Trân quý giá trị của độc lập, tự do

Các thế hệ người con đất Việt luôn trân quý giá trị của độc lập, tự do, như lời kêu gọi bất hủ của Bác Hồ: 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do'.

Cựu chiến binh (CCB) Đinh Văn Thị (93 tuổi), ở xã Long Sơn (Minh Long) kể, năm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi được 14 tuổi, đã hiểu được phần nào ý nghĩa của hai chữ Độc lập. Sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng, tôi cùng với Đinh Thị Hường (sau này là vợ ông, hiện đã 84 tuổi - PV) đi theo cách mạng. Chúng tôi được ông Võ Loan, chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật do Đảng phân công về xã Long Sơn dìu dắt, giúp đỡ. Năm 1957, địch bắt ông Võ Loan, đồng thời vây ráp bắt những người có liên quan, trong đó có tôi. Sau 1 năm bị địch bắt tù đày, tôi trở về và tiếp tục gia nhập đơn vị 299 đóng quân ở xã Long Môn (Minh Long), tham gia kháng chiến trên khắp các chiến trường trong tỉnh. "Chiến trường ác liệt, nhưng cứ đến ngày 2/9, anh em trong đơn vị lại tổ chức vui tết Độc lập, bữa tiệc chỉ dăm củ khoai, ít lương khô nhưng ai cũng vui. Càng vui, mọi người càng khát khao được độc lập", ông Thị hồi tưởng.

Vợ chồng cựu chiến binh Đinh Văn Thị (93 tuổi) ở xã Long Sơn (Minh Long). Ảnh: M.HOA

Vợ chồng cựu chiến binh Đinh Văn Thị (93 tuổi) ở xã Long Sơn (Minh Long). Ảnh: M.HOA

Cũng như ông Thị, CCB Trần Văn Lân (92 tuổi), ở thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) nhớ mãi ký ức đón Tết Độc lập ở chiến trường, đặc biệt là những năm tháng hoạt động cách mạng trên đất Bắc (từ năm 1948 - 1960). Ông Lân kể, tôi tập kết ra Bắc từ tháng 7/1948, khi ấy tôi 16 tuổi. Tháng 9/1948 là năm đầu tiên tôi đón tết Độc lập với anh em đơn vị và người dân đất Bắc.

Người dân treo cờ, làm băng rôn, truyền nhau nội dung Bản Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ đã đọc... Anh em bộ đội thì chế pháo sáng, còn các cháu nhỏ tay cầm cờ, miệng hát vang: “Bác Hồ đuốc sáng toàn dân. Vui ca chúc thọ Bác luôn sống hoài...”. Khát khao giành độc lập cho dân tộc đã tiếp sức mạnh tinh thần để cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, chiến đấu giành thắng lợi.

Sau ngày đất nước thống nhất, CCB Đinh Văn Thị cùng vợ, cũng là đồng đội trong kháng chiến là bà Đinh Thị Hường, trở về quê hương, xây dựng cuộc sống mới. Dù thân thể không còn lành lặn, nhưng ông Thị - bà Hường vẫn gắng sức khai hoang ruộng đồng, phủ xanh đất đồi để nuôi 14 người con, trong đó có 8 người con nuôi.

Ông Thị tâm sự, trong cuộc chiến sinh tử, nhiều đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi nằm lại trên khắp các chiến trường, để lại mẹ già, vợ góa, con côi. Bản thân vợ chồng tôi cũng mồ côi từ nhỏ, nên chẳng đành lòng nhìn những đứa trẻ côi cút, bơ vơ không nơi nương tựa. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi bàn nhau, con đến với mình là duyên phận nên cứ đón nhận, yêu thương bảo bọc, có gì ăn nấy. Con đông, vất vả, khó khăn trăm bề nhưng ông Thị - bà Hường vẫn gồng gánh vượt qua, nuôi 14 người con khôn lớn trưởng thành, từ Đinh Rèn, Đinh Núp, Đinh Mô, Đinh Băng, Đinh Thị Xoa, Đinh Thị Trùn, Đinh Thị Bía, Đinh Thị Dút... Mỗi dịp lễ, Tết, nhất là tết Độc lập và tết Nguyên đán, con cháu tề tựu, căn nhà ông Thị - bà Hường lại rộn rã tiếng cười.

Đại diện hội những người con kháng chiến ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) thăm hỏi, chuyện trò cùng cựu chiến binh Trần Văn Lân (bìa phải), ở thôn Xuân Đình (Hành Thịnh) trước thềm tết Độc lập 2/9/2024. Ảnh: M.HOA

Đại diện hội những người con kháng chiến ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) thăm hỏi, chuyện trò cùng cựu chiến binh Trần Văn Lân (bìa phải), ở thôn Xuân Đình (Hành Thịnh) trước thềm tết Độc lập 2/9/2024. Ảnh: M.HOA

Với những CCB, người tham gia cách mạng... ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), tinh thần, ý chí của tết Độc lập như ngọn lửa cháy mãi, soi sáng suốt những năm tháng chiến đấu đến tận bây giờ. Để rồi mỗi dịp đến tết Độc lập, họ lại quây quần bên nhau, kể chuyện kháng chiến, nhớ về những cái tết Độc lập vui vẻ, lạc quan ở chiến trường, dù “mâm cỗ” chỉ là cháo nấu từ lương khô, thêm dăm củ măng, ít rau rừng. Họ cùng nhau tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, rồi động viên nhau nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Cựu chiến binh Trần Văn Có chia sẻ, dù sinh sống, làm việc ở nhiều nơi nhưng những người từng tham gia kháng chiến ở xã Hành Thịnh vẫn luôn giữ trọn tình với đồng đội, quê hương. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhiều năm nay, những người con kháng chiến ở xã Hành Thịnh đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để giúp nhau phát triển kinh tế; thăm hỏi, động viên CCB lúc ốm đau, hoạn nạn, từ trần; làm giỗ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ của xã vào dịp tết Nguyên đán hàng năm.

Ở thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), các gia đình gắn bảng với dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" ngay trên cửa chính ra, vào nhà. Đây không đơn thuần chỉ là khẩu hiệu, mà đó còn là lời nguyện ước được sống trong hòa bình, là lời nhắc nhở, răn dạy của các gia đình đối với thế hệ con cháu về giá trị của độc lập, tự do.

Chỉ lên bảng khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do" gắn trang trọng trước cửa chính, bà Phạm Thị Mỹ Dung, ở thôn Phú Thành, Tịnh Trà cho biết, cũng như bao gia đình khác trong thôn, khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do" được gia đình tôi gắn trước cửa nhà lâu lắm rồi, hỏng cái này thì thay cái khác. Việc này nhằm nhắc nhở mọi người rằng có được độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay phải nhớ ơn công lao của thế hệ cha ông đã ngã xuống. Đồng thời, giúp con cháu hiểu được truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, đất nước.

Còn bà Huỳnh Thị Ánh (75 tuổi) bảo, xưa kia đói khổ, bị giặc Pháp, Mỹ dội bom, chiến tranh tàn phá, hy sinh, mất mát không sao kể hết. Ngày nay được sống trong hòa bình, con cháu phải nhớ, phải gìn giữ và quý trọng giá trị của độc lập. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà quê hương, đất nước mới được hòa bình, độc lập, tự do như ngày hôm nay.

Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được gia đình ông Nguyễn Ngọc Lực, Trưởng thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) gắn trước cửa chính của ngôi nhà. Ảnh: BÁ SƠN

Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được gia đình ông Nguyễn Ngọc Lực, Trưởng thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) gắn trước cửa chính của ngôi nhà. Ảnh: BÁ SƠN

Trưởng thôn Phú Thành Nguyễn Ngọc Lực cho biết, trước đây, nhiều gia đình trong thôn tự mua các bảng hiệu có dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do" về gắn ở cửa nhà. Do chất liệu làm bằng tôn mỏng, qua thời gian bị rỉ sét, mất thẩm mỹ. Vậy nên cách đây 2 năm, thôn họp bàn trích quỹ để mua các bảng khẩu hiệu phát cho người dân. Thôn đã đưa ra nhiều câu khẩu hiệu để người dân chọn. Qua lấy ý kiến thì đa phần các hộ dân chọn khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” in trên chất liệu mica. Hiện nay, 100% nhà dân trong thôn đều gắn khẩu hiệu này.

Còn ở thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà, đa phần các hộ dân chọn khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” để gắn phía trên cửa chính của ngôi nhà. “Việc gắn khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” là để nhắc nhở con cháu phải luôn ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết ơn và tri ân công lao của các thế hệ cha ông đi trước, từ đó ra sức học hành, chăm lo phát triển kinh tế, không ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh để vươn lên trong cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Cảm, ở thôn Khánh Mỹ, chia sẻ.

Mỗi năm luôn có một ngày thật đặc biệt và ý nghĩa đối với tất cả người dân Việt Nam, đó là Ngày Quốc khánh, còn gọi là tết Độc lập. Vào ngày này, mỗi người dân đều có chung niềm cảm xúc thiêng liêng, tự hào.

Gần 100 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, cụ La Quang Chiến, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), luôn sôi nổi khi nhắc về tết Độc lập. Cụ Chiến bồi hồi nhớ lại, ngày 2/9/1945, tuy không được trực tiếp nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, nhưng tôi thấm thía từng câu, từng chữ trong Tuyên ngôn Độc lập. Bản Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn lập quốc vĩ đại. Tôi và mỗi người dân lúc bấy giờ, ai nấy đều rất vui mừng, hạnh phúc vì dân tộc đã thoát khỏi ách nô lệ, đất nước được độc lập.

Gần 79 năm trước, chàng thanh niên La Quang Chiến đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Ông đã tham gia các hoạt động treo cờ, làm băng rôn tuyên truyền ngày Quốc khánh, truyền nhau nội dung bản Tuyên ngôn độc lập Bác Hồ đã đọc... Là một người lính đi qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt, cụ Chiến hiểu rõ giá trị quý giá của độc lập và hòa bình hôm nay. “Tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu trong gia đình phải luôn ghi nhớ và biết ơn sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc”, cụ Chiến bộc bạch.

Ông La Quang Chiến, lão thành cách mạng, với hơn 70 năm tuổi Đảng hồi ức lại ngày Tết Độc lập và xem lại những hình ảnh tư liệu. Ảnh: KIM NGÂN

Ông La Quang Chiến, lão thành cách mạng, với hơn 70 năm tuổi Đảng hồi ức lại ngày Tết Độc lập và xem lại những hình ảnh tư liệu. Ảnh: KIM NGÂN

Cụ Nguyễn Huy Hoàng (92 tuổi), hiện đang sinh sống tại tỉnh Hưng Yên, nhưng dịp tết Độc lập năm nay, cụ về thăm lại quê hương Quảng Ngãi, gặp gỡ người thân sau nhiều năm xa cách. Ngày 2/9/1945, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ông Hoàng là cậu thiếu niên 13 tuổi. Ông vẫn nhớ như in khoảnh khắc sáng hôm ấy, người dân TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) dậy rất sớm, cờ đỏ sao vàng rợp trời, mọi người hô vang khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm, độc lập, tự do muôn năm, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!”.

“Khó có thể diễn tả hết được niềm vui, hạnh phúc của tôi cũng như mọi người khi nước ta giành được độc lập. Sau năm 1945, tôi trở thành bộ đội, cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi sinh sống và làm việc tại miền Bắc. Giờ về lại quê hương sau bao nhiêu năm xa cách, trong tôi luôn bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ về thời khắc này. Tôi luôn nhắc con cháu về nguồn cội, về giá trị của hòa bình, về lịch sử hào hùng của dân tộc”, cụ Hoàng bộc bạch.

Năm nay, ngày Tết Độc lập đối với cựu chiến binh Trần Ngọc Nhung (70 tuổi), ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), thêm ý nghĩa khi con cháu xa quê tụ họp đông đủ, ngôi nhà đầy ắp tiếng cười đoàn viên. Ông Nhung bày tỏ, những ngày này, từ thôn quê tới thành thị, nhà nhà đều treo cờ đỏ sao vàng bằng niềm hân hoan, sự hãnh diện, lòng tự tôn dân tộc. Ngày tết Độc lập như nhắc nhở gia đình tôi những giá trị cao quý, thiêng liêng về độc lập, tự do, hạnh phúc.

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày, là điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, gặp gỡ bạn bè, người thân. Bên cạnh những mâm cơm đoàn viên, nhiều gia đình trẻ chọn đến các di tích lịch sử để trải nghiệm. “Tết Độc lập năm nay, gia đình tôi chọn đến Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số di tích lịch sử trong tỉnh. Tôi muốn cho các con của mình được tìm hiểu về lịch sử hào hùng của đất nước. Từ đó, biết ơn thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc”, chị Trần Thị Kim Thoa, ở phường Trần Phú (TP. Quảng Ngãi), chia sẻ.

MỸ HOA - BÁ SƠN - TRÍ PHONG

Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202409/tran-quy-gia-tri-cua-doc-lap-tu-do-fc83881/