Trần Kim Hoa với người tình thơ

Biết Trần Kim Hoa từ những năm 90, trước hết vì đó là một cô gái đẹp thi thoảng xuất hiện ở đâu đó trong đám văn chương thơ phú, nhưng rồi biến mất ngay. Dường như Kim Hoa không phải người thích tụ bạ, đàn đúm chém gió và ăn nhậu. Có cái gì đó hơi nghiêm túc có vẻ như một cô giáo hơn là một nhà thơ.

Nhưng ngay từ đó thơ Trần Kim Hoa đã khiến tôi chú ý. Một giọng thơ khác hẳn với số đông phụ nữ làm thơ. Nói theo kiểu hội họa thì thơ Trần Kim Hoa không chỉ nhặt hiện thực đặt lên trang giấy mà hiện thực của chị pha chút ấn tượng, có hình khối mảng miếng và không gian đầy sáng tạo. Chữ của Trần Kim Hoa dùng khá đắt trong sự diễn tả hiện thực đời sống, cảm xúc và tư duy cá nhân. Thơ Trần Kim Hoa vì thế những khoảng lặng lại “nói” được rất nhiều. Trần Kim Hoa không kể chuyện bằng chữ mà bằng hình ảnh, sự phóng dụ, nhân cách hóa và cái bóng của chữ:

Gió mùa Đông Bắc

Hà Nội gió mùa Đông Bắc
những con phố phong phanh
ta và em như khăn mỏng
ngày không bắt đầu bằng mặt trời
mưa li ti cám dỗ
hàng cây chiều qua hớn hở
sáng nay so vai
ngã tư chiều qua hớn hở
sau một đêm trong hơi nước như đàn kiến bơi
Hà Nội lạnh
cửa sổ những ngôi nhà kín bưng
như cái nhìn của em
như nụ cười của anh
mùa đông năm nào
cay cay ngọn khói
Hà Nội gió mùa Đông Bắc về
phố chưa kịp trở vàng
ai đó vừa thốt lên lời yêu đã vội vã chia tay

những ngày thu cuối cùng phập phù trên cây bàng lá đỏ
như tấm áo phù dung
sắp sửa tuột khỏi bờ vai thiếu phụ…

Miền yên tĩnh

Ngước nhìn em không chớp
bao năm trôi qua vẫn thế
những câu chữ
như những đứa trẻ mắt tròn đen láy

Chăm chú làm sao
dịu dàng làm sao
như dấu hỏi làm em bối rối
như dấu ngã làm em lo lắng

Khi em buồn
mắt ánh lên thương xót
khi em yêu
ánh mắt ấy bồn chồn
khi em xa anh
ánh mắt ưu tư
khi em ngã đau
ánh mắt nâng em dậy

Một tuổi thơ xa vời vợi
bà hát khúc ru trưa
chiếc quạt mo cau trên tay bà có tháng ba tháng bảy
cha hành quân đêm dài
trang thư có giọt nước mắt ban mai
tóc mẹ búi cao
mùa xuân đầu tiên con đến lớp…

Rồi những bến xuân sau những canh xuân
những tháng bảy tháng ba những đêm dài những sớm mai gió lộng
mận trắng trên cành, mưa giăng trước ngõ
mắt đen, mắt đen ơi
Còn đây miền yên tĩnh
thuở đôi tám chúng mình …

Yêu dấu

Mặt trời mặt trời mặt trời
lửa bỏng những ngọn rừng, dòng sông
những cánh đồng, làng mạc
cây cầu từ góc phố ra ngoại thành
con đò với mái chèo rất mảnh…

Rồi tựa chiêm bao
giũ áo bờ ao
mắt buồn màu khói
mây quấn ngang mày
giăng giăng khắp cõi

Rồi đi thật khẽ
một túi nắng, một túi mưa
một túi bão giông
xa mờ đỉnh núi
hoa bỉ ngạn vườn trời…

Như ngày hôm qua không thuộc về ta nữa
yêu dấu còn hiển hiện mỗi ban mai.

Tôi đưa liền 3 bài thơ này mà không sợ bạn đọc nhàm chán và có thể chỉ cần ba bài này thôi đã thấy một chân dung thơ Trần Kim Hoa. Sâu sắc, tinh tế, dịu dàng, quyết liệt…, đủ cả.

Trầu xanh như linh hồn trinh nữ
Chẳng chịu nguôi quên duyên kiếp trời ban
Yêu đến cạn lòng vẫn bao ngờ nghệch
Được thắm đỏ một lần dẫu chết cũng đành cam

(Trầu cau)

Để nói về thời gian của mình, Trần Kim Hoa viết:
Đi qua những giấc mơ bom dội
những trưa bồ kết
búi tóc ngày một lỏng
cái nhìn ngày một xa
tấm áo cũ chiết mấy lần không hết rộng

Hai đoạn thơ trích trên lấy trong tập “Họa mi” năm ngoái đã được giới thiệu xét giải thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam cách đây hơn mười năm trước. Trần Kim Hoa vẫn không ngừng nghỉ, có lẽ, còn thở nghĩa là còn cảm xúc, cảm xúc dẫn người thơ đặt thơ lên mặt giấy. Kể từ ngày ấy cho đến “Bên trời” thơ của Trần Kim Hoa ngày càng hấp dẫn người đọc hơn. Không chỉ nội tâm sâu sắc, nhiều mơ mộng, giàu hoài niệm mà dụng chữ rất tài tình, chữ vừa có khả năng gợi cảm, đồng hiện và giàu hình ảnh.

“âm âm tường rêu
tiếng rao khuya mềm đêm ngói mỏng
mắt đen tóc tết ơi
phố dài ngô nếp nướng”

Là một người sống ở Hà Nội từ nhỏ, khi đọc bài thơ dưới đây của Trần Kim Hoa tôi chợt thấy buồn, chị đã khái quát về một Hà Nội đang là, dù không nói một từ nào là Hà Nội đang mất, mà tôi thấy mất, tôi đang mất một Hà Nội xưa, một Hà Nội đã nuôi tâm hồn tôi rất nhiều năm tháng:

“Hà Nội nửa phố nửa làng
phố nửa Á nửa Âu

bữa cơm chiều ngày một thưa
quán cà phê chật ních
đêm hiếm khi gặp ánh trăng ngần
Hà Nội đầu thế kỷ hai mốt
như người đẹp bước ra từ tiệm làm đầu
tóc nhiều màu nhưng mắt cứ là đen

Hà Nội ngày mai biết là đẹp lắm
ngoại thành gần hơn
chỉ tiếng mẹ vời xa, nhà cũ không còn”.

Tôi biết Trần Kim Hoa nhiều hơn vào hồi chị phụ trách văn phòng phía Bắc của Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh. Mỗi khi gặp nhau, chúng tôi nói chuyện văn chương, cuộc đời và gia đình. Chị có một gia đình yên ấm. Chồng chị, nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại cũng là nhà báo làm ở Báo Nhân dân, có nhiều năm là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Cả hai vợ chồng sắc sảo trong sáng tạo, chỉn chu trong nghề nghiệp và đều là người rất hiền, kiệm lời và đằm thắm với bạn bè.

Chị tâm sự thơ là một phần trong cuộc sống của chị, như một người bạn chung thủy, có thể gửi gắm nhiều điều mà không bao giờ bị phản bội, có thể an ủi và sẻ chia mọi cung bậc cảm xúc.

Thường những người có hôn nhân tròn trịa, có vị trí xã hội và công việc ở vị trí ấy đòi hỏi một lý trí, một sự tỉnh táo nhất định thì cảm xúc thường khó bay bổng, hoặc rất dễ bị kìm nén. Nhưng cả hai vợ chồng chị đều là những tác giả của các bài thơ hay. Xuất hiện trên thi đàn từ năm 1990, khi chị mới tuổi 20, đến nay, Trần Kim Hoa đã ra mắt độc giả tổng cộng 5 tập thơ:“Nơi em về” (1990),“Quá khứ chân thành”(1998),“Lối tầm xuân”(2003),“Họa mi năm ngoái”(2006) và“Bên trời”(2020).

Trần Kim Hoa ví thơ như một người bạn tri kỷ. Nhất là lúc có tâm trạng, lúc muốn đối diện và cảm nhận, gọi tên chính những cảm xúc đang diễn ra thì chị làm thơ. Thơ giúp chị “nói” được nhiều và chính xác những rung động, của tâm hồn. Thơ chỉ cần một lượng chữ rất ít nhưng có thể chuyên chở nhiều nhất những điều nhà thơ muốn bày tỏ.

Thơ Trần Kim Hoa vì thế mà lôi cuốn người đọc, cái việc kiệm chữ không thể dễ dàng với người lười lao động chữ nghĩa và ít tài hoa. Không ít người sống trong đủ đầy thì nguồn thơ cạn kiệt, cảm xúc nguội lạnh, bởi họ bằng lòng với hiện tại, họ không muốn thoát ra khỏi cái nề nếp, bình yên đang có.

Nhưng có vẻ vợ chồng Trần Kim Hoa, Nguyễn Sỹ Đại không mắc phải tình trạng đó. Không chỉ hướng về gia đình, yêu cuộc sống, yêu con người, thiên nhiên, họ mẫn cảm với cuộc đời, với những số phận và với cả những phút giây sửng sốt của chính mình, giống như các họa sĩ giật mình rồi say mê trước vẻ đẹp của người mẫu.

Trần Kim Hoa bảo rằng, kể từ tập thơ đầu tiên ấy cho đến nay, 30 năm, cuộc đời đã hắt cái bóng buồn vui, tối sáng xuống vai chị; cho chị những nỗi niềm, những trăn trở và cả những cảm xúc thơ… Thơ đã giúp chị đi qua những nỗi buồn, những thời khắc chán nản, và giúp chị ngay cả những khi bận rộn nhất, khó khăn nhất vẫn cảm nhận được thế giới quanh mình vô số những điều đẹp đẽ, tinh khiết, đáng yêu và đáng sống.

Nhiều khi, tôi cứ tự hỏi: xinh đẹp, duyên dáng, trẻ trung, tài hoa… như Trần Kim Hoa, chưa kể lại còn là một phụ nữ có vị trí, trưởng đại diện một tờ báo có uy tín, rồi Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, sẽ thoát khỏi những lời tán tỉnh trêu ghẹo của cánh nam giới đa tình bằng cách nào?

Trần Kim Hoa thành thật: Em cũng “nữ nhi thường tình” thôi chị ơi! Có điều là em nghĩ về tình yêu bằng quan niệm có phần tuyệt đối quá, có lẽ thế nên ít nguy cơ bị “đổ”, mà có “đổ” thì “đổ cả đời” luôn!

Tôi nhận thấy bên cạnh những bài thơ tình, thơ thế sự, cuộc đời Trần Kim Hoa còn có những bài thơ rất cảm động về mẹ, về cha. Có bận chị đã chia sẻ với tôi: “Cha em mất nhiều năm rồi, nhưng hình ảnh ông luôn hiện diện trong cuộc đời em. Ông chính là người đã gieo vào em từ rất sớm tình yêu con người, tình yêu với thơ ca. Mẹ em nay tuổi tác bệnh tật, luôn khiến em đau lòng và xót xa nhớ tới thời trẻ trung xốc vác vất vả của bà. Lúc nào em cũng thấy thơ em chưa tỏ bày hết được những cảm xúc nuối nắm của con cái đối với cha mẹ mình, chị à!”.

Với tập thơ “Bên trời”, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2020, chắc chắn đã đem lại cho Trần Kim Hoa nhiều cảm xúc. Hoa nói với tôi rằng chị có niềm vui của người cầm bút (sau bao năm lặng lẽ hành trình đam mê và sáng tạo), như thể có một giấc mơ đã cầm nắm được trên tay, nhưng vẫn biết giấc mơ ấy sẽ bay mất nếu mình không giữ được trong tim những nhịp đập nhạy cảm, thiết tha và ân tình với cuộc đời! Và tôi đã nghĩ, với Trần Kim Hoa, còn sống, còn yêu, thì thơ có thể ví như một người tình chung thủy của nhà thơ vậy!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tran-kim-hoa-voi-nguoi-tinh-tho-i670720/