Trăn trở miền biên viễn Yên Khương

Là xã biên giới duy nhất của huyện Lang Chánh, những năm qua với việc đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, sự đầu tư đồng bộ từ các dự án, chương trình 135, 30a xã nghèo Yên Khương đã có những đổi thay. Tuy vậy, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, sản xuất manh mún, hiệu quả chưa cao nên đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.

Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.

Cách trung tâm huyện Lang Chánh chừng khoảng hơn 35 km, con đường đến xã vùng biên Yên Khương trở nên xa vời vợi bởi những cung đường đèo dốc.

Toàn xã hiện có trên 1.000 hộ, hơn 5.000 khẩu, với 9 thôn, bản nằm rải rác trên các vùng đồi núi, trong đó người Thái chiếm tới 99,7%. Đây cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ nghèo cao nhất của huyện Lang Chánh (37,3%). Do đặc điểm địa hình đồi núi, tập quán canh tác còn lạc hậu, sản xuất chủ yếu mang nặng tính tự cung, tự cấp, trình độ dân trí còn thấp nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế.

Để hướng đến giảm nghèo nhanh, bền vững, người dân cần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung.

Để hướng đến giảm nghèo nhanh, bền vững, người dân cần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung.

Chị Vi Thị Quyển, bản Bôn cho biết: Ngoài hơn sào ruộng làm để lấy lương thực, chị làm thuê đủ nghề để trang trải chi tiêu hàng ngày. Bà con ở đây hầu hết chỉ biết vào rừng hái lá dong, cây rau rừng bán để kiếm sống. Trận lũ ống, lũ quét tràn qua cuối năm 2017 làm nhiều bản bị nhấn chìm trong nước, mặc dù không gây ra thiệt hại về người, nhưng khiến cuộc sống của người dân vốn đã khốn khó còn khó hơn gấp bội.

Trưởng bản Yên Bình, ông Vi Văn Tươi cho biết: Bản hiện có 98 hộ, 413 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, ngoài ra còn trồng thêm ít sắn, keo, luồng. Khó khăn lớn nhất của bà con là không có đất sản xuất nên tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Trước kia, khi chưa sáp nhập vào bản Yên Bình, người dân bản Khon (cũ) không có đất sản xuất, quanh năm đói, nghèo. Ngoài rừng, họ chỉ còn biết trông chờ vào nguồn trợ cấp gạo cứu đói từ chính quyền.

Một góc bản biên giới Xắng Hằng, xã Yên Khương (Lang Chánh).

Một góc bản biên giới Xắng Hằng, xã Yên Khương (Lang Chánh).

Trung tá Nguyễn Ngọc Văn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Yên Khương cho biết: Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7 km đường biên giới, 3 mốc giới tiếp giáp với nước bạn Lào, 9 thôn, bản của xã Yên Khương. Không chỉ làm tốt công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, thắt chặt tình cảm với Nhân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn đóng quân, những năm qua, với phương châm: “Gần dân, bám địa bàn”, giúp người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, chủ động tổ chức sản xuất để thoát nghèo bền vững, đơn vị thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con kỹ thuật chăn nuôi, phát triển các mô hình kinh tế như: nuôi bò sinh sản, nuôi vịt bản địa, trồng vầu, trồng nấm bào ngư. Riêng năm 2022, đồn đã hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 700 con vịt giống cùng thức ăn, tham gia giúp bà con xây dựng nông thôn mới...

Theo ông Lò Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Khương: Để người dân thực sự thoát nghèo, xã đã tập trung chỉ đạo thôn, bản thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phát triển đàn gia súc, gia cầm, khôi phục nghề đan lát, thâm canh luồng, vầu, trồng cây ăn quả… Thời gian tới, xã tiếp tục vận động, khuyến khích các hộ dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, sáng tạo trong việc ươm giống cây vầu bằng hạt, đồng thời mở rộng diện tích trồng vầu. Những lứa vầu đã bắt đầu cho thu hoạch giúp tăng thu nhập, đồng thời mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tran-tro-nbsp-mien-bien-vien-yen-khuong/26217.htm