Trận sốt hơn một tháng giúp người đàn ông phát hiện bệnh hiếm

Sốt cao liên tục trong một tháng, người đàn ông được chẩn đoán mắc nấm phổi – căn bệnh hiếm gặp nhưng có nguy cơ đe dọa tính mạng lên đến 70%.

 Bác sĩ khám cho người đàn ông bị nấm phổi. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ khám cho người đàn ông bị nấm phổi. Ảnh: BVCC.

Ông L.V.T. (57 tuổi, ở Hạ Hòa, Phú Thọ) được đưa đến khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trong tình trạng sốt cao, ho, tức ngực, biếng ăn, cơ thể suy nhược gầy yếu.

Người bệnh cho biết khoảng một tháng trước, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho và sốt. Dù đã thăm khám và điều trị tại nhiều cơ sở y tế, tình trạng vẫn không cải thiện. Các bác sĩ cũng không xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Khi các triệu chứng ngày càng trở nặng, ông quyết định đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục kiểm tra và điều trị.

Bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính, nội soi khí phế quản lấy dịch làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy người bệnh bị nhiễm nấm phổi, một bệnh lý không phổ biến nhưng có tỷ lệ không qua khỏi cao nếu không được điều trị đúng cách.

Người bệnh được chỉ định dùng thuốc kháng nấm. Sau một tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của người đàn ông có sự cải thiện rõ rệt: hết sốt, đỡ ho, cơ thể bớt mệt mỏi và có thể ăn uống trở lại. Hiện ông được tiếp tục theo dõi và điều trị để kiểm soát hoàn toàn bệnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Lý, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nấm phổi là bệnh lý nguy hiểm dù tỷ lệ mắc không cao, chỉ chiếm khoảng 0,02% trong các bệnh lý về phổi. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ không qua khỏi có thể lên tới 70%.

Một số chủng nấm thường gây bệnh nấm phổi là Candida, Aspergillus, Cryptococcus, với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với viêm phổi thông thường như sốt kéo dài, ho khạc đờm, đau tức ngực, sút cân và suy nhược cơ thể. Do đó, người bệnh cần được thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu để có kết luận chính xác.

Việc điều trị nấm phổi cũng không đơn giản, đòi hỏi thời gian kéo dài. Người bệnh thường phải trải qua giai đoạn điều trị cấp tính khoảng ba tuần, sau đó tiếp tục duy trì thuốc trong vòng sáu tháng để kiểm soát hoàn toàn bệnh.

Bác sĩ Lý khuyến cáo khi có các triệu chứng bất thường về hô hấp, đặc biệt là sốt và ho không rõ nguyên nhân, người dân nên đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng, gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tran-sot-hon-mot-thang-giup-nguoi-dan-ong-phat-hien-benh-hiem-post1540730.html