. Nhưng khi hỏi ông về điều đó, ông chỉ cười. Đó không phải là mục đích sống của cuộc đời ông. Ông vẫn không ngừng viết, không ngừng sáng tạo cho đến khi không thể nữa. Người nghệ sĩ ấy, “vẫn lang thang hoài trên phố” để đi tìm những giấc mơ của mình.

Và hát, dù ông tự nhận mình hát không hay.

Mộc mạc và chân thành là những điều Phú Quang luôn tâm niệm khi sáng tác. Ông chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung cảm, như lời mở đầu cuốn hồi ký của ông, “Chuyện bình thường và những hồi ức chợt hiện” (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc - 2016): “Rồi một ngày nào đó, âm nhạc của tôi cũng có thể bị mọi người lãng quên, nhưng ít nhất với tôi đó là những rung cảm chân thành nhất được viết ra bằng những trăn trở mà tôi muốn dâng hiến cho cuộc đời. Bởi thế, tôi luôn cảm ơn cuộc đời này với tất cả thăng trầm mà đời sống đã mang đến cho tôi. Đến bây giờ thì tôi đã viết như một thói quen. Viết mà chẳng hề có ảo tưởng về một “sứ mệnh” nào, cũng không có một ảo vọng nào về sự “vĩnh cửu” hay một tham vọng để lại di sản cho đời sau. Tôi viết vì những hạnh phúc, những khổ đau đầy bức bối cần được xả ra của chính mình”.

Giờ thì những đau đớn của đời sống, của bệnh tật không còn chạm vào ông được nữa. Ông đã bay về một cõi khác, ở đó, ông lại tiếp tục hành trình của một người nghệ sĩ lang thang trên phố, rong chơi nhẹ nhõm với đời, trả lại trần gian những muộn phiền...

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tran-gian-xin-bo-lai--i637805/