Trăn trở cùng Lạc Sỹ
Sau nhiều năm, chúng tôi trở lại thăm Lạc Sỹ, xã khó khăn bậc nhất của huyện Yên Thủy, đến nay đã có nhiều đổi thay. Đoạn đường từ xã Lạc Lương đến trung tâm xã Lạc Sỹ mới được đầu tư và đưa vào khai thác trên nền đường cũ dù quanh co, lên xuống nhưng đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Bí thư chi bộ thôn Dân Lập, xã Lạc Sỹ báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, phát triển KT-XH.
Hai bên đường là đồi cao phủ kín cây rừng sản xuất. Hạ tầng trường học, trạm xá, nhà văn hóa ở khu vực trung tâm xã được đầu tư khá khang trang. Tuy vậy, đời sống của người dân vẫn chậm chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo đứng đầu huyện, như nhiều người vẫn bảo Lạc Sỹ từ trước tới nay luôn nằm ở "thế kẹt”, rất khó phát triển mạnh.
Xóm Dân Lập cách trung tâm xã 3 km, có tổng diện tích tự nhiên 641 ha, 127 hộ, trên 600 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc Mường. Nguồn sống của người dân chủ yếu là trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi, buôn bán dịch vụ nhỏ. Đồng chí Bùi Thị Trọn, Bí thư chi bộ xóm Dân Lập tâm sự: Những năm gần đây, đời sống người dân đã có bước cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Kinh tế của xóm trông vào trồng rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Rừng cơ bản đã phủ xanh cây keo, nứa, luồng với diện tích 628 ha, hằng năm khai thác khoảng 50 ha, giá trị thu nhập khoảng 2,1 tỷ đồng. Do khó khăn về giao thông, người dân không có việc làm, nguồn thu ổn định nên cây keo thường bị khai thác non khi mới được 4-5 năm. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xóm mới đạt 27 triệu đồng/năm, hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 40%. Chi bộ xóm có 32 đảng viên thì 23 đồng chí thường xuyên không tham gia sinh hoạt. Bà con trong xóm mong muốn được hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, hạ tầng nhà văn hóa, đặc biệt là tuyến đường nối với xóm Niếng, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) để thông thương, thúc đẩy sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, việc sinh hoạt, phát triển, quản lý đảng viên rất khó khăn.
Lạc Sỹ là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, dân tộc Mường chiếm 99,7%, tiếp giáp với các xã không thuận lợi của các địa phương khác như: Hưng Thi (Lạc Thủy); Cuối Hạ, Nuông Dăm (Kim Bôi); Bình Hẻm (Lạc Sơn). Điều kiện phát triển đã khó, lại chỉ có tuyến đường độc đạo nên xã luôn nằm ở thế khó phát triển. Mấy năm nay, sản xuất và đời sống của người dân dần thay đổi; các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra cơ bản hoàn thành, song so với các xã bạn còn có sự chênh lệch khá lớn. Diện tích đất lâm nghiệp khá lớn nhưng chủ yếu quy hoạch rừng tự nhiên với diện tích 475 ha, còn lại là trồng rừng sản xuất. Diện tích đất nông nghiệp ít, lại manh mún. Chăn nuôi quy mô nhỏ, trong đó sản phẩm mật ong Lạc Sỹ được công nhận sản phẩm OCOP nhưng quy mô vẫn nhỏ lẻ trong nhân dân. Đến nay, xã mới đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới; khó khăn nhất với xã là tiêu chí thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn tới 38,8%. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH…
Đồng chí Bùi Văn Quynh, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Sỹ cho biết: Hiện, Đảng bộ tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, huyện để lãnh đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Để tiếp sức cho Lạc Sỹ thoát nghèo, cán bộ và nhân dân rất mong muốn được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, đặc biệt là hạ tầng giao thông như đầu tư tuyến đường từ xóm Dân Lập đi xóm Nếng, xã Hưng Thi (Lạc Thủy); tuyến đường liên xã từ xóm Sào Vót đi xóm Nghia, xã Cuối Hạ (Kim Bôi). Nếu làm được các tuyến đường này sẽ phá vỡ thế độc đạo, thúc đẩy nhanh giao thương và đời sống người dân. Xã cũng mong được xây dựng đập chứa nước tại xóm Dân Lập; đầu tư một số ngầm tại các xóm bởi vào mùa mưa thường bị cô lập, cách trở; đẩy nhanh tiến độ khu tái định cư xóm Sào Vót cho 34 hộ bị ảnh hưởng lũ quét và sạt lở năm 2017…
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/177628/tran-tro-cung-lac-sy.htm