Trần Hoài Dương - Dấu ấn truyện cổ tích hiện đại
Đầu tháng 5 này là tròn 9 năm ngày mất nhà văn Trần Hoài Dương. Với gần nửa thế kỷ sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Trần Hoài Dương (1943-2011) đã xuất bản hơn 20 tập truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết.
Ông là một cây bút văn xuôi đa dạng, để lại nhiều dấu ấn tài năng ở thể loại truyện cổ tích hiện đại. Thể truyện này vốn là kết quả kế thừa từ cổ tích dân gian, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của trẻ em thời hiện đại. Ở Việt Nam, hoạt động sáng tác truyện cổ tích hiện đại diễn ra từ thập niên 1940 trở lại đây. Trần Hoài Dương sáng tác truyện cổ tích vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Thời gian đó, văn học thiếu nhi gặp không ít khó khăn trước tác động của kinh tế thị trường, loay hoay tìm cách vượt thoát tình trạng khủng hoảng. Trong hoàn cảnh ấy, Trần Hoài Dương vẫn kiên trì với công việc sáng tác cho thiếu nhi, chuyển hướng sang khai thác truyện cổ tích như một giải pháp về mặt thể loại. Ông đã lần lượt ra mắt bạn đọc những câu chuyện cổ tích thật hấp dẫn: "Bà cháu", "Nụ tầm xuân", "Con thiên nga bé bỏng", "Bộ lông rực rỡ của chim Thiên Đường", "Nàng công chúa biển"… Những tác phẩm nói trên thực sự đã tạo nên một thế giới cổ tích rất riêng của Trần Hoài Dương, in đậm dấu ấn tài năng và tâm huyết của một đời văn vì tuổi thơ.
Trần Hoài Dương từng nói mục đích sáng tác của ông là nhằm "đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ". Trên hành trình sáng tạo, ông trung thành với quan niệm văn chương đó. Dù truyện ngắn hay truyện dài, dù đồng thoại hay cổ tích, nhà văn đều hướng ngòi bút vào việc khắc họa, khẳng định giá trị của lòng yêu thương trong cuộc sống. Theo nhà văn Trần Hoài Dương, lòng yêu thương chính là "chất keo gắn bó mọi người với nhau", khiến con người biết sống vị tha; thậm chí có thể cảm hóa kẻ ác, giúp hồi sinh nhân tính để hoàn lương.
Có thể nói, việc tập trung vào một chủ đề như vậy đã làm nổi rõ đặc điểm cảm hứng tư tưởng Trần Hoài Dương, tạo nên sự bổ sung cần thiết vào hệ thống triết lý của truyện cổ tích Việt Nam. Điều này lý giải vì sao nhiều truyện cổ tích của ông đã được chọn dạy trong chương trình tiếng Việt tiểu học, được thừa nhận có tác dụng tốt đối với yêu cầu phát huy tính thiện ở mỗi con người ngay khi còn thơ bé.
Sáng tạo quan trọng nhất của Trần Hoài Dương, theo chúng tôi, đó là truyện "Nàng công chúa biển" (NXB Kim Đồng, 2009). Lâu nay, tác phẩm này được chú ý do thời gian sáng tác kéo dài tới ba mươi năm, bắt đầu từ tháng 3-1979. Điều cần nói ở đây là tác phẩm có dung lượng lớn với độ dài gần 200 trang. Trong văn học thiếu nhi Việt Nam, trước và sau Trần Hoài Dương, chưa có tác giả nào viết một truyện cổ tích tương tự như thế. Bởi vậy, nỗ lực trên đây của Trần Hoài Dương cần được tiếp nhận như một gợi ý về sáng tác, đó là sự cần thiết phải có nhiều hơn nữa những truyện cổ tích quy mô cho thiếu nhi.
Với dung lượng lớn, "Nàng công chúa biển" đã mở ra nhiều cơ hội sáng tạo cho nhà văn, cả về xây dựng nhân vật lẫn phương thức trần thuật. Vẫn với cảm hứng về lòng yêu thương nhưng ở tác phẩm này, Trần Hoài Dương đã khiến người đọc cảm thấy ấn tượng hơn, ám ảnh hơn với cặp đôi nhân vật ông lão "quỷ biển" và em bé "đẹp như thiên thần".
Truyện "Nàng công chúa biển" có nội dung phong phú, phản ánh nhiều mảnh đời, nhiều số phận. Đặc biệt, với "Nàng công chúa biển", lần đầu tiên, Trần Hoài Dương đã bộc lộ được trọn vẹn tư tưởng triết luận của ông về lòng yêu thương và phương pháp giáo dục con trẻ.
Truyện cổ tích hiện đại là một cống hiến quan trọng của nhà văn Trần Hoài Dương đối với nền văn chương và giáo dục nước nhà.