Trận mưa vào hạ
Sau nhiều ngày nắng hạn, đất khô, lá héo, ruộng đồng nứt nẻ, chiều tối một ngày cuối tháng ba âm lịch bỗng trời nổi cơn giông, gió giật mạnh, sấm chớp ùng oàng, bầu trời rách tươm bởi những tia chớp xanh ngoằn ngoèo lóe sáng.
Bất thình lình một tiếng nổ inh tai nhức óc vang lên, như bom tấn. Dám chắc sét đã đánh gục một cây to nào đó trong làng tôi. Tôi tái mét mặt, chỉ sợ cây dừa vô tội cao ngút trước sân nhà mình cũng bị ông trời trừng phạt. Mưa bắt đầu rơi. Cả làng tôi chìm đắm trong trận mưa đầu mùa, hay còn gọi là trận mưa vào hạ. Mưa xối xả, mưa như trút nước, mưa rào tháo cống. Tôi thích thú lao ra sân tắm mưa, tắm truồng, tắm như thế nó mới sướng. Tôi đứng giữa sân, đắm mình trong mưa, nước mưa rơi xối xả xuống đầu tôi, tóc tôi ướt sũng, nước mưa chảy ròng ròng xuống hai má tôi. Tôi vuốt mặt không kịp. Tôi ngửa mặt lên trời, cho nước mưa rơi thẳng vào mặt, để tôi được cảm nhận tới cùng cái sự sung sướng của tắm mưa. Chưa hết, tôi nằm sấp xuống sân gạch, cho nước mưa tưới khắp tấm lưng trần của tôi, rồi tôi lật ngửa người, cho mưa rơi kêu lộp bộp trên bụng, để tôi được hả lòng hả dạ, rằng mình đang “no mưa”. Tiếp nữa, tôi chạy ra phía cuối sân, nút chặt cống thoát nước lại. Chừng năm phút sau, ông trời ban cho tôi một bể bơi nước mưa miễn phí. Dẫu nước bể bơi này chỉ ngập đến đầu gối của tôi, nhưng cũng đủ cho tôi ngụp, lặn, bơi sấp, bơi ngửa bên trên cái nền gạch vốn chỉ là cái sân phơi thóc thường ngày. Tôi sảng khoái, tôi khoái chí, tôi sung sướng, tôi la, tôi hét om sòm dưới làn mưa đầu mùa mát rượi đang bao phủ làng tôi. Đây là những phút thăng hoa tột đỉnh của tuổi thơ tôi, khi tôi và thiên nhiên, tôi và trời đất hòa quện, quấn quýt nhau. Nước mưa chảy tràn trề, lênh láng, ngập làng xóm, ruộng vườn. Khí trời trở nên mát mẻ, người, vật và cây cối tươi tỉnh hẳn ra, thèm muốn nhiều hơn thường ngày. Chúng tôi vẫn gọi trận mưa đầu mùa là “trận mưa ếch”. Chỉ độ nửa giờ đồng hồ sau trận mưa “lộc trời” này, khắp làng tôi, trong vườn, ngoài ruộng, vang vọng tiếng uôm, tiếng ộp, đó là dàn đồng ca của ếch đực gọi bạn tình. Đó cũng là tín hiệu bảo tôi, hãy đi man ếch, nghĩa là soi đuốc để tìm và bắt ếch (“man ếch” là ngôn ngữ làng tôi, nhiều địa phương người ta gọi là “soi ếch”).
Tôi nhanh nhẩu đeo chiếc giỏ tre vào hông mình, đốt bó đuốc làm bằng nứa và tre khô đã dựng sẵn ở góc bếp từ lâu. Và tôi nhằm những thửa ruộng, nơi vang vọng tiếng ếch đực kêu ộp ộp gọi bạn tình. Tôi soi đuốc, quan sát và tôi lần lượt bắt gặp các đôi ếch đang ôm nhau tại các vũng nước mưa ngoài ruộng. Tôi chỉ việc vung tay chộp lấy những đôi ếch đang say tình, chẳng còn biết trời đất là gì, rồi cho chúng vào giỏ một cách ngon lành. Loài ếch có “phẩm chất” rất đáng nể, đó là, khi đã là bạn tình của nhau thì quyết không rời bỏ nhau. Ngay cả khi phát hiện thấy tôi, con ếch cái vẫn cố sức cõng bạn tình, con ếch đực, trên lưng mình, nhảy choi choi và cùng nhau chạy trốn. Chúng sống chết có nhau, không có chuyện mạnh ai nấy chạy. Bây giờ mường tượng lại, tôi có phần hối hận, nỡ lòng phá hoại cuộc tình đang đỉnh điểm của những đôi “tình nhân ếch” trong đêm hè mát mẻ đầy lãng mạn, những đôi ếch vô tội và vô hại. Người ta nói “trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch”, nhưng với tôi, trong cái đêm mưa đầu mùa, thiên thời địa lợi, chỉ cần một bó đuốc thôi là tôi đã bắt được trên chục con ếch.
Đó là chuyện bình thường hồi xưa, hồi những năm 50 của thế kỷ trước, còn bây giờ có nằm mơ cũng không thể có được, vì còn đâu những con ếch tự nhiên trong môi trường độc hại toàn là thuốc trừ sâu và hóa chất. Thịt ếch đồng, nghĩa là thịt ếch tự nhiên, không phải ếch nuôi, thơm ngon và bổ dưỡng như thế nào thì chắc khỏi kể các bạn cũng biết. Nhất là món ếch xào sả ớt, hoặc ếch om chuối đậu (món mẹ tôi thường nấu và tôi cực thích). Riêng món tủ và ếch xào măng thì dân nhậu nào chả bảo đó là món khoái khẩu đầu bảng, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-nghe/tran-mua-vao-ha/19749.htm