Trăn trở... cam Sành - Kỳ cuối: Thực hiện nghiêm định hướng phát triển
'Tuân thủ nghiêm quy hoạch vùng trồng cam đảm bảo cho sự phát triển bền vững; tránh tình trạng làm ăn theo kiểu được chăng hay chớ' - đây là ý kiến chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khi trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại, tiêu thụ cam tại huyện Bắc Quang và Quang Bình niên vụ 2019 – 2020.
Tỉnh ta có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp với nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc biệt là cam Sành. Thông qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh, người nông dân đã tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển cây cam, giúp nhiều hộ vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, do phát triển “nóng” diện tích cùng với sản lượng lớn đang đặt ra bài toán về thị trường cho loại nông sản đặc trưng này.
Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Trước sự nôn nóng của người dân trong việc mở rộng diện tích trồng cam, huyện đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn rà soát, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất đối với cây cam Sành theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sản xuất bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng diện tích thâm canh theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ. Hiện nay, diện tích trồng cam trên địa bàn huyện đang tăng nhanh, sản lượng tăng cao, nhưng do cam Sành có thời gian thu hoạch ngắn và sản phẩm khó bảo quản trong khâu vận chuyển nên dễ bị hỏng; mức cung đang vượt quá nhu cầu của thị trường; khâu quảng bá sản phẩm còn hạn chế; thị trường tiêu thụ khó phân biệt giữa cam Sành của tỉnh với các tỉnh khác và thậm chí thương hiệu cam Sành Hà Giang bị “mượn”, làm ảnh hưởng đến uy tín. Mặt khác, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận trước mắt đã đưa các sản phẩm cam không đảm bảo tiêu chuẩn hoặc trà trộn cam của tỉnh khác để đưa vào các siêu thị trên địa bàn Hà Nội...
Để tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ cam Sành, huyện Bắc Quang đã, đang tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cam Sành. Để bảo vệ thương hiệu cam Sành Hà Giang, huyện chọn và cử đại diện Hợp tác xã Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, Hợp tác xã cam VietGAP ký hợp đồng với siêu thị của các thành phố lớn để đưa cam đủ tiêu chuẩn, chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc tới người tiêu dùng.
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020 thì diện tích cam Sành đã tăng gấp 1,4 lần so với mục tiêu ổn định đến năm 2020 là 5.000 ha. Đã đến lúc các nhà vườn phải nhìn nhận, đánh giá, phân tích một cách toàn diện về thực tế sản xuất cam Sành. Bởi hiện nay, cam Sành Hà Giang đang chịu sự cạnh tranh thị trường với nhiều sản phẩm cùng loại. Thêm vào đó, nước ta gia nhập WTO, đem lại nhiều thuận lợi cho sản phẩm cam Sành Hà Giang nói riêng cũng như nhiều loại mặt hàng rau, quả. Tuy nhiên, khi các tập đoàn lớn vào Việt Nam, tiến hành phân phối các sản phẩm rau, quả nhập khẩu sẽ tạo khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cam Sành. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với nhà nông trong việc thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để bắt kịp xu thế phát triển của nền kinh tế mới.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, để ổn định giá nông sản cũng như nguồn thu nhập từ cam Sành thì sản phẩm phải đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất cam Sành sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm được công nhận VietGAP là đảm bảo tiêu chí chất lượng, an toàn thực phẩm; tạo uy tín, sự tin tưởng với khách hàng; đồng thời, thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân, hướng người sản xuất, doanh nghiệp về nền sản xuất nông nghiệp sạch để phát triển bền vững…
Cùng với sự thay đổi về tư duy sản xuất theo chiều sâu của nhà nông, thiết nghĩ các cấp, ngành cũng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cam Sành Hà Giang đủ sức đứng vững trên thị trường và phát triển bền vững. Trong đó, cần quy hoạch vùng sản xuất cam phù hợp theo hướng an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường quản lý Nhà nước về định hướng phát triển cây cam Sành đã được nêu trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh. Mặt khác, quan tâm đầu tư phát triển ngành sơ chế, bảo quản, chế biến cam để giảm áp lực thu hoạch với số lượng lớn vào chính vụ. Cùng với đó, có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực về sản xuất, kiến thức, thông tin thị trường; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người trồng cam. Khi các giải pháp phát triển bền vững cây cam Sành được thực hiện đồng bộ, hiệu quả thì cam Sành Hà Giang không chỉ là loài cây ăn quả mang tính đặc sản của tỉnh mà còn chiếm ưu thế trên thị trường trong, ngoài nước; xứng tầm là cây mũi nhọn, cây chủ đạo trong phát triển kinh tế, cây làm giàu của người nông dân.