Trăn trở bản Khà
Từng có nguy cơ bị xóa sổ trên bản đồ địa giới hành chính của xã do cuộc sống không ổn định, cái đói nghèo thường xuyên đeo bám, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng hành, hỗ trợ của bộ đội biên phòng, sau nhiều năm bà con bản Khà, xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn) đã từ bỏ thói quen canh tác cũ, lạc hậu, đời sống đang dần đổi thay trên vùng đất khó.
Bản Khà hôm nay
Cách trung tâm xã chừng hơn 15 km, bản Khà nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng già. Theo chỉ dẫn của anh Lữ Anh Hướng, Bí thư đoàn xã Sơn Thủy, để lên đến bản có hai con đường, một là vòng qua các bản Bo Hiềng, Sa Ná, Son, Ché Lầu (xã Na Mèo) rồi qua bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy) đường đẹp, nhưng xa rất bất tiện. Con đường còn lại thời gian đi ngắn hơn nhưng chủ yếu đường đất, mùa mưa đường sình lầy, trơn trượt đi lại rất khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm. Nhiều năm nay người dân bản Khà vẫn lựa chọn di chuyển bằng con đường đất, tuy đi lại vất vả nhưng lại gần, tiện công việc, học hành cho học sinh, người dân.
Tiếp chúng tôi, anh Lữ Văn Sánh, bí thư kiêm trưởng bàn Khà cho biết, cách đây hơn chục năm bản Khà như một “ốc đảo” hoang vu, hẻo lánh, cuộc sống bà con vất vả, thiếu thốn trăm bề. Ngày ấy, bản thuộc diện “4 không” (không điện, không đường, không nhà văn hóa, không y tế bản), nhiều người dân không chịu được đói khổ nên bỏ đi.
Những năm 2004 - 2005, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đã góp phần thay đổi cuộc sống của bà con trong bản. Thông qua các cuộc vận động, tuyên truyền, động viên người dân ở các xã khác trong huyện di dân đến, nhập cư, sinh hoạt, phát triển kinh tế cùng các hộ dân bản Khà… Từ đó, đời sống bà con dần ổn định, không còn lo thiếu đói mùa giáp hạt nữa.
Đặc biệt, năm 2022 điện lưới về thôn bản, cuộc sống của bà con khá hơn rất nhiều, người già trong bản được xem ti vi, con cháu được học dưới ánh điện, người dân có điều kiện tiếp thu khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất. Nhiều gia đình đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch sinh hoạt đáp ứng nhu cầu ăn, ở hàng ngày. Cùng với đó, hệ thống chính trị bản Khà được củng cố kiện toàn vững chắc, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự ngày một phát triển sâu rộng.
Năm 2005, anh Hà Văn Cảnh (sinh năm 1979, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn) mạnh dạn lên bản Khà khai hoang, phát triển kinh tế, từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã có trong tay 5 con trâu làm vốn. Bây giờ bản đã có điểm trường mầm non, tiểu học phục vụ nhu cầu học tập cho con trẻ.
Còn nhiều trăn trở
Theo bí thư chi bộ Lữ Văn Sánh, mặc dù có nhiều đổi thay, nhưng cuộc sống người dân vẫn không thoát được vòng luẩn quẩn của nghèo khó, thiếu thốn. Bản Khà hiện có 24 hộ với 100 nhân khẩu, đồng bào Thái chiếm 99% dân số, nhưng cả 100% hộ là hộ nghèo. Bản vẫn chưa có đường giao thông, nhà văn hóa, y tế bản. Người dân phụ thuộc vào vài sào ruộng nương, khai thác măng rừng, trồng vầu, nứa… Kinh tế tự cung tự cấp, giao thông cách trở dẫn tới việc giao thương với bên ngoài rất hạn chế. Học sinh không mặn mà với việc đi học.
Ông Lữ Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, cho biết: Bản Khà là một trong 3 bản đặc biệt khó khăn của xã cùng với hai bản người Mông: Mùa Xuân, Xía Nọi. Những năm qua, người dân trong bản thường xuyên được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về cây, con giống… để sinh kế. Tuy nhiên, canh tác lạc hậu dẫn tới năng suất thấp. Một số loại cây như vầu, nứa do đường giao thông khó khăn khiến việc bán buôn cũng không thuận lợi, giá cả thấp. Riêng đường giao thông, nhà văn hóa do điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế, nên việc thực hiện xây dựng các hạng mục công trình trên phục vụ bà con là điều không thể.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, ông chia sẻ: “Đối với các bản đặc biệt khó khăn của huyện, hàng năm thông qua nguồn vốn, chính sách của Nhà nước, địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Riêng bản Khà, trước mắt huyện sẽ tập trung đầu tư hai tuyến đường giao thông (đoạn nối từ bản Thủy Thành đi bản Khà; đoạn từ bản Mùa Xuân đi bản Khà). Đồng thời, hỗ trợ bà con xây dựng, hoàn thiện các công trình vệ sinh, cấp nước sạch sinh hoạt, cải tạo đất canh tác bạc màu, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các loại cây như lúa nước, vầu, luồng… nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tran-tro-ban-kha/27174.htm