Trăn trở cùng vườn cây dược liệu

Được xác định là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu, thời gian gần đây, người dân các địa phương trong tỉnh đã chủ động khai thác thế mạnh này để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, nhiều hợp tác xã (HTX) được thành lập và tham gia sản xuất, tiêu thụ dược liệu, hình thành các chuỗi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, nhất là ở khu vực miền núi.

 Hợp tác xã An Phát, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đẩy mạnh phát triển sản phẩm từ cây tràm dược liệu

Hợp tác xã An Phát, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đẩy mạnh phát triển sản phẩm từ cây tràm dược liệu

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 HTX chuyên về sản xuất, kinh doanh dược liệu, trong đó vùng cao A Lưới có 6 HTX, Phong Điền có 2 HTX với các sản phẩm chủ yếu là sâm Bố Chính, tinh dầu tràm… Các HTX đã năng động, thích ứng nhanh với thị trường, mạnh dạn đầu tư vốn, tích tụ tập trung đất đai và vận động thành viên sản xuất các loại cây dược liệu. Hiện nay, mỗi HTX có diện tích liên kết từ vài chục đến hàng trăm ha, chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Nhận thấy thị trường và người tiêu dùng có nhu cầu lớn về nguồn dược liệu, nhiều HTX đã linh hoạt chuyển đổi, xây dựng phương án sản xuất mới phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thực tế những năm gần đây cho thấy, trên địa bàn xã Phong Xuân nói riêng và huyện Phong Điền nói chung, mô hình phát triển cây dược liệu trong đó có cây tràm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tháng 9 năm 2022, HTX Dược Liệu An Phát ra đời với mong muốn có một sản phẩm chất lượng và có đầu ra ổn định cho cây tràm dược liệu. Với 8 thành viên ban đầu, HTX tập trung xây dựng chuỗi sản phẩm như làm vườn ươm cây giống tràm dược liệu với số lượng 300.000 cây giống trên diện tích 4ha. Sau 1 năm đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất đạt 15 tấn/ha, với giá thị trường hiện tại 4.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, để gia tăng chuỗi giá trị, HTX đã đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu tràm. Đến nay đã đưa ra thị trường sản phẩm tinh dầu tràm nguyên chất. HTX tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng tinh dầu để vươn ra thị trường trong nước với sản lượng lớn.

Ông Đặng Quang Chẩn, Giám đốc HTX dược liệu An Phát, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền cho biết, bên cạnh cây tràm dược liệu, định hướng những năm tiếp theo, HTX tiếp tục phát triển các cây dược liệu khác như cà gai leo, sâm ba kích… Trong năm 2023, HTX cũng đã liên kết với 25 hộ dân trên địa bàn huyện trồng tràm dược liệu với diện tích 5ha.

Từ đầu năm 2023, nhiều HTX về dược liệu được thành lập tại các huyện vùng cao nhằm tiếp cận các chính sách thụ hưởng của các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể thấy, các HTX đã nhanh chóng tiếp cận chính sách, bên cạnh đó cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ các cấp chính quyền, địa phương. Nhiều HTX dược liệu tại A Lưới cũng đã và đang ngày càng phát triển, điển hình như HTX Nông nghiệp dược liệu A Roàng, HTX Nông nghiệp dược liệu Hồng Bắc…

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Văn Hùng, cho biết, Liên minh HTX cũng đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành triển khai các cơ chế chính sách. Đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các hội thảo tìm đầu ra cho các sản phẩm, tăng cường phát triển các mô hình liên doanh liên kết bền vững với doanh nghiệp trong sản xuất dược liệu góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển các HTX sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là về nguồn vốn, đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn để nâng cao thương hiệu, giá trị kinh tế từ những sản phẩm dược liệu và các vùng trồng cây dược liệu, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: HOÀNG CHÂU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/tran-tro-cung-vuon-cay-duoc-lieu-134550.html