Trận không kích kinh hoàng nhất lịch sử Tokyo

Năm 1945, bom do Mỹ dội xuống thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã tạo ra những cơn lốc xoáy lửa cuồng nộ, hút cả những tấm thảm khỏi nhà và cuốn chúng đi cùng đồ đạc, con người.

Khi đó, bà Haruyo Nihei mới 8 tuổi, đang ngủ thì trận mưa bom bắt đầu trút xuống Tokyo - thành phố có đa số nhà làm bằng gỗ. Nihei buộc phải chạy ra khỏi nhà, người trùm tấm chống lửa.

Khi nó bắt lửa, Nihei buông tay bố ra một lúc để dập lửa và sau đó lạc bố. Khi ngọn lửa đang quét gần tới nơi, cô bé 8 tuổi đứng ở ngã tư đường, gào khóc gọi bố. May thay bố Nihei đã kịp tìm thấy cô và ôm cô để bảo vệ con khỏi lửa. Hai bố con Nihei thoát chết nhờ những xác chết cháy đen phía trên che chắn.

Các tòa nhà bốc cháy sau cuộc không kích bằng bom cháy.

Các tòa nhà bốc cháy sau cuộc không kích bằng bom cháy.

Đó là sáng sớm ngày 10/3/1945. Nihei sống sót qua trận dội bom chết chóc nhất lịch sử nhân loại. Có tới 100.000 người Nhật Bản thiệt mạng và một triệu người bị thương. Phần lớn là dân thường. Trong trận không kích, hơn 300 máy bay ném bom B-29 đã thả 1.500 tấn bom cháy xuống Tokyo trong đêm.

Khác với vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, dù Tokyo cũng bị san phẳng nhưng ngày nay không có bảo tàng nào ở thủ đô đất nước mặt trời mọc để kỷ niệm ngày 10/3 năm đó. Năm 2020 là dịp kỷ niệm 75 năm vụ không kích đó nhưng ảnh hưởng và di sản của sự kiện phần lớn không ai biết tới.

Chiến dịch Meetinghouse và máy bay B-29

Những sự kiện kinh hoàng mà bà Nihei chứng kiến hồi nhỏ là kết quả của Chiến dịch Meetinghouse, loạt không kích bằng bom cháy chết chóc nhất lịch sử mà không quân Mỹ dội xuống Tokyo từ tháng 2 tới tháng 5/1945.

Chiến dịch do Tướng Curtis LeMay, Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, thiết kế. LeMay là người sau này cũng không kích CHDCND Triều Tiên và Việt Nam, ủng hộ ý tưởng tấn công hạt nhân phủ đầu Nga trong khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10/1962.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã gửi thông điệp cho mọi nước tham chiếm, kêu gọi họ kiềm chế dội bom dân thường một cách vô nhân đạo khi chiến tranh mới bùng nổ ở châu Âu năm 1939, nhưng tới năm 1945, chính sách đó đã thay đổi. Sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, Mỹ đã quyết tâm trả đũa.

Máy bay ném bom B-29.

Máy bay ném bom B-29.

Năm 1942, đế quốc Nhật Bản ở Thái Bình Dương đang ở thời kỳ hùng mạnh nhất. Những người hoạch định chiến tranh ở Mỹ đã lập một danh sách mục tiêu để phá hủy bất kỳ cái gì có thể giúp Nhật Bản, từ căn cứ không quân cho tới nhà máy sản xuất ổ bi. Nhưng để thực hiện kế hoạch, Mỹ cần căn cứ không quân ở một loạt đảo chính của Nhật Bản.

Khi xâm chiếm đảo Guadalcanal ở Nam Thái Bình Dương tháng 8/1942, Mỹ bắt đầu tìm kiếm đất để xây căn cứ, tiếp tục chọn các hòn đảo Saipan, Tinian và Guan năm 1944 để thực hiện mục tiêu. Khi có ba đảo này trong tay, Mỹ đã có đủ đất để xây sân bay cho máy bay ném bom tân tiến B-29.

Với khả năng bay nhanh, cao, chở được nhiều bom, B-29 ban đầu ra đời để không kích Đức Quốc xã từ lục địa Mỹ trong trường hợp Anh thất thủ trước lực lượng của trùm phát xít Adolf Hitler. B-29 là loại máy bay lý tưởng để thực hiện chiến tranh trên đất liền Nhật Bản.

B-29 là đỉnh cao của 20 năm phát triển kỹ nghệ hàng không trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là máy bay đầu tiên có thân máy bay điều áp, cho phép chúng hoạt động ở độ cao trên 18.000 foot (5.486m) mà không cần phi hành đoàn phải đeo thiết bị đặc biệt hoặc mặt nạ ô xy.

Nhờ đó, B-29 ngoài tầm với của đa số súng phòng không và giúp phi công có nhiều thời gian trước khi các máy bay chiến đấu kẻ thù có thể bay cao hơn để giao chiến. B-29 được coi là siêu pháo đài có công nghệ tân tiến nhất thời đại đó.

B-29 đã sẵn sàng trút bom lên Nhật Bản, nhưng các cuộc tấn công ban đầu của B-29 không thành công. Máy bay ném bom từ độ cao lớn, khoảng 30.000 foot (9.144m) theo như thiết kế nhưng chưa đầy 20% bom rơi trúng mục tiêu. Phi công Mỹ cho rằng tầm nhìn kém trong thời tiết xấu và gió to từ phi đội máy bay đã đẩy bom ra xa mục tiêu khi rơi xuống.

Tướng LeMay được giao nhiệm vụ tìm cách để B-29 hoạt động có hiệu quả. Giải pháp của ông ta mạnh tới mức làm sốc các phi công thực hiện không kích. Theo đó, B-29 sẽ bay tầm thấp từ 1.500m-2.500m và thực hiện ném bom trong đêm. Các máy bay B-29 sẽ bay theo hàng một thay vì đội hình nhiều lớp mà Mỹ từng thực hiện khi ném bom ban ngày vào lực lượng Đức ở châu Âu. B-29 sẽ mang theo bom cháy để biến Tokyo toàn nhà gỗ thành biển lửa. Bom cháy giải phóng chất dễ cháy khi phát nổ.

Khi 3.000 phi công Mỹ nghe thông tin về sứ mệnh, nhiều người đã không thể tin nổi. Nếu bay theo hàng một, họ sẽ không thể bảo vệ lẫn nhau trước máy bay chiến đấu Nhật Bản. Tướng LeMay cũng ra lệnh cho máy bay ném bom lớn bỏ lại gần như toàn bộ vũ khí phòng vệ để có thể mang theo nhiều bom hơn. Đa số phi công rời phòng họp hôm đó tin chắc hai điều: LeMay thực sự điên rồ và nhiều người trong số họ sẽ không sống sót nổi.

Lửa từ trên trời

Chiều 9/3/1945, trên đảo Saipan, Tinian và Guam, các máy bay B-29 bắt đầu rời căn cứ để bay 7 tiếng, vượt quãng đường 1.500 dặm (2.414km) tới Nhật Bản.

Người dân Nhật Bản mất nhà cửa sau chiến dịch Meetinghouse.

Người dân Nhật Bản mất nhà cửa sau chiến dịch Meetinghouse.

Sáng sớm ngày 10/3, khi người dân Nhật Bản vẫn ngủ say trong những căn nhà gỗ thấp bé, những máy bay ném bom đầu tiên trên bầu trời Tokyo bắt đầu thực hiện 5 cuộc không kích nhỏ để đánh dấu cho các máy bay còn lại nhằm theo. Từ 1 giờ 30 sáng tới 3 giờ sáng, lực lượng chính của đội B-29 Mỹ đã thả 500.000 quả bom M-69, được thả theo nhóm gồm 38 quả, mỗi quả nặng 2,7kg.

Chùm bom tách ra khi rơi xuống và các dù nhỏ sẽ đưa từng quả bom đáp xuống đất. Napalm bên trong lớp kim loại sẽ phát cháy vài giây sau khi chạm vật rắn và giải phóng gel cháy lên bề mặt xung quanh.

Bà Nihei đã trải qua các cuộc không kích của Mỹ trước đó, nhưng khi bố bà đánh thức dậy trong đêm tối hôm đó, ông đã hét lên, nói rằng đợt không kích này không giống mọi khi. Họ cần ra khỏi nhà và chạy ngay vào hầm trú ẩn. Nihei vội vã mặc quần áo, đi giày và lao ra khỏi nhà cùng mẹ, em gái, anh trai. Khi đó, lửa vẫn chưa lan tới chỗ họ. Gia đình bà Nihei đã vào được hầm trú ẩn nhưng nơi trú ẩn không tồn tại được lâu.

Chẳng bao lâu, bố Nihei đã bảo mọi người ra ngoài, nếu không sẽ bị thiêu sống. Ông cho rằng lửa và khói sẽ dễ dàng vượt qua cánh cửa boong ke. Nhưng khi đã ra ngoài, khung cảnh thật hãi hùng, không thể tưởng tượng nổi. Tất cả đều bốc cháy. Con đường biến thành dòng sông lửa. Nhà cửa cùng mọi thứ đều chìm trong lửa. Bà Nihei nhớ lại: "Trẻ em bị lửa thiêu khi được cha mẹ cõng chạy. Người ta cõng trên lưng những đứa con đang bốc cháy".

Có con ngựa đang kéo xe gỗ chất đầy hành lý. Đột nhiên nó khựng lại. Hành lý bốc cháy và bén sang đuôi ngựa rồi nuốt chửng nó. Người cưỡi ngựa không chịu rời và bị thiêu cháy cùng con ngựa.

Trên bầu trời, máy bay B-29 bắt đầu cảm thấy tác động của gió và lửa. Bên dưới là biển lửa đỏ rực, bên trong máy bay, khói xộc vào mọi ngóc ngách. Khí nóng bốc lên đẩy chiếc máy bay 37 tấn lên cao 1.500m, sau đó rơi xuống chỉ vài giây sau.

Trong khi đó, Nhật Bản thiết lập phòng thủ nhanh chóng. Hỏa lực phòng không nhằm vào máy bay Mỹ dày đặc như tia nước phun ra từ vòi nước tưới cây.

Cảnh hủy diệt ở Tokyo ngày 10/3 chỉ khiến người Mỹ phấn khích hơn. Các cuộc không kích tiếp theo vào Tokyo ngày 14 và 18/4 rồi ngày 24 và 26/5 đã biến một diện tích 100km2 thành tro. Hàng chục nghìn người nữa thiệt mạng.

Sau đó, cuộc dội bom diễn ra ở các thành phố lớn như Nagoya, Osaka và Kobe. Tiếp theo, máy bay ném bom Mỹ nhằm vào các thị trấn hạng trung bình, không kích 58 thị trấn. Có thời điểm mà căn cứ của máy bay B-29 tại North Field trên hòn đảo nhỏ Tinian là sân bay bận rộn nhất thế giới.

Lịch sử hậu chiến của Không quân Mỹ mô tả mục tiêu của chiến dịch ném bom cháy trên rất đơn giản, nói rằng tới tháng 6, các trung tâm công nghiệp của Nhật Bản đã không còn là mục tiêu có lợi cho Nhật Bản nữa. Tuy nhiên, không kích dường như không khiến quân Nhật Bản đầu hàng. Thiệt hại mà Tokyo gánh chịu khiến giới lãnh đạo Nhật Bản nổi giận.

Thủ tướng Nhật Bản khi đó Suzuki Kantaro nói: "Chúng tôi rất tức giận trước hành động của Mỹ. Tôi hạ quyết tâm với toàn bộ 100 triệu dân còn lại của đất nước này là sẽ đập tan kẻ thù ngạo mạn mà hành vi của chúng là không thể tha thứ trong mắt Thượng đế và con người".

Dù vậy, chiến dịch mà Mỹ thực hiện khiến Nhật Bản thiệt hại nặng nề. Cuối chiến dịch, hàng trăm nghìn người đã trở thành người tị nạn khắp Nhật Bản. LeMay sau này cũng thừa nhận sự tàn bạo của chiến dịch: "Khi đó tôi không bận tâm nhiều về việc giết hại người Nhật Bản. Tôi cho rằng nếu tôi thua cuộc chiến, tôi sẽ bị xét xử với tư cách tội phạm chiến tranh".

Thay vào đó, ông ta được ca ngợi như người hùng, được thưởng vô số huân chương và về sau được thăng chức lên chỉ huy Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ.

Di sản nhỏ nhoi

Trong số những người thiệt mạng ngày 10/3 có 6 người bạn thân của cô bé Nihei. Họ vẫn còn chơi đùa cùng nhau vào chiều tối 9/3 và hẹn gặp nhau để chơi tiếp trò đánh trận giả vào hôm sau. Mùa hè năm 1945 diễn ra khó khăn với Nihei. Cô và gia đình đều sống sót sau đợt không kích và phải dọn đến ở nhờ nhiều họ hàng hoặc nơi ở tạm.

Bà Nihei nhớ lại ký ức kinh hoàng.

Bà Nihei nhớ lại ký ức kinh hoàng.

Sau đó, máy bay B-29 đã thực hiện không kích hủy diệt nặng nề Hiroshima và Nagasaki bằng bom nguyên tử. Đây là lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh.

Ngày nay, ở một góc tĩnh lặng phường Koto của thủ đô Tokyo, một tòa nhà hai tầng đã trở thành trung tâm lưu giữ các kỷ niệm của cuộc không kích cách đây 75 năm. Một nhóm người sống sót đã cùng nhau quyên góp tiền để mở trung tâm năm 2002. Sáng lập viên trung tâm, ông Katsumoto Saotome, đã kêu gọi thành lập một bảo tàng do chính phủ tài trợ nhưng không thành do không có nguồn quỹ công.

Thay vì lập bảo tàng, chính quyền Tokyo năm đó đã bắt đầu tổng hợp danh sách nạn nhân. Họ xây một đài tưởng niệm nhỏ khắc tên nạn nhân ở góc công viên Yokoamicho. Tuy nhiên, những cử chỉ tưởng niệm nhỏ này là không đủ với người sống sót sau trận không kích.

Với trên 80% người Nhật Bản sinh ra sau chiến tranh, nhiều người sợ thế hệ trẻ sẽ mất mối liên hệ với quá khứ.

Đức Huy (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/tran-khong-kich-kinh-hoang-nhat-lich-su-tokyo-585957/