Trần Trà My - nhà văn nữ được tuyên dương điển hình tiên tiến

Tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến TPHCM giai đoạn 2021 - 2023, diễn ra ngày 28/7/2023, Chủ tịch UBND TPHCM đã tặng Bằng khen cho 46 tập thể và 96 cá nhân do đạt thành tích xuất sắc liên tục nhiều năm, trong đó có nữ nhà văn khuyết tật Trần Trà My.

Vượt qua nỗi bất hạnh của số phận, đến nay nữ nhà văn đã xuất bản 5 cuốn sách, qua đó truyền cảm hứng cùng những điều tử tế và nghị lực vươn lên trong cuộc sống cho rất nhiều bạn trẻ cũng như những người lầm lỡ.

Gặp nữ nhà văn khuyết tật Trần Trà My sau khi cô được tuyên dương điển hình tiên tiến, cô khoe Bằng khen do Chủ tịch UBND TPHCM tặng, đôi mắt toát lên vẻ hạnh phúc rạng ngời bởi sau bao ngày tháng tận lực cống hiến nay đã gặt hái được quả ngọt, được ghi nhận.

Trần Trà My cùng các điển hình tiên tiến nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM tại lễ tuyên dương

Trần Trà My cùng các điển hình tiên tiến nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM tại lễ tuyên dương

Sinh năm 1986 tại vùng đất Đông Hà, tỉnh Quảng Trị trong gia đình có bốn anh chị em, khi được 3 tháng tuổi, trên người My bỗng nổi lên những chấm li ti, sau đó sốt cao và co giật. Sau những ca phẫu thuật, cô bé My xuất viện với đôi chân bị teo ngắn lại, không thể tự di chuyển, bàn tay co quắp rất khó cầm nắm, trong khi giọng nói không được rõ tiếng, chỉ có thể ú ớ trong miệng, đôi tay cũng yếu dần, chỉ duy nhất một ngón có thể cử động.

Thời thơ ấu chưa một lần được đến trường, cuộc sống chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, nhưng không vì thế mà My ngừng từ bỏ ước mơ, khát vọng và hoài bão của mình. My bắt đầu tập viết, tập đi và làm quen dần với máy tính. My bắt đầu viết những cảm xúc, suy nghĩ, chuyện mình, chuyện đời qua các tản văn, truyện ngắn.

Vượt qua những mặc cảm, khiếm khuyết của bản thân, năm 2007 My rời quê nhà Quảng Trị vào TPHCM quyết tâm lập nghiệp và thực hiện ước mơ của mình. Tại nơi phồn hoa đô thị, để có thể tồn tại thì đối với người bình thường còn khó, huống chi là người khiếm khuyết như My, nhưng cô vẫn dồn hết tâm sức vào việc viết văn, làm báo và làm truyền thông. My tâm sự, được làm việc đúng với niềm đam mê thì dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng vượt qua. Ngày qua ngày, My vẫn miệt mài gắn bó với chiếc bàn phím quen thuộc chỉ bằng một ngón tay với trái tim luôn dạt dào cảm xúc.

Trần Trà My trao cuốn sách “Tin vào điều tử tế” và quà cho các chiến sĩ Bộ đội biên phòng trong chuyến hoạt động tình nguyện.

Trần Trà My trao cuốn sách “Tin vào điều tử tế” và quà cho các chiến sĩ Bộ đội biên phòng trong chuyến hoạt động tình nguyện.

Thế rồi quyển sách đầu tiên ra đời. Khó từ ngữ nào có thể diễn tả hết niềm vui cũng như nỗi vất vả sau bao ngày đêm dồn tâm sức cho tác phẩm đầu đời. “Giấc mơ đôi chân thiên thần” là tập hợp 20 truyện ngắn được Trần Trà My dành 6 năm trời thu thập tư liệu; trong đó là những câu chuyện về sự sa đọa của giới trẻ, chuyện ngoại tình, sự kỳ thị giàu nghèo, sang hèn trong xã hội... nhưng tác giả lại thể hiện thông qua lăng kính cảm thông đầy lòng trắc ẩn.

Mỗi cuốn sách tiếp theo của My đều viết bằng cả trái tim, qua những câu chuyện thực tế mà mình chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày. Đi đến đâu, gặp gỡ ai, My đều ghi chép tỉ mỉ, cũng như thâm nhập vào đời sống của các tầng lớp xã hội để thu thập tư liệu. Đến nay, My đã cho ra đời 5 cuốn sách đầy ấn tượng, đó là: “Giấc mơ đôi chân thiên thần” (năm 2009), “Chúng ta chính là mùa xuân” (năm 2010), “Yêu trên từng ngón tay” (năm 2013), “Tin vào điều tử tế” (năm 2019) và “Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế” (năm 2022).

Trần Trà My tại một sự kiện giới thiệu sách

Trần Trà My tại một sự kiện giới thiệu sách

Là người đầu tiên thực hiện dự án “Lan tỏa điều tử tế”, sau 5 lần tái bản, số lượng tác phẩm “Tin vào điều tử tế” của Trần Trà My được phát hành lên đến 11.000 bản. Tập truyện ngắn dày hơn 100 trang, viết về những vấn đề nổi cộm trong xã hội, được Trần Trà My ghi nhận sau những chuyến đi trải nghiệm, gặp gỡ, phỏng vấn những nhân vật có thật trong cuộc sống.

Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích và đôi khi thẳng thắn, “Tin vào điều tử tế” đã chạm đến trái tim của rất nhiều độc giả. My mong muốn những cuốn sách của mình sẽ đến được các trại giam nhằm gieo hy vọng cho những người từng lầm lỡ. Thế rồi sách đã được gửi đến các trại giam khắp cả nước như: Quảng Trị, Nghệ An, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… Thậm chí, My còn đến những nơi này để lắng nghe tâm sự của các phạm nhân, giúp họ có cái nhìn tích cực về tương lai với quyết tâm hoàn lương, làm lại cuộc đời sau những sa ngã, va vấp.

Có thể nói, nữ nhà văn Trần Trà My chính là tấm gương sáng về nghị lực phi thường, không chịu đầu hàng trước số phận, sống đẹp như những đóa hoa tỏa ngát hương thơm cho đời.

Hoài Văn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/guong-sang/tran-tra-my-nha-van-nu-duoc-tuyen-duong-dien-hinh-tien-tien_150456.html