Trăn trở nhiều vấn đề quốc gia

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV bước sang tuần làm việc thứ 2, vẫn tiếp tục bàn thảo hàng loạt nghị quyết, báo cáo ở nhiều lĩnh vực tại các phiên thảo luận tổ và nghị trường. Đóng góp tâm huyết, trí tuệ vào quá trình lập pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nói chung, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nói riêng tăng cường trao đổi, đề xuất ý kiến.

Ông Phan Huỳnh Sơn phát biểu thảo luận tại tổ

Mang tiếng nói của ĐBSCL đến với Trung ương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh bày tỏ, thời gian gần đây, ĐBSCL được Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, là điều kiện tạo đà phát triển, nhất là khâu lưu thông hàng hóa nông nghiệp, giúp người dân nâng cao đời sống. Tuy nhiên, nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức, như: Công tác lai tạo giống chất lượng, hiệu quả, mang lại thương hiệu cho Việt Nam còn khiêm tốn; khâu chế biến và tiêu thụ hàng hóa chưa thu hút nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp (còn nhiều rủi ro, tính cạnh tranh các nước trong khu vực và thế giới thấp, chất lượng sản phẩm thấp, một số doanh nghiệp làm ăn chưa tốt…).

Cùng với đó là nỗi trăn trở, tìm giải pháp căn cơ, bình ổn giá vật tư nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn gia súc, chăn nuôi thủy sản…), để trả lời cho câu hỏi của cử tri: “Bao giờ trở lại thời kỳ vàng son của người nông dân thập niên 90?”.

“Thứ nhất, tôi đề xuất Quốc hội, Chính phủ có cơ chế chính sách riêng cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cà Mau), để ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống logistics, kho trữ lạnh… Cơ sở sơ chế, chế biến nông sản (đặc biệt là rau, củ, quả) ở ĐBSCL quy mô nhỏ, phần lớn sản phẩm của vùng xuất bán dạng thô, giá trị thấp. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn trong việc thu hút đầu tư ở khâu này. Thứ hai, nghiên cứu tăng kinh phí hỗ trợ cho tỉnh đang nhận trợ cấp ngân sách Trung ương trên 50% để thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn. Thứ ba, giảm thời gian, chi phí logistics trong vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản từ ĐBSCL đến cảng xuất khẩu, ưu tiên thực hiện đề án quy hoạch cảng biển đường bộ, tập trung nâng cấp cảng có khả năng xuất khẩu trực tiếp bằng đường thủy; nạo vét luồng sông chính từ ĐBSCL đến TP. Hồ Chí Minh; sớm xem xét mở rộng hành lang kinh tế xuyên quốc gia, lập hành lang kinh tế mới, để các địa phương có biên giới đường bộ kết nối các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, cảng biển đô thị lớn để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia…” - ông Sinh nêu ý kiến.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang còn đóng góp nhiều ý kiến ở từng phiên thảo luận. Bàn bạc dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, ĐBQH Đôn Tuấn Phong (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) khẳng định: “Nếu muốn phát triển nhanh, bền vững thì cần có cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, làm trên diện rộng thì không đủ thời gian thực hiện. Do vậy, thí điểm là phù hợp, có lựa chọn đặc điểm của tỉnh Khánh Hòa (biển, đảo, cảng…), tạo thành cực để phát triển cho cả khu vực. Chỉ có điều, thời gian tới, Chính phủ cần tổng kết để nhân rộng mô hình, rút bài học kinh nghiệm, phát triển cho tỉnh, thành phố khác”.

Về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐBQH Chau Chắc (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) cho rằng, nhìn tổng thể, công tác điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương rất tốt, tháo gỡ được khó khăn, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội (minh chứng từ thực tiễn và báo cáo của Chính phủ). Tuy nhiên, sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả thấp. Hậu quả thiệt hại cho nhà nước và nhân dân sẽ cao hơn, nếu chúng ta không phát hiện kịp thời, gây lãng phí các nguồn tài nguyên.

“Để thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, tôi thống nhất các giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ. Việc kịp thời biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến, phát huy vai trò giám sát của MTTQ các cấp, tổ chức đoàn thể, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cá nhân để xảy ra lãng phí… là giải pháp rất tập trung, đi vào trọng tâm, xác định hạt nhân nòng cốt trong vai trò lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ngoài ra, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng đất đai (nhất là đất bồi, đất sông suối, đường nông thôn…) do nhà nước quản lý, sử dụng để tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, cần quan tâm vấn đề xác lập trách nhiệm, xử lý trách nhiệm liên quan đến sự lãng phí của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu” - ĐBQH Chau Chắc kiến nghị.

“Gần 1 năm qua, các vị ĐBQH đã bám sát chương trình hành động, giữ đúng lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân; thường xuyên gần gũi, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát thực tiễn để chuyển tải vào chương trình nghị sự của Quốc hội; không ngừng nâng cao trình độ và năng lực mọi mặt trong hoạt động. Đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đó, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phiên khai mạc kỳ họp.

Kỳ vọng đó đã được các đoàn ĐBQH, từng vị ĐBQH phát huy tối đa. Mỗi ý kiến đều thể hiện mong muốn góp sức xây dựng đất nước, quê hương, mang lợi ích tối đa cho cử tri và đất nước.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tran-tro-nhieu-van-de-quoc-gia-a334511.html