Trăn trở của những nghệ nhân làng lồng đèn lớn nhất TP HCM

Làng lồng đèn Phú Bình sau giai đoạn phát triển thăng hoa, đến nay chỉ còn lát đác vài hộ sản xuất.

Làng nghề lồng đèn Phú Bình, nằm trên đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 (TP HCM) từ lâu được biết đến là nơi sản xuất, kinh doanh lồng đèn lớn nhất TP HCM.

Được hình thành từ giữa thập niên 50 của thế kỷ trước nhưng qua năm tháng, từ một làng nghề lớn nay chỉ còn 3-4 hộ kinh doanh, sản xuất cùng với nỗi trăn trở của nghệ nhân về nghề làm lồng đèn.

Cung không đủ cầu

Bà Võ Thị Kim Như (60 tuổi), người kinh doanh sản xuất lồng đèn hơn 25 năm, cho biết mặc dù người dân vẫn ưa chuộng lồng đèn truyền thống, tạo cảm giác hoài niệm, cổ xưa nhưng vì nhiều nghệ nhân làm lồng đèn đã nghỉ nên nguồn cung lồng đèn truyền thống cũng giảm đi đáng kể.

Lồng đèn cánh bướm, ông sao được bày bán nhiều

Lồng đèn cánh bướm, ông sao được bày bán nhiều

Nghệ nhân làm lồng đèn giấy

Nghệ nhân làm lồng đèn giấy

Mỗi ngày một nghệ nhân chỉ làm được từ 20 - 30 chiếc lồng đèn ông sao, cá vàng. Những loại lồng đèn lớn làm theo yêu cầu của khách, phải kỳ công thì có khi cả tuần mới hoàn thành.

Lồng đèn đầy đủ kích cỡ, màu sắc, vật liệu khác nhau nên giá cũng khác nhau, xê dịch từ 15.000-20.000 đồng. Các loại lồng đèn lớn có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi cái.

Một số loại lồng đèn truyền thống

Một số loại lồng đèn truyền thống

“Để có một chiếc lồng đèn thủ công phải trải qua hơn 10 công đoạn từ chẻ tre, kết kẽm, tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn,... Ngoài việc chọn nguyên liệu còn phải chọn giấy dán đủ độ bóng. Nhưng yếu tố quyết định đèn đẹp hay không do cách dán, cách vẽ hình, tạo hình cho đèn” - bà Như cho biết.

Khách mua lồng đèn truyền thống

Khách mua lồng đèn truyền thống

Bà Như kể khi xưa có cả trăm hộ kinh doanh sản xuất lồng đèn. Cứ mỗi mùa trung thu là màu đỏ của giấy kính phủ kín từ đầu đến cuối ngõ, rất bắt mắt nhưng lâu dần những nghệ nhân lớn tuổi không đủ sức để làm, những người trẻ thì không theo nghề.

Về tình hình kinh doanh lồng đèn, bà Như cho biết năm nay nhìn chung lồng đèn vẫn ế ẩm, các đoàn từ thiện, các trường học vẫn chưa đặt hàng, chỉ có các đơn hàng ở các tỉnh khác.

Không có truyền nhân

Ông Nguyễn Quốc Bình (68 tuổi) là một trong những hộ kinh doanh sản xuất lồng đèn hơn 30 năm cho biết làng nghề này dần bị mai một do một phần không có thế hệ kế thừa, những người trẻ dường như không có đam mê với việc làm lồng đèn truyền thống.

Theo ông Bình, vì đặc thù lồng đèn chỉ bán được vào tết trung thu, giá cả lại bấp bênh, không ổn định nên các thế hệ tiếp nối trong gia đình không chọn theo nghề.

Các nghệ nhân lo không có người kế thừa

Các nghệ nhân lo không có người kế thừa

"Nghề này chỉ làm được từ khoảng tháng 6 âm lịch đến hết trung thu, giá cả cũng bấp bênh, nhiều năm ế ẩm không bán được hàng. Vì vậy, nhiều người trẻ không chọn theo nghề, muốn theo nghề thì ai cũng phải có nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập" - ông Bình chia sẻ.

Khi được hỏi về lớp kế thừa một làng nghề từng sôi động trong quá khứ, mắt ông Bình chùng xuống, trầm tư.

Ông Bình nói thừa kế nghề từ cha và có lẽ đến đời ông sẽ kết thúc. "Chỉ vài năm nữa tôi cũng không đủ sức để làm, cũng mong sao sẽ có nhiều người trẻ tiếp nối, yêu nghề, đừng để một làng truyền thống lâu đời ở TP HCM dần biến mất, nếu có người đến học làm lồng đèn tôi vẫn sẵn sàng chỉ dạy tận tình”.

Các nghệ nhân cho biết hiện nay thị trường xuất hiện nhiều loại lồng đèn giấy kính, khung nhựa, sản xuất công nghiệp hàng loạt. Lồng đèn nhựa với đủ loại mẫu mã đang có xu hướng làm lồng đèn truyền thống phần nào mất đi thị trường vốn có...

Bài và ảnh: NGỌC QUÝ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tran-tro-cua-nhung-nghe-nhan-lang-long-den-lon-nhat-tp-hcm-196240825105350317.htm