CHÀO MỪNG HỘI NGHỊ VĂN HÓA TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2024: Phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

Những năm qua, việc phát huy giá trị của di tích lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu sự đồng bộ giữa các vùng, miền. Vì thế, ngày 22-12-2023, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 34 về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau gần 1 năm thực hiện nghị quyết, bước đầu đã có kết quả tích cực.

Từng bước đưa nghị quyết vào cuộc sống

Nhằm gìn giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, góp phần sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, làm giàu văn hóa truyền thống, khẳng định giá trị, sức sống của di sản thông qua phát triển bền vững các loại hình dịch vụ, du lịch, UBND TP. Nha Trang đã ban hành kế hoạch số 5703, ngày 13-7-2024 về thực hiện Nghị quyết số 34. Theo đó, địa phương sẽ đầu tư, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị tiêu biểu để tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Năm 2025, thành phố phấn đấu 70% xã, phường có câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, nhất là bài chòi, lễ hội cầu ngư, dân ca; tu bổ, phục hồi 11 di tích cấp tỉnh có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó, triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn TP. Nha Trang”, Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên”; tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn các di tích có tiềm năng để đưa vào khai thác du lịch… Đến năm 2027, địa phương sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số; tổ chức các khu triển lãm, trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa của thành phố. Tiến tới năm 2030, trên cơ sở các di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, nâng tầm, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung các sản phẩm du lịch mới mang thương hiệu đặc trưng để góp phần xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Người dân và du khách tham quan, trải nghiệm chương trình "Linh thiêng xứ Trầm" tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar.

Người dân và du khách tham quan, trải nghiệm chương trình "Linh thiêng xứ Trầm" tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 34, huyện Khánh Sơn đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể của đồng bào Raglai; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp); hỗ trợ hoạt động cho 4 đội văn nghệ truyền thống tại các xã, thị trấn; hoàn thành công tác lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền công nhận Di tích khảo cổ học Dốc Gạo… Theo kế hoạch, trong năm 2025, huyện sẽ phục dựng 1 lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch; phấn đấu 50% số thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có đội văn nghệ truyền thống; đăng cai tổ chức liên hoan đàn đá tại huyện Khánh Sơn. “Huyện quyết tâm đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng Nhà trưng bày giới thiệu hiện vật, cổ vật văn hóa để vừa có thêm sản phẩm du lịch vừa giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Cùng với đó, huyện tiếp tục duy trì tổ chức chương trình biểu diễn đàn đá, mã la, các làn điệu dân ca, hát múa dân gian truyền thống tại nhà dài thôn Hòn Dung; duy trì tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, văn nghệ tại trung tâm văn hóa - thể thao các xã, nhà văn hóa, khu thể thao các thôn; thực hiện có hiệu quả công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn. Qua đó, huyện phấn đấu hoàn thành nội dung đưa du lịch văn hóa trở thành một trong các loại hình du lịch chủ đạo của huyện”, ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, trên cơ sở Nghị quyết số 34, các địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để hiện thực hóa các nội dung của nghị quyết vào thực tiễn. Từ đó, dần khắc phục những khó khăn, hạn chế, tạo bước chuyển biến và làm tiền đề để di sản văn hóa thực sự trở thành niềm tự hào, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai Nghị quyết số 34, với những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh phục vụ cho hoạt động du lịch cũng nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Còn rất nhiều việc phải làm

Tỉnh Khánh Hòa có sự hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa của núi rừng - đồng bằng - biển, đảo. Hệ thống các di tích đã được thống kê, xếp hạng mang nét đặc trưng, tiêu biểu, nổi bật về nhiều khía cạnh văn hóa, lịch sử, khoa học, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật không những của tỉnh mà còn của cả nước, như: Di tích khảo cổ địa điểm Hòa Diêm; Khu di tích Tháp Bà Ponagar; Thành cổ Diên Khánh; Lăng Bà Vú; Phủ đường Ninh Hòa; Địa điểm lưu niệm Tàu C235; cụm di tích lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin; quần thể Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết… Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều lễ hội dân gian truyền thống vẫn được người dân tổ chức hàng năm, như: Lễ hội kỳ an tại các đình làng; lễ hội yến sào; lễ hội cầu ngư; lễ hội Tháp Bà Ponagar; lễ bỏ mả của người Raglai. Bên cạnh đó, trong đời sống nhân dân vẫn duy trì và thực hành các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian hát bội, hô hát bài chòi, hò bá trạo, hát kể sử thi Raglai; trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc đàn đá, cồng chiêng, mã la, đàn chapi… Tất cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh đều có thể trở thành những sản phẩm phục vụ tốt cho hoạt động du lịch. Vậy nên, rất cần có những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, đồng bộ để có thể xây dựng, gắn kết và phát huy tiềm năng, giá trị di sản văn hóa với du lịch.

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa giàu bản sắc văn hóa truyền thống; lựa chọn những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh có giá trị nổi bật để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt. Đối với các di vật, cổ vật có giá trị, lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận bảo vật quốc gia.

Cùng với đó, xây dựng phương án bảo tồn đặc trưng văn hóa của cộng đồng, dân tộc; không ngừng tái tạo và lưu truyền các giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác tại cộng đồng; lồng ghép, đưa nội dung giảng dạy về di sản văn hóa của địa phương vào trường học bằng các hình thức, phương pháp phù hợp. Đồng thời nghiên cứu, lựa chọn các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững; xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, sự kiện quan trọng gắn với từng giai đoạn phát triển của tỉnh cũng như vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên đầu tư các dự án về phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh...

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202408/chao-mung-hoi-nghi-van-hoa-tinh-khanh-hoa-nam-2024-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-trongphat-trien-du-lich-be67826/