Tràn lan tour ngắm cá voi tự phát ở biển Đề Gi

Thời gian qua, hiện tượng con cá voi liên tục xuất hiện ở vùng biển Đề Gi (Bình Định) đã thu hút hàng nghìn du khách hiếu kỳ. Một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức tour ngắm cá voi tự phát ở địa phương này.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chị Đỗ Ngọc Linh (28 tuổi, ở Lê Văn Lương, Hà Nội) cho biết, ngay khi được xem bộ ảnh, video về cá voi ở Đề Gi, chị đã nhanh chóng tụ tập nhóm bạn lên kế hoạch đi vào Bình Định để được trực tiếp ngắm cá voi. "Trước khi đi, tôi đã tham khảo và được biết giá thuê thuyền ra ngắm cá voi là 600.000 đồng/người. Thế nhưng, khi đến Bình Định, tôi và nhóm bạn đã hỏi đến 5 chủ tàu đánh cá thì giá thuê thuyền ra ngắm cá voi là 1,2 triệu đồng/người. Khi chúng tôi thắc mắc là sao giá đắt vậy, thì các chủ tàu giải thích: Giá 600.000 đồng là cách đây 1 tuần", chị Linh kể.

Hiện tại, nhiều ngư dân tại khu vực này đã sử dụng tàu thuyền đánh cá chuyển sang chuyên chở du khách ra vùng biển Đề Gi ngắm cá voi. Mức phí ban đầu là 600.000 đồng/người, nay tăng vọt lên 1,5-2 triệu đồng/người. Tàu sẽ chạy lòng vòng liên tục để tìm kiếm cá voi trong vòng 2 giờ. Nếu thời gian tăng thêm, tùy theo mức phí thỏa thuận giữa chủ tàu và du khách, chi phí sẽ tăng theo.

Cá voi xuất hiện ở biển Đề Gi. Nguồn: Thanh niên

Cá voi xuất hiện ở biển Đề Gi. Nguồn: Thanh niên

Anh Hồ Tuấn Hoàng, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm cho biết, vừa trực tiếp dẫn một đoàn khách đi tour ở Bình Định, anh cũng nhận được yêu cầu phát sinh "đi ngắm cá voi" nên anh đã phải liên hệ với các chủ tàu đánh cá để đưa du khách ra ngắm cá. "Các hoạt động chở du khách ra ngắm cá voi hiện nay chủ yếu là tự phát, do chính cách ngư dân cung cấp dịch vụ, chứ các hãng lữ hành chưa tổ chức các tour này"- anh Hoàng cho hay.

Anh Hoàng nêu vấn đề: Việc các ca nô nhỏ hay các khách du lịch chèo thuyền phao (chèo SUP) hoặc lặn tự do tiếp cận quá gần mẹ con cá voi có thể kích hoạt bản năng tự vệ của cá mẹ, gây nguy hiểm cho khách tham quan. Trong khi đó, các tàu và phương tiện chở khách tiếp cận quá gần cá (ít hơn 20 m) có thể khiến cá voi mẹ và cá voi con rơi vào trạng thái căng thẳng. Nếu kéo dài tình trạng này, mẹ con cá voi có thể bỏ đi khu vực khác hoặc mạo hiểm đi vào các sinh cảnh không phù hợp với chúng chỉ để tránh xa các hoạt động của con người. Trường hợp xấu nhất, nếu bị mắc cạn do căng thẳng và mất phương hướng, kích thích bản năng tự vệ, chúng cũng có thể tấn công du khách.

Theo anh Hoàng, trong khi ở nước ngoài có quy định cho các tour ngắm cá voi thì hiện tại Việt Nam chưa có. Do vậy việc tổ chức tour du lịch xem cá voi tự phát tại vùng biển gần bờ Đề Gi cũng cần được quan tâm.

Theo thông tin, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES) khảo sát thực tế tại khu vực biển Đề Gi để kiểm tra thông tin về cá voi. Đây được xác định là loài cá voi Bryde. Loài này được liệt kê trong Phụ lục 1 của Công ước CITES - cấm buôn bán, vận chuyển quốc tế; Công ước về bảo tồn các loài di cư của động vật hoang dã CMS thuộc danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

H.Y

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tran-lan-tour-ngam-ca-voi-tu-phat-o-bien-de-gi-20220824192048406.htm