Trận Mỹ - Iran World Cup 2022: Có mang theo căng thẳng chính trị vào sân cỏ?

Lịch sử phức tạp và đầy biến động giữa Mỹ và Iran đã khiến những lần đối đầu thể thao đơn thuần giữa đội tuyển 2 nước trở thành điểm nóng chính trị.

Lịch sử phức tạp khiến các cuộc chạm trán thể thao giữa Mỹ và Iran thường biến thành điểm nóng chính trị. Ảnh minh họa: USA Today

Đầy rẫy biến động

Theo Guardian, lịch sử can thiệp của Mỹ vào Iran trong thế kỷ 20 gắn liền với việc theo đuổi dầu mỏ. Cùng với người Anh, Mỹ đã tác động vào cuộc chính biến năm 1953 ở Iran, phế truất nhà lãnh đạo Iran Mohammad Mosaddegh.

Sau đó, Washington áp đặt lại quyền cai trị của hoàng gia dưới thời quốc vương Iran Mohammad Reza, duy trì quyền kiểm soát các mỏ dầu đồng thời ngả về phía đối thủ của Iran trong khu vực là Ả Rập Saudi.

Sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1978-1979, giới lãnh đạo tôn giáo của Iran trở thành "cái gai" trong mắt của các đời Tổng thống Mỹ. Washington từng viện trợ tài chính cho Iraq trong suốt 8 năm diễn ra chiến tranh Iran - Iraq.

Gần đây hơn, các nỗ lực thiết lập lại quan hệ Mỹ - Iran đã bất thành khi chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Dưới thời chính quyền ông Trump, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AP

Mới nhất, Mỹ công khai đứng về phía những người biểu tình chống chính quyền Tehran. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi chính phủ Iran "chấm dứt đàn áp phụ nữ và cho phép các hoạt động biểu tình ôn hòa".

Động thái của Washington liên quan tới làn sóng biểu tình ở Iran nổ ra hồi tháng 9, sau sự kiện một phụ nữ người Kurd gốc Iran tên Mahsa Amini tử vong trong lúc bị cảnh sát giam giữ với lý do được cho là ăn mặc không phù hợp.

Theo Guardian, hơn 450 người đã thiệt mạng và khoảng 18.000 người bị bắt giữ. Làn sóng biểu tình cũng lan tới Qatar khi đội tuyển bóng đá nam Iran không hát quốc ca trong trận gặp tuyển Anh để ủng hộ người biểu tình.

Vài ngày trước trận đấu giữa đội tuyển bóng đá của hai nước tại World Cup 2022, tài khoản Instagram chính thức của đội tuyển quốc gia Mỹ đăng thông tin xếp hạng của bảng đấu, trong đó hình quốc kỳ của Iran bị chỉnh sửa, bỏ đi phần quốc huy.

Hành động này đã thổi bùng căng thẳng giữa hai bên, khiến các nhà chức trách Iran bất bình.

Truyền thông Iran cho biết, Liên đoàn World Cup 2022 và chịu án treo giò 10 trận.

Lá cờ sau đó đã bị xóa khỏi bài đăng, HLV trưởng đội tuyển Mỹ, ông Gregg Berhalter, đã xin lỗi và nói rằng hành động đăng cờ chỉnh sửa là của Liên đoàn bóng đá Mỹ và đội bóng không hề biết. Ông Berhalter cũng nói chính trị sẽ không tham gia vào trận đấu giữa 2 đội.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, lịch sử kình địch giữa hai nước cũng như những căng thẳng bên ngoài sân cỏ gần đây sẽ khó mà không ảnh hưởng đến tâm lý cầu thủ của hai đội khi thi đấu. Phía Iran cũng không đưa ra phát ngôn giống như HLV trưởng đội tuyển Mỹ.

"Thủ lĩnh tóc bạc" nóng tính của Iran muốn tiễn tuyển Mỹ về nước

Ông Carlos Queiroz - huấn luyện viên trưởng đội tuyển Iran. Ảnh: Zuma Press

Nhật báo Phố Wall ngày 27/11 đưa tin, Carlos Queiroz - một trong những huấn luyện viên "máu lửa" bậc nhất ở World Cup 2022 - có thể khiến tuyển Mỹ phải nói lời tạm biệt với vòng 16 đội ở World Cup năm nay.

Trong lần ĐT Mỹ gặp Iran tại World Cup 1998 ở Pháp, tuyển Iran được cho là mang theo cả ý chí chính trị vào trận đấu.

Lần này, "sâu trong các phòng họp của khách sạn Al Rayyan, đội tuyển Iran đang nung nấu kế hoạch để tiễn đội tuyển Mỹ về nước sớm ở World Cup 2022", tờ báo Mỹ viết.

Ông Queiroz, 69 tuổi, người Bồ Đào Nha, là một trong những huấn luyện viên nổi tiếng là nóng tính ở World Cup 2022.

Các cuộc họp báo của huấn luyện viên 69 tuổi ở World Cup 2022 thường rất sôi nổi, thậm chí là căng thẳng. Gần đây, ông Queiroz đã hỏi vặn lại một phóng viên BBC rằng vì sao báo chí không "chất vấn" các huấn luyện viên khác về vấn đề chính trị mà chỉ hỏi huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Iran.

Ông Queiroz hỏi ngược lại phóng viên khi bị đặt câu hỏi liên quan đến chính trị. Ảnh: Guardian

Mới đây, ông Queiroz cũng có màn đáp trả gay gắt trước bình luận mang tính chỉ trích của một quan chức FIFA về cách chơi của đội tuyển Iran.

Phát biểu sau trận thắng của Iran trước Xứ Wales ngày 25/11, ông Jurgen Klinsmann - cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đức và hiện là quan chức thuộc đội ngũ kỹ thuật của FIFA - cho rằng, các cầu thủ của Iran có hành động “phi thể thao” với trọng tài.

“Ông Carlos Queiroz rất phù hợp với đội tuyển quốc gia Iran và văn hóa của họ. Cách đội tuyển Iran thể hiện trên sân không phải ngẫu nhiên mà là một phần văn hóa của họ. Họ liên tục làm phiền, gây sức ép cho trọng tài”, ông Klinsmann nói.

Ông Queiroz (trái) có màn đáp trả gay gắt sau bình luận của ông Jurgen Klinsmann - một quan chức thuộc đội ngũ kỹ thuật của FIFA. Ảnh: NRK Sport

Đáp trả, ông Queiroz ngày 27/11 viết trên mạng xã hội: “Dù tôi có tôn trọng những gì ông từng làm trên sân tới mức nào, thì những bình luận của ông về văn hóa, về đội tuyển Iran và các cầu thủ của tôi cũng là nỗi hổ thẹn với bóng đá. Ngoài ra, tôi cũng muốn mời ông Klinsmann tới khu vực luyện tập của đội tuyển Iran để tìm hiểu về văn hóa cũng như nói chuyện với các cầu thủ Iran. Nhưng trước khi tới thăm chúng tôi, ông nên từ chức”.

Sự thẳng thắn và quyết liệt của Queiroz được áp dụng vào cách chơi của đội tuyển Iran, theo nhật báo Phố Wall. Trong 2 nhiệm kỳ dưới sự dẫn dắt của Queiroz (2011-2019, và từ tháng 9/2022 đến nay), đội tuyển Iran nổi tiếng là đội có lối chơi khó chịu. Các hậu vệ không chịu nhường đối thủ một phân, dù cho họ đang có bóng hay không. Sự áp sát không ngừng nghỉ cùng thể lực sung mãn của Iran có thể khiến các đối thủ phải "phát điên".

Năm 2010, khi là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Bồ Đào Nha, ông Queiroz thậm chí còn chỉ trích các quan chức chống doping nước này vì làm gián đoạn buổi tập của đội tuyển.

“Carlos Queiroz - thủ lĩnh tóc bạc của Iran - là bậc thầy của nghệ thuật phòng ngự, sự chuẩn bị sáng tạo và những pha phản công bất ngờ”, nhật báo Phố Wall ca ngợi. Ông ấy đang xác định những điểm yếu của đội tuyển Mỹ và chuẩn bị mọi thứ để các cầu thủ Iran đứng vững trước các đợt tấn công. Rạng sáng 30/11 (giờ Việt Nam), đội tuyển Iran và đội tuyển Mỹ sẽ đối đầu nhau trong trận cầu mà người Mỹ buộc phải thắng nếu muốn vào vòng 1/8.

Nguyễn Thái - Wall Strett Journal

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tran-my-iran-world-cup-2022-co-mang-theo-cang-thang-chinh-tri-vao-san-co-a583131.html