'Trăn trở' bài toán bảo tồn và phát triển trong xây dựng Thủ đô thông minh
Phát biểu khai mạc hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam-châu Á (Vietnam - Asia Smart City Summit 2023), sáng ngày 29/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng. Tuy nhiên, cần giải quyết rất nhiều bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, mô hình thành phố thông minh bền vững mà Thủ đô hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân. Xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Đồng thời, lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến. Góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.
Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng, tuy nhiên cũng cần giải quyết rất nhiều bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân…
“Chúng ta hy vọng rằng, hội nghị sẽ chia sẻ những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn thực sự bổ ích, qua đó giúp thành phố Hà Nội lựa chọn và tận dụng tốt hơn cơ hội, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững.
Các tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự cũng sẽ có thêm góc nhìn mới trong định hướng xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững", ông Thanh chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, phát triển đô thị thông minh cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Để đạt được những mục tiêu đô thị thông minh thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.
Thứ trưởng cũng lưu ý, việc phát triển đô thị thông minh tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Trong đó, cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội khác.
“Quá trình này đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các cấp, các ngành tại địa phương. Hội nghị sẽ là cơ hội bàn thảo, trao đổi thông tin từ nhiều chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ về các giải pháp, đề xuất để xây dựng thành phố thông minh bền vững, cũng như các địa phương có kinh nghiệm”, ông Dũng nói.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm công nghệ giúp các thành phố, đô thị thông minh hơn. Ảnh: Hoài Anh.
Theo Ban tổ chức, hội nghị kéo dài 2 ngày (29 - 30/11), dự kiến quy tụ hơn 2.000 khách từ lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong nước và quốc tế, hoạt động nằm trong chương trình đồng hành cùng Chính phủ cho mục tiêu phát triển chuyển đổi số quốc gia.
Hội nghị gồm phiên khai mạc với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” và các phiên hội nghị chuyên đề “Chính quyền, người dân và doanh nghiệp”; “Công nghệ, dữ liệu và kết nối”; “Hợp tác và phát triển”...
Đồng thời là dịp tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, các khu bất động sản, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các thành phố, đô thị thông minh hơn, mang lại tiện ích cho người dân. Sự kiện sẽ giới thiệu chương trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.