Trấn Thành và nhiều đạo diễn vẫn 'tẩm ướp' sơ sài ẩm thực Việt
Để có thể quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới, phim Việt cần nhiều hơn những bát canh chua như trên mâm cơm của 'Beef'.
Trong tập 8 của mini series Beef, nhân vật Amy Lau (Ali Chong) trở về nhà sau 2 năm xa cách. Bên mâm cơm gia đình, hình ảnh bát canh chua với dọc mùng, cá, cà chua được quay cận cảnh đã mang lại cho khán giả Việt Nam cảm giác chân thực và thú vị.
Món canh chua giản dị, bữa cơm nhà hiếm hoi cùng những lời khuyên của mẹ cho cuộc hôn nhân rạn nứt đã khiến Amy lột bỏ lớp gai hạnh phúc bên ngoài và trở về dáng vẻ nguyên bản nhiều vụn vỡ.
Dù có chủ đích hay không nhưng chỉ qua một chi tiết bát canh nho nhỏ, series 10 tập hài đen của A24 đã ít nhiều thành công trong việc khiến người xem rung cảm.
Trở thành điểm nhấn qua bàn tay của ê-kíp Hollywood, tuy nhiên ẩm thực Việt Nam lại có số phận lận đận trong chính phim Việt. Cho đến thời điểm hiện tại, cả điện ảnh lẫn truyền hình trong nước đều có những khởi sắc riêng, song việc khai thác ẩm thực hoặc đem văn hóa ẩm thực qua biên giới vẫn là một chặng đường dài.
Yếu tố ẩm thực chưa được quan tâm đúng nghĩa trong phim Việt
Những năm gần đây, phim đề tài cuộc sống hôn nhân và gia đình như một dòng chủ lưu của màn ảnh nhỏ. Bữa cơm gia đình do đó xuất hiện không ít. Tuy nhiên, không vì vậy mà ẩm thực Việt được giới thiệu khéo léo, đặc sắc và ấn tượng hơn. Những bữa cơm đôi khi vẫn chỉ dừng lại là những bữa cơm, để nhân vật trò chuyện hoặc drama bùng nổ.
Ở màn ảnh rông, số lượng phim điện ảnh Việt chứa yếu tố văn hóa ẩm thực gần như khan hiếm. Khán giả khó để tìm kiếm được một bộ phim Việt mà món ăn Việt trở thành điểm nhấn có chủ ý.
Đầu xuân Quý Mão, Nhà bà Nữ của Trấn Thành thống trị rạp chiếu bằng câu chuyện gia đình của một người phụ nữ bán bánh canh - Lê Giang đóng. Yếu tố ẩm thực được sử dụng trong phim rõ ràng là ý tưởng hay để làm "mồi nhử" thổi bật đề tài văn hóa thị dân - vốn là dòng phim tạo nên tên tuổi của đạo diễn Trấn Thành.
Phim từng được kỳ vọng sẽ có nhiều cảnh đậm chất điện ảnh hơn về món bánh canh. Và món bánh canh có thể có "linh hồn" trong phim. Tuy nhiên, việc lồng ghép văn hóa ẩm thực vẫn chưa đủ "chín" để làm thỏa mãn những người yêu phim.
Dù có cảnh mở đầu đắt giá và đậm chất điện ảnh, bánh canh vẫn không "cứu vớt" được mối liên kết lỏng lẻo giữa ẩm thực và nội dung phim. Thậm chí, ẩm thực chỉ đóng vai trò phục vụ mục đích minh họa cho câu chuyện, làm nền cho diễn biến và hoàn toàn bị lãng quên về cuối.
Trước đó, vào năm 2020, bánh mỳ bắt đầu rục rịch xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với Vua bánh mỳ và Bánh mỳ ông Màu. Nhìn chung, phản ứng khán giả đều không mấy tích cực. Hai bộ phim bị đánh giá là những câu chuyện đơn thuần sử dụng yếu tố ẩm thực như đồ trang trí làm đẹp bối cảnh.
Nói về hình ảnh ẩm thực trong phim, nữ đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh - phim 11 tháng 5 ngày - chia sẻ với báo chí: "Chúng tôi định hướng khán giả nhiều hơn ở những câu chuyện khác, chứ không phải vào những món ăn. Như ở một bữa ăn, chúng tôi muốn khán giả quan tâm nhiều hơn đến diễn biến câu chuyện xung quanh bữa ăn đó, còn món ăn chỉ là đạo cụ để nhân vật tương tác với nhau".
Chia sẻ này gây tiếc nuối, bởi lẽ, có trong tay một nền ẩm thực đáng ngưỡng mộ nhưng những món Việt vẫn chưa thực sự mang lại nhiều dấu ấn qua phim ảnh, giống như cách phim ảnh Hàn, Trung đã làm được.
Ẩm thực Việt hiếm khi được coi như một "nhân vật" cụ thể trên phim, thay vào đó, vẫn xuất hiện manh mún như một "gia vị" góp vui cho kịch bản.
Ngó lơ thông điệp quảng bá ẩm thực Việt
Trong khi các ê-kíp làm phim thế giới, không chỉ Hollywood mà cả châu Á, đều có những dấu ấn riêng biệt trên bản đồ phim ẩm thực, dường như Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ. Những tác phẩm có chủ đề về ẩm thực Việt hoặc cài cắm để quảng bá, giới thiệu sự tinh túy của ẩm thực Việt là rất ít. Những phim như Mùi đu đủ xanh, Mùi ngò gai chỉ là ký ức.
Theo nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên: "Dù việc quay về ẩm thực không khó, phức tạp như làm phim về bệnh án hay vụ án nhưng phim phá án hay đề tài ngành y lại dễ lôi cuốn, hấp dẫn hơn là khai thác các món ăn hết tập này đến tập khác khi mà nhà làm phim không biết làm sao cho thú vị… Nói về đề tài ẩm thực, nhưng cuối cùng phim vẫn xoay quanh câu chuyện xã hội, gia đình, tình yêu".
Năm 2015, sự xuất hiện của Kungfu phở được nhiều người kỳ vọng sẽ "thay máu" cho phim ẩm thực Việt và hứa hẹn làm "nên chuyện" khi hướng tới tôn vinh món phở nổi tiếng. Đáng tiếc, với yếu tố võ thuật được lồng ghép dễ dãi, Kungfu phở được xem là bộ phim mang màu sắc giang hồ, xã hội đen nhiều hơn một tác phẩm truyền bá văn hóa.
Cụ thể, những cảnh quay về nghề làm phở, cách nấu phở nói riêng và yếu tố ẩm thực nói chung lại sa vào phóng đại, cường điệu để gây hài bằng những câu thoại nhảm nhí. Ngay đến cả những khán giả dễ tính nhất cũng khó hài lòng. Tất cả tỏ ra tiếc nuối cho một bộ phim nuôi "ý tưởng vàng" nhưng kịch bản quá đỗi vụng về và gần như không có thông điệp.
Những năm gần đây, một số bộ phim truyền hình Việt hóa đã quan tâm nhiều hơn đến yếu tố ẩm thực với những hình ảnh đẹp như Gạo nếp gạo tẻ (bún đậu), Thương ngày nắng về (bún riêu). Đây là hai phim có nhiều cảnh giới thiệu ẩm thực nhận được phản hồi tích cực.
Hai phim đều gây ấn tượng bởi câu chuyện gia đình và những bài học tình thân thấm thía, cùng với đó là đan xen văn hóa ẩm thực. Nhưng triết lý ẩm thực hay "ngón nghề" gia truyền vẫn chưa được truyền tải một cách sâu sắc.
Ẩm thực và văn hóa bản địa của một quốc gia khi rời biên giới muốn giữ được những nét riêng biệt đặc thù cần được truyền tải thông qua những câu chuyện mang tính khái quát và có sức ảnh hưởng. Đây là công thức chung mà những bộ phim quốc tế áp dụng, duy trì để không chỉ tái hiện những thước phim sinh động mà còn góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực.
Năm 2007, với phim Ratatouille, hãng Pixar đã tạo nên cơn sốt cho món rau hầm dân dã và thành công chinh phục Oscar hạng mục phim hoạt hình hay nhất. Ratatouille vốn bị xem là đồ dở, thực phẩm địa phương đã trở thành món ngon ưa chuộng của những người sành ăn nước Pháp lẫn Địa Trung Hải.
Jiro Dreams of Sushi là bộ phim tài liệu về vị đầu bếp Jiro Ono và nhà hàng ba sao Michelin gần tàu điện ngầm nhộn nhịp ở Tokyo. Những đĩa sushi truyền thống tỉ mỉ đã đặt người xem vào chuỗi tự vấn về chủ nghĩa hoàn hảo và quyền làm chủ.
Trong Lady and the Tramp, cảnh hôn mỳ spaghetti mang tính biểu tượng nước Mỹ đã trở thành trò chơi cặp đôi phổ biến. Squid Game theo đuổi đề tài sinh tồn đã góp phần đưa món kẹo đường và trò chơi tách kẹo tuổi thơ thịnh hành trở lại không chỉ ở xứ kim chi mà còn gây tiếng vang trên toàn châu Á. Hàn Quốc có rất nhiều bộ phim như vậy, mà điển hình là phim truyền hình quốc dân Nàng Dae Jang Geum (2003) đã đưa ẩm thực Hàn Quốc ra khắp các nước trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam.
Phim Việt cũng đã đến lúc cần quan tâm hơn đến những điều, có thể vốn được coi là nhỏ, như vậy!