Trăn trở cùng văn chương trẻ Thủ đô

Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ III vừa được tổ chức tại Ninh Bình. Nhiều nỗi trăn trở của người viết trẻ được nêu ra, song vẫn thiếu những giải pháp thiết thực được kiến nghị, đưa ra bàn thảo. Bởi thế, với mỗi người viết trẻ lúc này cần nhất là sự dấn thân, để có thể thổi bùng ngọn lửa đam mê và tỏa sáng bằng nội lực của mình.

Vẫn nhiều nỗi lo

Nhìn lại một chút, năm 2015, Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ II được tổ chức, cách lần thứ nhất… 22 năm! Một số ý tưởng được nêu ra rồi cũng chủ yếu vẫn nằm im… trong ý tưởng. Hội Nhà văn Hà Nội chưa có nhiều hoạt động đủ sức kích thích sự sáng tạo. Lực lượng sáng tác vẫn chủ yếu ai đi đường người ấy bằng sự cố gắng cá nhân.

Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần III

Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần III

Đến với Hội nghị lần này, tác giả trẻ Nhật Phi lo lắng khi ngày nay các phương tiện truyền thông đại chúng đang lấn lướt văn chương, văn chương trẻ mất bạn đọc, đặc biệt là những người đang cố gắng làm mới mình càng bị… bỏ lại. Nhật Phi chia sẻ: “Chúng tôi gần như chỉ lủi thủi chơi trong khoảnh sân con con của mình. Trong khi vẫn đi dạy, vẫn làm báo, làm xuất bản… hay những việc lặt vặt khác để mưu sinh, chỉ chờ một vài kỳ cuộc để cảm thấy mình được chia sẻ và có giá trị”.

Chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật, văn chương trẻ Hà Nội vẫn còn thiếu nhiều thứ. Trước tiên đó là thiếu chuyên nghiệp, đa số các tác giả trẻ Hà Nội đều sáng tác nghiệp dư. Ít có tác giả coi sáng tác như một nghề. Phần đa họ viết trong lúc nhàn rỗi. Họ viết văn nhưng đang sống với một nghề khác. Tất cả những điều này khiến quá trình sáng tác của họ rời rạc. Tác giả Đặng Thiên Sơn nhấn mạnh: “Bệ phóng và nhu cầu sử dụng tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay vẫn còn hạn chế, điều ấy khiến cho các cây bút trẻ nản chí, rẽ sang một hướng khác, chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi. Giá như có nhiều giải thưởng hơn cho nhà văn trẻ, các nhà xuất bản, các công ty sách mặn mà hơn với tác phẩm của họ, để họ có thể sống được bằng nghề viết thì chắc chắn là sẽ có những tác phẩm hay”.

Đặng Thiên Sơn cũng dẫn ra, việc in ấn, xuất bản, truyền thông thơ trong những năm gần đây cũng được các tác giả chú tâm. Nếu như trước đây việc in thơ, xuất bản thơ do nhà nước, hoặc các hội chuyên ngành hỗ trợ thì tác phẩm của các tác giả trẻ hôm nay chủ yếu là tự in lấy. Thị trường thơ ế ẩm, người đọc không mấy mặn mà với thơ.

Chung trăn trở ấy, tác giả Trần Đức Hiển, giãi bày: “Không chỉ ở Hà Nội mà văn chương trẻ nói chung, các cây bút trẻ theo tôi còn thiếu rất nhiều thứ, từ kiến thức, vốn sống, sự trải nghiệm đến phông văn hóa, sự dấn thân. Ấy là chưa kể môi trường, không gian văn học chưa hẳn đã thực sự tạo cho các nhà văn trẻ tinh thần sáng tạo, thôi thúc những cây bút viết một cách chuyên nghiệp, táo bạo”.

Một vấn đề khác, nhìn vào thực tế của nền văn học Thủ đô, thì thấy giữa các nhà văn, nhất là các tác giả trẻ vẫn chưa thực sự gắn kết với nhau, tạo nên một cộng đồng sáng tác văn học. Điều này khiến cho nhiều tác phẩm ra đời một cách lạc lõng, không có những sẻ chia.

Cần một bệ phóng

Dù thế nào thì văn chương trẻ vẫn cần những tác phẩm hay, công chúng vẫn mong chờ được tiếp nhận những cuốn sách văn học giá trị. Tuy nhiên, trong vòng 5, 6 năm trở lại đây, hàng loạt bài viết nói về tình hình của văn chương trẻ được đăng tải trên báo chí đã phần nào đánh giá được giá trị của văn học trẻ. Người ta vẫn lo ngại văn chương trẻ èo uột, chưa có một “Nguyễn Ngọc Tư thành thị” - có nghĩa đã có một Nguyễn Ngọc Tư viết thành công về nông thôn, nhưng chưa có cây bút trẻ nào thành công khi viết về thành thị. Rồi có những ý kiến về phân tích về việc người viết trẻ chưa có tác phẩm lớn. Người nói do chưa có vốn sống, người nói do thiếu tài năng hoặc thiếu sự dấn thân của một người cầm bút. Tại Hội nghị lần này, có một lực lượng đông đảo những người viết trẻ được đào tạo bài bản, họ sẽ nghĩ gì và sẽ phấn đấu ra sao? Họ sẽ có trách nhiệm hơn với ngòi bút của mình, sẽ dấn thân hơn cho một nền văn học chứng tỏ thời của họ đang sống?

Sân thơ trẻ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám 2019

Sân thơ trẻ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám 2019

Thực sự, người viết trẻ đang bị thử thách, đang bị cân đong đo đếm và đang bị đặt lên vai rất nhiều áp lực. Họ cần một bệ phóng, ít nhất họ cần điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển tài năng, chứng tỏ khả năng sáng tạo văn chương và gắn bó lâu bền với nghề viết.

Nhiều tác giả cho rằng, phê bình và sự động viên của các nhà văn đi trước với đội ngũ sáng tác trẻ là hết sức cần thiết. Vì có thể những nhận xét và động viên ấy sẽ giúp họ tìm ra được những điểm mạnh, yếu và hơn nữa, họ cảm thấy tác phẩm của mình được ghi nhận phần nào. Họ cũng bớt mặc cảm và thêm niềm tin để dấn thân với đam mê của mình… Đặng Thiên Sơn nêu quan điểm: “Tôi nghĩ để viết tốt, không còn cách nào khác là phải có sự tương tác, yêu thích lĩnh vực mình đang hoạt động. Mà hội nghị viết văn trẻ là một dịp quý báu để những người viết tương tác với nhau. Trong lúc xã hội đang nhiều thách thức, cơm áo gạo tiền bủa vây, việc có một buổi sinh hoạt văn chương chuyên môn, tạo điều kiện cho các nhà văn gặp nhau như thế này là hết sức cần thiết”.

Đồng tình với quan điểm này, tác giả Nguyệt Chu, cây bút sinh sống ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội), được đánh giá khá cao về các truyện ngắn viết về đề tài lịch sử, kiến nghị thêm: “Cần tổ chức nhiều hơn cuộc thi sáng tác văn trẻ và trao giải thưởng cao, chấm nghiêm túc. Qua đó thu hút nhiều người quan tâm đến văn học”.

Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng những ai đã bước chân vào con đường văn chương thì khó mà đoạn tuyệt hoặc bước ra được cái nghiệp này. Vậy nên, chúng ta những người viết trẻ hôm nay cần phải có một cái nhìn thấu đáo về hành trình mình đang đi, soi xét lại những sáng tác của mình, nhận thức vai trò của văn chương với đời sống xã hội để cùng nhau tiếp nối mạch nguồn. Thủ đô nghìn năm văn hiến chưa bao giờ vắng bóng những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lừng danh. Hy vọng sau hội nghị này các tác giả sẽ tiếp nhận thêm nhiều điều bổ ích, cùng tìm ra những phương thức để góp phần khẳng định rõ nét hành trình văn chương trong guồng quay của cuộc sống hiện đại.

Ngô Hải Miên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tran-tro-cung-van-chuong-tre-thu-do-94666.html