Trần Lê Khánh: Tìm tri kỷ trong những câu thơ

Sáng 28-9, một số nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Lê Thiếu Nhơn… đã tụ hội trong không gian Đại học Văn hóa Hà Nội - nơi có nôi đào tạo văn chương một thuở: Viết văn Nguyễn Du để đàm đạo về một gương mặt thơ mới: Nhà thơ Trần Lê Khánh.

Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Trần Lê Khánh sinh ra tại Kim Bôi, Hòa Bình, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, và có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA, Mỹ cấp năm 2004.

Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ ra có năng khiếu sáng tác. Kể từ năm 2015 đến nay thì Trần Lê Khánh tập trung vào việc làm thơ và tham gia vào các hoạt động văn chương nghệ thuật, trong đó chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Các tập thơ đã xuất bản gồm: “Lục bát múa” (2016), “Dòng sông không vội” (2017), “Ngày như chiếc lá” (2018), “Sự bắt đầu của nước” đã được dịch sang tiếng Anh…Và trong lần gặp gỡ mùa thu đầy thi vị tại Hà Nội lần này là giới thiệu ra mắt tập thơ “Xứ”.

 Các tác giả trao đổi, giới thiệu về thơ Trần Lê Khánh (người thứ 3 từ phải sang).

Các tác giả trao đổi, giới thiệu về thơ Trần Lê Khánh (người thứ 3 từ phải sang).

Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát truyền thống, như lời anh chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn những bài thơ khi tôi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác. Cái lớn nhất là cảm xúc của mình, tâm thức của mình khi mình còn ngồi viết được, còn sáng tác được thì có bao nhiêu cái danh xưng, bao nhiêu cái tên gọi thì cũng không thể nào đánh đổi được. Và người làm nghệ sĩ đích thực phải gạt qua tất cả những danh xưng đó”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói rằng: “Trần Lê Khánh là một điều mới mẻ, một tinh thần khác của thơ. Chính vì thế, chẳng có lý do gì mà chúng ta lại từ chối một người Việt yêu thơ. Chúng tôi muốn mời nhà thơ ở mọi miền đất nước để giới thiệu. Nhà thơ Trần Lê Khánh hôm nay xuất hiện có thể là một file trắng trong đầu tất cả những người ngồi đây, vì trước đó có thể rất ít người biết anh. Chúng tôi giới thiệu anh bởi những khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật thi ca”.

Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thơ Trần Lê Khánh tối giản, cô đọng, thơ ngắn, nhưng nó như hạt cây đợi gieo xuống một mảnh đất là bạn đọc – tâm hồn tươi tốt thì cây sẽ mọc lên tươi tốt. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một cái hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc…. Và luôn chứa trong đó một cái phôi mầm triết lý. Trong mỗi “hạt cây thơ’’ ấy là toàn bộ hình ảnh, vẻ đẹp và sự sống của cái cây. Trong sáng tạo, nếu không làm ra sự khác biệt thì đồng nghĩa với cái chết. Sự khác biệt không phải tùy tiện mà nằm trong tự do, nguyên lý cơ bản của sáng tạo nghệ thuật. Thơ Trần Lê Khánh đã làm được điều đó.

“Chúng tôi thật lòng muốn kêu gọi tất cả những nhà thơ, nhà nghiên cứu, bạn đọc hãy mang thơ ca quay trở lại trong đời sống như một nghi lễ để giảm bớt những phiền muộn, đau nhức mà chúng ta đang phải chứng kiến hàng ngày trên những trang mạng điện tử về nhân cách của con người”-Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Tin, ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tran-le-khanh-tim-tri-ky-trong-nhung-cau-tho-592221