Trận mưa lũ lịch sử sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc bầu cử Thủ tướng Đức?

Trận mưa lũ lịch sử tại Đức có thể là 'bước ngoặt' quan trọng cho cuộc bầu cử Quốc hội liên bang, dự kiến diễn ra vào ngày 26/9.

Trận lũ lịch sử càn quét qua 5 nước Tây Âu gần đây khiến ít nhất 189 người thiệt mạng và được coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại Đức trong hơn nửa thế kỷ qua.

Mặc dù Đức và các quốc gia láng giềng đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, sự chậm trễ của cơ chế ứng phó thiên tai dưới thời chính quyền Thủ tướng Angela Merkel cũng là một trong những tác nhân chủ đạo dẫn tới thảm họa này.

Điều này được dự báo sẽ đem tới những diễn biến khó lường trong cuộc bầu cử Thủ tướng, dự kiến diễn ra vào tháng Chín tới tại Đức.

Mưa lũ lịch sử ở Đức được xác định là tác động của quá trình biến đổi khí hậu. (Nguồn: CNN)

Mưa lũ lịch sử ở Đức được xác định là tác động của quá trình biến đổi khí hậu. (Nguồn: CNN)

Lợi thế cho đảng Xanh

Sau khi trận lũ xảy ra, hầu hết các chính đảng tại Đức đều đã lên tiếng cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính đằng sau thảm họa khốc liệt này. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất cho đảng Xanh - vốn tập trung vào các vấn đề khí hậu trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.

Ngay tại thời điểm tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, ứng cử viên Thủ tướng của Đảng Xanh Annalena Baerbock đã tạm hoãn kỳ nghỉ của mình và tự lái xe vào tâm lũ mà không dẫn theo phóng viên.

Động thái này có thể chưa đủ để tạo ra bước đột phá trong chiến dịch tranh cử còn mờ nhạt của đảng Xanh.

Tuy nhiên, chính sách tập trung ứng phó biến đổi khí hậu của chính đảng này được đánh giá sẽ tạo lợi thế lớn cho Baerbock cũng như hướng sự chú ý của dư luận khỏi các sai lầm trước đây của bà trong quá trình tranh cử.

Trước đây, ứng cử viên 40 tuổi này đã từng dính vào các nghi án đạo văn, sai sót trong lý lịch cũng như chậm trễ trong việc kê khai thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, những vấn đề về môi trường như sự kiện gần đây tại Đức hoàn toàn có thể đem tới những cơ hội mới cho triển vọng thắng cử của đảng Xanh.

Trước đó, vào năm 2011, thảm họa xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima cũng đã từng giúp chính đảng này giành chiến thắng tuyệt đối trước Liên minh bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel trong cuộc bầu cử tại bang Baden-Württemberg.

Ứng viên Thủ tướng của Liên minh CDU/CSU Armin Laschet và ứng viên Thủ tướng của đảng Xanh Annalena Baerbock. (Nguồn: br.de)

Ứng viên Thủ tướng của Liên minh CDU/CSU Armin Laschet và ứng viên Thủ tướng của đảng Xanh Annalena Baerbock. (Nguồn: br.de)

Thế khó của CDU/CSU

Trong khi đó, sự quan tâm của dư luận Đức đối với vấn đề biến đổi khí hậu có thể đem tới một số bất lợi cho ông Armin Laschet - Thủ hiến bang North-Rhine Westphalia, đồng thời là ứng cử viên của Liên minh Đảng CDU/CSU cầm quyền.

Chính trị gia này đã từng nhiều lần công khai phản đối chính sách của đảng Xanh liên quan tới vấn đề khí hậu vì cho rằng chúng sẽ ảnh hưởng lớn tới vị thế cường quốc công nghiệp của Đức.

Các chuyên gia đánh giá, cuộc cạnh tranh giữa các chính đảng xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu đã đến giai đoạn mấu chốt, trở thành điểm nút đảo ngược tình thế cuộc bầu cử liên bang.

Đây không phải là dấu hiệu tốt cho chiến dịch tranh cử của ông Laschet.

Một cuộc khảo sát từ tờ Der Spiegel ngày 19/7 cho thấy, chỉ có 26% người Đức lựa chọn tin vào khả năng xử lý khủng hoảng của ứng viên Armin Laschet trong trường hợp xảy ra thiên tai. Đây là một con số vô cùng tệ hại đối với ông Laschet trên cương vị Thủ hiến của một trong những bang lớn nhất nước Đức, cũng như trên cương vị ứng cử viên cho chức Thủ tướng.

Ứng phó với cuộc khủng hoảng lần này sẽ là thách thức lớn nhất đối với Liên minh Đảng CDU/CSU.

Bởi lẽ cụm từ “bảo vệ môi trường” hay “biến đổi khí hậu” hiếm khi được xuất hiện trong chiến dịch tranh cử của Liên minh này. Thậm chí, trong nội bộ chính đảng này cũng đã xuất hiện những lo ngại rằng trận lụt này sẽ gây ra những bất đồng lớn về quan điểm giữa các thành viên.

Đứng trước những thách thức như vậy, ông Laschet đã có rất nhiều cố gắng.

Những ngày này, vị chính trị gia đang làm mọi thứ có thể nhằm xây dựng hình ảnh bản thân như một “chiến binh” mạnh mẽ. Ngày 15/7, một ngày sau khi lũ dâng cao, ông Laschet xuất hiện cùng với đôi ủng cao su và lời hứa “sẽ không ai bị bỏ lại”, “lực lượng cứu trợ sẽ sớm có mặt”.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình ngay sau đó, ông Laschet đã khẳng định sẽ không thay đổi chính sách chỉ vì “một ngày như hôm nay”. Câu nói này đã đánh dấu sai lầm đầu tiên của ứng cử viên Thủ tướng này.

Sai lầm thứ hai xảy ra trong chuyến thăm thị trấn Erftstadt ngày 17/7. Trong khi Tổng thống Steinmeier phát biểu với các phóng viên sau chuyến thăm, ông Laschet và một nhóm quan chức đứng sau Tổng thống lại quay sang cười đùa với người bên cạnh.

Những dấu hiệu này cho thấy Liên minh Đảng CDU/CSU của bà Merkel sẽ phải đối mặt với một mùa bầu cử đầy chông gai trước các đối thủ khác.

Dù thống kê hiện tại cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Đức dành cho chính đảng này vẫn khá áp đảo, những bất ngờ lớn vẫn hoàn toàn có khả năng xảy ra một khi công tác khắc phục hậu quả trận lũ hoàn tất.

(theo Financial Times/Der Spiegel)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tran-mua-lu-lich-su-se-anh-huong-nhu-the-nao-toi-cuoc-bau-cu-thu-tuong-duc-152417.html