Tràn lan đào tạo y khoa liên tục (*): Cần ngăn chặn biến tướng

Để giải tỏa gánh nặng cho nhân viên y tế khi tham gia đào tạo liên tục, cần làm đúng tôn chỉ, mục đích của Luật Khám chữa bệnh cũng như Thông tư 32/2023/TT-BYT

Tại TP Hà Nội, trong vai một người "tay ngang" muốn học về chỉnh nha, chúng tôi được cơ sở đào tạo tư vấn đưa ra một điều kiện duy nhất: Chỉ cần đóng tiền vào học là được cấp chứng nhận.

Mánh mung, tự phát

Khóa học về chỉnh nha tại một trung tâm được quảng cáo trên mạng xã hội, chúng tôi được cho hay sẽ kéo dài 7 - 10 ngày. Trong đó, ngoài học lý thuyết sẽ được cầm tay chỉ việc với mức học phí 7 - 8 triệu đồng. Với khóa học cấy ghép Implant, chi phí khoảng 12 - 15 triệu đồng. Theo nhân viên các cơ sở đào tạo này, sau khóa học, học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận. Điều kiện duy nhất là học viên chỉ cần đóng tiền và vào học.

Họ và tên giám đốc ký trên giấy chứng nhận đào tạo và trên thông báo không đồng nhất.Ảnh: TIẾN ĐẠT

Họ và tên giám đốc ký trên giấy chứng nhận đào tạo và trên thông báo không đồng nhất.Ảnh: TIẾN ĐẠT

Theo một chuyên gia đào tạo về răng hàm mặt của một trường đại học y khoa ở Hà Nội, nhu cầu chăm sóc răng miệng ngày càng cao kéo theo ngành răng hàm mặt ngày càng phát triển với rất nhiều hình thức đào tạo. Đáng nói là các hình thức đào tạo tự phát, ngắn hạn từ các trung tâm, phòng khám nha khoa, thậm chí cả các cơ sở kinh doanh trang thiết bị trong lĩnh vực này, "mọc lên như nấm", nhất là khóa học về kỹ thuật chỉnh nha, Implant...

Tại những cơ sở chính quy của các trường đại học, lớp học được chia ra cho các đối tượng khác nhau phù hợp vị trí việc làm của bác sĩ hay điều dưỡng, kỹ thuật viên. Với các lớp thực hành chỉnh nha hay Implant cho bác sĩ, đối tượng tuyển sinh là các bác sĩ răng hàm mặt, hồ sơ thu nhận có nhiều giấy tờ kèm theo; điều dưỡng hay kỹ thuật viên không được học các lớp này vì không đúng chức năng. Với lớp dành cho trợ thủ nha khoa mới nhận đối tượng học là điều dưỡng. Tương tự, kỹ thuật viên thì học ở lớp dành cho kỹ thuật viên. Các chương trình đào tạo đều có hội đồng khoa học thẩm định trước khi triển khai.

"Gần đây, nhiều bác sĩ quảng cáo trên các trang mạng xã hội về các lớp học do chính những bác sĩ này đào tạo. Chẳng hạn, một trang Facebook có tên là N.H.N quảng cáo một lớp học về chỉnh nha, răng sứ thẩm mỹ… được tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 15, 16 và 17-3 này. Việc mở lớp và đào tạo như thế là không đúng quy định" - chuyên gia này nhận định.

Giới chuyên môn cảnh báo việc đào tạo tràn lan, không phù hợp đối tượng dễ dẫn đến tình trạng nhiều ca bệnh bị biến chứng. Điển hình là nhiều ca chỉnh nha bị hỏng, tiêu chân răng hàng loạt. Implant có nhiều biến chứng, các răng thẩm mỹ sai chỉ định dẫn đến biến chứng. Việc xử lý các ca biến chứng này rất phức tạp, tốn kém và gây đau đớn cho người bệnh.

Bất chấp đạo đức

Trong khi đó, sau khi phản ánh về tình trạng đào tạo CME, nhiều bạn đọc tiếp tục cung cấp thêm thông tin đến Báo Người Lao Động. Ông H. (ở quận 10, TP HCM) cho rằng CME lâu nay kém thực chất. Ông tiết lộ có biết một bạn trẻ là y sĩ nhưng quyết cố lên làm bác sĩ bằng con đường bất chấp đạo đức nghề nghiệp. Người này làm bằng bác sĩ dỏm để đăng ký học lấy chứng chỉ CME thật với mục đích đi lòe thiên hạ. Chưa hết, người này còn làm bằng bác sĩ dỏm cho một số người đi học chung CME. Trong khóa đào tạo của bệnh viện T. (trên địa bàn TP HCM), kiểm tra hồ sơ thấy khả nghi nên bệnh viện xác minh về Trường Đại học Y Dược TP HCM thì mới phát hiện bằng bác sĩ dỏm. Thế là cả nhóm bị thu hồi giấy chứng nhận.

Bác sĩ Đ.B (nguyên trưởng khoa của một bệnh viện hạng đặc biệt tại TP HCM) cho biết ông nghỉ hưu đã có người đến gặp đặt vấn đề thuê bằng với giá 10 - 15 triệu đồng/tháng để mở phòng khám. "Tôi nói mình yếu rồi, không tham gia đào tạo liên tục được thì người này trấn an cứ yên tâm, gì chứ mấy thứ đó đóng tiền là có. Không ít bác sĩ cho thuê mướn bằng đứng tên, chịu trách nhiệm chuyên môn phòng khám nhưng không bao giờ có mặt. Đến khi xảy ra sự cố y khoa thì mới ân hận. Tiền thì cũng cần nhưng bất an quá nên tôi từ chối" - bác sĩ B. trải lòng.

Với đặc thù công việc có cơ hội tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, một chuyên gia về truyền thông cũng thẳng thắn góp ý: "Có những hội nghị khoa học tổ chức rất tốt, báo cáo viên uy tín, thuyết trình hay, người tham dự ngồi nghe từ đầu tới cuối. Nhưng có những chương trình tổ chức qua loa, báo cáo không có gì mới. Đa phần khách, học viên tới dự chủ yếu để "check-in" rồi tụm nhau tán gẫu bên bàn cà phê, đi mua sắm... Khoảng chừng nửa buổi là hội trường vắng khách. Chưa kể, bây giờ nhiều lớp mở online, học qua mạng, học viên mở máy lên, điểm danh rồi tán gẫu cho hết buổi".

Ngăn lợi ích nhóm

Trao đổi với phóng viên, không ít y - bác sĩ, dược sĩ cho biết với thực trạng hiện nay, việc đào tạo liên tục còn lộ ra nhiều bất cập, là gánh nặng cho nhân viên y tế cả về kinh tế lẫn công sức. Thậm chí, nó cũng phần nào khiến cho một bộ phận không nhỏ nhân viên y tế mang tâm lý "học để lấy cái bằng", lấy giấy phép hành nghề, không học vì đam mê, vì phát triển bản thân và nâng cao chất lượng chuyên môn, tay nghề, tích lũy kiến thức.

Trong khi có những hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo thu hút các thầy thuốc chuyên khoa I, chuyên khoa II, tiến sĩ, thạc sĩ tham dự vì nơi công tác không có mã đào tạo thì báo cáo viên lại lúng ta lúng túng. Nội dung đào tạo thì na ná nhau hoặc một nội dung nhưng tổ chức "xà quần" nhiều địa điểm.

Ngay cả phôi chứng chỉ CME cũng mỗi nơi một kiểu. Cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp một kiểu, mỗi bệnh viện một kiểu mẫu. Chứng chỉ CME của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp cũng khác nhau. Chẳng hạn, việc cấp chứng chỉ CME là do trường, bệnh viện có mã số cấp và do lãnh đạo đơn vị này ký. Tuy nhiên, có không ít thư ngỏ, thông báo tuyển sinh lại gắn logo của khoa, phòng thay vì logo của trường, của bệnh viện cấp CME.

Việc mở đào tạo tràn lan, công ty, doanh nghiệp không hiểu nên làm bừa, làm ẩu do không nắm vững thông tin nội dung về hệ thống y tế nên "râu ông nọ cắm cằm bà kia", lẫn lộn từ bệnh viện A sang bệnh viện B.

Theo quy định, tài liệu, nội dung bài giảng, lý lịch chuyên môn của báo cáo viên, địa điểm tổ chức, học phí... phải được cấp phép, phải qua hội đồng thẩm định. Thế nhưng có khóa học trực tiếp thì tổ chức ở khoa, trường, bệnh viện nhưng có khóa học, hội nghị, hội thảo cũng cấp CME nhưng học trực tuyến, thậm chí học ở khách sạn, trung tâm hội nghị... Điều đáng nói là theo nội dung hội nghị thì có thực hành và có lâm sàng.

Chưa hết, cách tính giờ tín chỉ "mỗi nơi một phách". Cùng là khóa học chỉnh hình răng mặt nhưng mỗi "Hội đồng thẩm định phê duyệt" lại tính số lượng tín chỉ khác nhau. Bệnh viện tại TP HCM tổ chức cấp chứng chỉ CME, 160 tiết. Trong khi chương trình đào tạo cấp CME của trường đại học có khoa y thì lại 200 tiết.

Với quy định hiện nay, phải là thủ trưởng đơn vị có mã đào tạo mới được thừa nhận. Nói đến mã đào tạo, nhiều bệnh viện lớn tại TP HCM lại không được cấp mã đào tạo vì không đủ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II... Trong khi đó, các trường không phải chuyên ngành y mà chỉ có khoa ngành y, thậm chí các tổ chức xã hội nghề nghiệp lại được cấp mã ngành, từ đó mở các lớp đào tạo liên tục. Thế nên, nhiều y - bác sĩ dù sinh hoạt khoa học - kỹ thuật, hội chẩn, báo cáo lâm sàng, các góp ý chuyên môn thường xuyên tại khoa, hội đồng bệnh viện nhưng không được tính vì bệnh viện không có mã ngành đào tạo. Vì vậy, y - bác sĩ lại phải đóng tiền đi học những nơi kém cỏi hơn rất nhiều để đủ điều kiện đào tạo liên tục nhằm gia hạn chứng chỉ hành nghề.

Đối với ngành y - dược, thực tiễn lâm sàng, học đi đôi với hành mới là điều quan trọng. Nhưng tiếc rằng ca lâm sàng hoạt động trực tiếp đến chuyên môn, điều trị lại chưa được tính KPI thay cho lý thuyết thực hành ở hội nghị, lớp học cấp CME để làm cơ sở cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi các buổi hội thảo, hội nghị, buổi học, khóa học chất lượng "thượng vàng hạ cám", nếu như có sự "bắt tay" giữa trường, bệnh viện có cấp mã đào tạo thì coi như có chứng chỉ CME. Việc đào tạo, xây dựng chương trình kế hoạch còn giao phó cho trung gian cấp chứng chỉ/chứng nhận thì "tiền trao cháo múc".

Nói đi phải nói lại, mọi thứ chưa như mong muốn nhưng không có nghĩa là "dở toàn tập". Có những hội thảo, hội nghị hay lớp đào tạo nâng cao, chuyên sâu, với giảng viên, báo cáo viên là những bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của nước ngoài, của thế giới ví dụ như về IVF (thụ tinh ống nghiệm), sản phụ khoa, nhi, tim mạch, ung bướu, tai mũi họng và cả răng hàm mặt cũng có chất lượng rất cao, đem đến cho người học những kiến thức, kỹ thuật mới hiện đại, an toàn... Có những hội thảo miễn phí cho các học viên chứ không hẳn là đều "quy ra thóc".

Quá trình tìm hiểu các hội nghị, hội thảo có cấp CME, học phí, kinh phí đào tạo cũng bất nhất. Có những hội nghị, hội thảo được tài trợ, hỗ trợ từ các hãng dược, công ty, doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật tư, sản phẩm tài trợ nhưng kinh phí lại không công khai, minh bạch. Trong khi đó, các công ty, tổ chức xã hội đứng ra tuyển sinh lại thu học phí theo tài khoản cá nhân.

Giới chuyên môn cho rằng đào tạo liên tục với mục tiêu ý nghĩa là nâng cao chất lượng y tế, chuyên môn là cần thiết nhưng làm sao để không bị biến tướng, không lợi ích nhóm đang cần "phương thuốc" hữu hiệu từ các nhà quản lý, hoạch định chiến lược.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-3

Nhìn thực trạng để điều chỉnh

Theo một giảng viên y dược tại TP HCM, Bộ Y tế đưa ra những quy định CME là có lý, giúp điều chỉnh các hoạt động ngày càng tốt hơn. Cần có hàng rào kỹ thuật với các tiêu chuẩn cụ thể, định lượng để thực hiện thay vì quy định chung chung. Nơi nào làm được thì thực hiện hoặc cố gắng làm tốt, nơi nào chưa tốt thì cố gắng thực hiện. "Mong rằng sau khi nhìn thẳng vào thực trạng, sẽ có những điều chỉnh hợp lý để chất và lượng CME ngày càng cao" - giảng viên này nhấn mạnh.

NGỌC DUNG - TIẾN ĐẠT

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tran-lan-dao-tao-y-khoa-lien-tuc-can-ngan-chan-bien-tuong-196240315204554859.htm