Trần Phong Sắc - Kỳ nhân đất Tân An xưa
Trần Phong Sắc - nhà văn hóa, nghệ nhân dân gian từng được các sách, báo ca ngợi, tôn gọi là 'Kỳ nhân đất Tân An xưa'. Ông là người yêu nước, không phải bằng những hoạt động đấu tranh quyết liệt mà bằng việc dạy học, viết sách. Tên của ông được đặt cho một tuyến đường ở trung tâm TP.Tân An, tỉnh Long An.
Đôi nét về xuất thân
Ông Trần Phong Sắc sinh năm 1873 và mất năm 1928, hưởng dương 55 tuổi. Ông người làng Bình Lập, nay thuộc TP.Tân An. Cha ông là Trần Văn Mẹo, thuộc một dòng học lớn ở Gò Công; mẹ ông là Nguyễn Thị Cẩn, người hay chữ từng mở lớp dạy học chữ Nho cho trẻ em trong vùng, do vậy mà vốn kiến thức Nho học uyên thâm của ông được học từ mẹ.
Trần Phong Sắc là nhà giáo, dạy môn Luân lý và Hán văn tại Trường Tiểu học Tân An. Ông sinh ra giữa buổi giao thời trong xã hội Nam kỳ, khi mà hệ thống giáo dục Nho học đang tàn lụi dần và Tây học đang hình thành, phát triển. Ông chịu ảnh hưởng của hai nguồn tư tưởng Nho học và Tây học. Sự hiểu biết, thông thái đã thúc đẩy sự nghiệp của ông thăng hoa hơn.
Trần Phong Sắc là một trong những trí thức có công đầu trong vận động phát triển văn hóa, văn học theo hướng bảo tồn truyền thống dân tộc. Những đóng góp của ông là vô cùng to lớn. Số lượng các tác phẩm văn thơ, dịch thuật, tuồng tích, bài ca tài tử,... rất nhiều, nhưng một thế kỷ trôi qua, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về kho tàng văn học của ông để vinh danh xứng đáng.
Sự nghiệp văn học
Trần Phong Sắc bắt đầu sự nghiệp văn chương khi cộng tác với các tờ báo: Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn,... Ông có rất nhiều bài viết, thơ ca, dịch cổ văn đăng trên các báo. Tác phẩm đầu tay của ông là tập thơ tài tử Bình San Lãnh Yến toàn ca, xuất bản năm 1904. Bộ truyện Trung Hoa của Trần Phong Sắc dịch có quy mô đồ sộ nhất là Phong Thần diễn nghĩa, xuất bản năm 1906, gồm 17 hồi, 848 trang. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của ông xuất bản và được đông đảo độc giả yêu thích. Tác phẩm của Trần Phong Sắc thuộc nhiều lĩnh vực: Sưu tầm, phiên âm, dịch thuật, sáng tác với nhiều thể loại: Thơ phú, truyện thơ, văn tế, tiểu phẩm, luận thuyết, truyện ký, truyện kiếm hiệp, tuồng, luân lý, khoa học tự nhiên.
Trần Phong Sắc đã tạo được cho mình một sự nghiệp văn chương khá đồ sộ, khẳng định tên tuổi trên văn đàn Nam bộ đầu thế kỷ XX. Các tác phẩm văn học của Trần Phong Sắc không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của độc giả mà ảnh hưởng của chúng đã góp phần hình thành một nhân sinh quan, lối sống thể hiện luân lý của người dân Nam bộ cách đây hơn 100 năm qua các câu châm ngôn: Trọng nghĩa khinh tài, Hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly. Đồng thời, qua các tác phẩm của ông, hình ảnh và tính cách nhân vật trong truyện đã góp phần làm giàu tiếng Việt, như nói đa nghi như Tào Tháo, xấu như Chung Vô Diệm, đa mưu như Khổng Minh,...
Trần Phong Sắc là nhà văn có biệt tài dịch thuật. Câu văn của ông vừa cân đối, trôi chảy, vừa bóng bẩy văn hoa, vì ông có nền học vấn Hán văn vững chắc cùng một tâm hồn thi sĩ. Ông có lối hành văn giản dị, trôi chảy, thích hợp với tâm lý người đọc lúc bấy giờ, thỉnh thoảng có xen đôi câu thơ ngắn mang tính chất bình luận hay tóm tắt nội dung cốt truyện. Các truyện dịch của Trần Phong Sắc dù nói về đề tài lịch sử hay xã hội, chuyện tình cảm hay chiến tranh đều có một điểm chung là ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của con người. Kết thúc bao giờ cũng là hình phạt thích đáng cho những kẻ gian tà, độc ác và vinh quang, hạnh phúc cho những người chính trực, anh hùng.
Trần Phong Sắc còn soạn tuồng cải lương. Nhiều vở tuồng được ông soạn dựa vào tiểu thuyết Trung Hoa sau khi đã dịch. Nhân vật, sự kiện, tình tiết của tiểu thuyết được ông tái tạo thành những vở tuồng sinh động, phù hợp với tâm lý và thị hiếu của độc giả trong nước. Công chúng nhiệt liệt đón nhận các bộ sách dịch lại hân hoan thưởng thức những vở tuồng đặc sắc. Trong đó, có thể kể đến
một số vở tuồng rút từ lịch sử và tiểu thuyết Trung Hoa tiêu biểu như Tiết Đinh San chinh Tây, Phụng Kiều Lý Đáng, Tiết Nhơn Quí quy tiên, Tam khí Phàn Lê Huê, Nguyệt Kiều xuất gia, Đắc Kỷ nhập cung, Quan Công thất thủ Hạ Bì,...
Hầu hết tuồng cải lương của Trần Phong Sắc đều có các tình tiết gay cấn, hấp dẫn. Cũng như các truyện dịch, tuồng hát của Trần Phong Sắc có nhiều biến đổi trong ngôn ngữ, cử chỉ của nhân vật, đặc biệt ở những tuồng cải lương thì đặc điểm này còn thể hiện rõ nét hơn. Nghệ thuật sân khấu cải lương của Trần Phong Sắc nổi nhất là góc độ sử dụng ngôn từ, góp phần hoàn chỉnh hơn văn nghiệp của ông.
Với số lượng tác phẩm nhiều và chất lượng, giới phê bình văn học những năm 20-30 của thế kỷ trước xem ông là một trong những thầy tuồng có công lớn trong việc hình thành nên nghệ thuật sân khấu truyền thống và hiện đại ở Nam kỳ.
Trần Phong Sắc còn được biết đến với vai trò là nhà soạn sách luân lý và giáo dục: Nữ trung bá hạnh, Sĩ hữu bá hạnh, Ấu viên tất độc. Sách Thiện nghi toát yếu của ông có một giá trị to lớn khi được Thống đốc Nam kỳ ra thông tri cho phép dùng làm sách giáo khoa trong bậc tiểu học toàn bộ Nam kỳ. Sách do ông sáng tác là tập hợp tất cả bài học, những điều cần biết, cần làm trong suốt cuộc đời, từng việc hệ trọng nhất như cách ăn, ở, cư xử,... để dẫn chứng cho các bài dạy môn Luân lý của mình.
Sách Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập II về Văn học - Báo chí - Giáo dục đã thống kê tác giả Trần Phong Sắc có 59 tác phẩm đủ các đề tài, thể loại đã được xuất bản tại Sài Gòn và Nam bộ từ năm 1886 đến năm 1930.
Có nhiều lý do khác nhau mà đến nay, các tác phẩm của ông bị thất lạc rất nhiều, ngay cả gia đình của ông cũng không giữ được. Trần Phong Sắc đã có những đóng góp to lớn vào lĩnh vực văn học - nghệ thuật nước nhà cả về số lượng tác phẩm, lĩnh vực sáng tác, thể loại sáng tác và phạm vi ảnh hưởng, xứng đáng có một giá trị cao trong văn học sử Việt Nam.
Sự nghiệp văn nghệ dân gian
Tỉnh Long An ngày nay bao gồm cả địa bàn rộng lớn thuộc 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn xưa. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai phì nhiêu, giàu tiềm năng, giao thông thủy, bộ kết nối giữa 2 miền Đông và Tây Nam bộ, lại có ưu thế đặc biệt là ở ngay trung tâm kinh tế - văn hóa của Nam bộ (Chợ Lớn - Sài Gòn). Vì vậy, phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) ở đây hình thành khá sớm và phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, là nơi quy tụ nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ lừng danh từ khắp nơi đổ về.
Căn cứ vào nội dung ca từ của những bài bản xưa nhất được in ấn lưu truyền trong dân gian, kể cả các bản vắn, bản dài, phần lớn đều xuất xứ từ các thể loại văn học “thơ tuồng truyện tích”. Những bậc tiền bối sáng tạo ca từ cho phong trào ĐCTT thuộc thành phần văn nhân, trí thức, thi sĩ,... Điểm nổi bật ở khu vực này là không chỉ có đội ngũ nhạc công mà còn có những người soạn sách dạy nhạc. Tập sách Cầm ca tân điệu do Lê Văn Tiếng (tục gọi là Cử Thiện, quê Thủ Thừa) diễn cầm và Trần Phong Sắc (Tân An) diễn ca. Cầm ca tân điệu được gọi là sách giáo khoa, trong thực tế có tác dụng quan trọng đối với học tập, trau dồi nghề nghiệp của nhiều nhạc công và diễn viên khắp vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và cả Nam bộ suốt từ khi sách ra đời mãi đến những năm gần đây.
Sở dĩ các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công thời đó nổi danh là nhờ những người như Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc. Đây là những người đặt lời cho các bài ca cổ điển như Ngũ đối hạ, Long đăng, Vạn giá,... Cuốn sách Cầm ca tân điệu được coi như một bộ sưu tập khá đầy đủ các bản đờn cùng lời ca ở giai đoạn phôi thai, trong đó, Trần Phong Sắc đặt lời ca cho nhiều bài bản: Dạ cổ Hoài Lang (tiền thân bản Vọng cổ), Khổng Minh tọa lầu, Cửu khúc Giang nam, Văn Thiên Tường, Lưu thủy hành vân, Long Hổ Hội, Xuân tình, Tứ đại cảnh, Tứ đại oán, Tây Thi, Cổ bản, Bài Tạ,...
Các sách sưu tầm bài bản ĐCTT Nam bộ ra đời từ trước năm 1925 của một số tác giả thì không một quyển sách nào được phân loại hơi, điệu, nhịp điệu, lớp lang một cách rành mạch. Cuốn sách Cầm ca tân điệu mà nghệ nhân Lê Văn Tiếng biên soạn phần nhạc và nhà giáo, nhà văn kiêm soạn giả Trần Phong Sắc soạn lời, do nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết tại Sài Gòn xuất bản năm 1926, đã tập hợp được tất cả yêu cầu của giới mộ điệu khắp Nam bộ và cả nước, trở thành cuốn sách nghiệp vụ “gối đầu giường” của giới ĐCTT lúc bấy giờ.
Cầm ca tân điệu bao gồm 20 bản Tổ tiêu biểu của ĐCTT Nam bộ được giới hậu bối tôn vinh. 20 bản Tổ gồm 6 bản Bắc, 7 bản Bắc Lễ, 3 bản Nam và 4 bản Oán. Trong đó:
- 6 bản Bắc gồm: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Xuân tình chấn, Bình bán chấn, Tây Thi vắn, Cổ bản vắn.
- 7 bản Bắc Lễ gồm: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.
- 3 bản Nam gồm: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung.
- 4 bản Oán gồm: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu.
Từ đó trở đi, quyển sách có vai trò nền tảng cơ bản để các thế hệ hậu bối vừa luyện tập, vừa sáng tác bổ sung ngày càng hoàn thiện danh mục bài bản âm nhạc ĐCTT. Ngày nay, ĐCTT Nam bộ không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng, trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần thường nhật trong đời sống cộng đồng người Việt, không chỉ ở Nam bộ mà lan tỏa cả trong nước lẫn nước ngoài.
Những ca từ trong ĐCTT của ông đã góp phần rất lớn trong tiến trình phát triển Quốc ngữ và văn chương ở Nam bộ. Riêng quyển sách Cầm ca tân điệu, xét cả nội dung và hình thức nghệ thuật, có thể xem đây là dấu mốc quan trọng của sự định hình và phát triển một loại hình nghệ thuật dân tộc vừa đậm nét dân gian, vừa có tính “hàn lâm, bác học” mà đến năm 2013, Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với sự cống hiến tài năng, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo tồn giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và sân khấu cải lương, ông Trần Phong Sắc xứng đáng được xã hội tôn vinh. Ông đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cùng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam với những cống hiến xuất sắc trong thực hành và truyền dạy ĐCTT và cải lương Nam bộ, theo Quyết định số 06/QĐKT-VNDG, ngày 12/12/2022./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tran-phong-sac-ky-nhan-dat-tan-an-xua-a150621.html