Trăn trở tín dụng ngân hàng ở biên giới và hải đảo

Tết Nguyên đán hàng năm, Agribank vẫn tổ chức đoàn công tác thăm, tặng quà bà con và bộ đội biên phòng ở biên giới, hải đảo. Năm nay, điểm đến là Điện Biên và một loạt đảo phía Nam. Ngoài câu chuyện tình người và tri ân nơi vùng đất, vùng biển xa xôi thì câu hỏi làm sao phủ rộng tín dụng thương mại ở những nơi này là câu hỏi không dành riêng cho ngành ngân hàng...

Khai thác kinh tế biển ở cụm đảo Hòn Chuối vẫn còn manh mún và nhỏ lẻ. Ảnh: An Thơ.

Khai thác kinh tế biển ở cụm đảo Hòn Chuối vẫn còn manh mún và nhỏ lẻ. Ảnh: An Thơ.

Từ thành phố Điện Biên lên cột mốc “ngã ba biên giới” cheo leo trên đỉnh Khoan La San cao 1.864 mét so với mực nước biển (thuộc đồn biên phòng A Pa Chải ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên), phải vượt qua quãng đường khoảng 250 km. Để tới cột mốc này, từ cột cờ A Pa Chải đang ngổn ngang xây dựng phía dưới, chỉ có cách di chuyển bằng xe ôm trên quãng đường 3 km quanh co, đủ cho một làn xe máy với gió núi lạnh thấu xương thốc vào mặt, tai, còn đường thì trơn trượt, một chút sơ sểnh là va vào vách đá dựng đứng.

CÕNG VỐN LÊN VÙNG LÕM KINH TẾ

Một thanh niên lái xe ôm cho biết, cột mốc thu hút khá nhiều người đến tham quan nên anh kiếm thêm thu nhập bằng nghề xe ôm. Mỗi ngày anh chở 1 – 2 chuyến, mỗi chuyến được vài trăm nghìn đồng nhưng cũng thất thường. Ở đây, bất kể lúc nào cũng 10 – 15 chiếc xe máy chờ khách. Nếu khách đi theo đoàn thì ai cũng có vài trăm nghìn mang về trong ngày, còn đi lẻ thì phải nhường nhau.

Một dự án nông nghiệp sạch ở Mường Nhé vay vốn của Agribank. Ảnh: Đăng Khoa

Một dự án nông nghiệp sạch ở Mường Nhé vay vốn của Agribank. Ảnh: Đăng Khoa

Những người lính biên phòng A Pa Chải kể rằng, hoạt động tuần tra khu vực này thường xuyên trèo đèo, lội suối, ống quần bị vắt, sên bám chi chít. Trong khi bên kia biên giới, biên phòng nước bạn Trung Quốc đi tuần nhàn nhã hơn bởi có hẳn hàng rào dây thép gai cao trên 2 mét ngăn cách và con đường được kiên cố hóa phủ kín đường biên nên có thể đi tuần bằng phương tiện cơ giới.

Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Mường Nhé đạt 331,8 tỷ đồng. Toàn huyện có 7.802 hộ vay còn dư nợ, 161 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 115 bản và tổ dân cư. Trong khi đó, dư nợ của Agribank chỉ khoảng 242 tỷ đồng.

Năm 2023, con số trên lần lượt giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank là 362 tỷ đồng và 252 tỷ đồng, nhiều hơn 100 tỷ đồng và vượt trội cả tốc độ tăng trưởng.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Mường Nhé cho biết, để cho vay ở khu vực này không đơn giản.

Cán bộ tín dụng phải sát cánh cùng bộ đội biên phòng tìm hiểu thông tin cần thiết về người vay vốn và lặn lội hàng chục km đường rừng núi thẩm tra tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay.

Trong quá trình cho vay, luôn bám sát khách hàng kiểm tra mục đích sử dụng vốn và khả năng thu hồi nợ.

Hoạt động tín dụng ở huyện Mường Nhé được chia làm 2 kênh. Nếu là vay thương mại (sản xuất, tiêu dùng…) hầu như cả huyện dồn hết vào Agribank cùng một phòng giao dịch của LPBank ở trung tâm huyện với dư nợ rất thấp.

Còn nếu vay tín dụng chính sách theo các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thì tiếp cận vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cũng theo ông Thuận, số cán bộ biên chế của Agribank Mường Nhé chỉ 11 người (thấp nhất hệ thống Agribank – Pv) nhưng phụ trách địa bàn hơn 1.500 km2 của 11 xã. Năm 2023, số khách hàng vay đạt 1.380, hơn 1.500 khoản vay; dư nợ giao 250 tỷ nhưng vượt kế hoạch với mức 252 tỷ, trong đó thể nhân vay 246,032 tỷ đồng và pháp nhân chỉ hơn 6 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu giao 0,5%/tổng dư nợ nhưng thực tế chỉ 0,23%/tổng dư nợ.

Đáng chú ý ở huyện này là trong khi dư nợ tín dụng thương mại khiêm tốn thì dư nợ chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội lại có phần lấn át. Theo số liệu của các đơn vị chức năng tỉnh Điện Biên, Mường Nhé là địa bàn cực kỳ khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 59,92% (số liệu đến cuối năm 2022).

NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CHƯA CÓ MẶT TRÊN ĐẢO

Rời A Pa Chải, miền cực Tây heo hút, đoàn công tác di chuyển vào chúc Tết các lực lượng chức năng và người dân ở 5 cụm đảo phía Nam gồm Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc.

Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, phụ trách Trạm Kiểm lâm đảo Hòn Khoai cho biết, trên đảo không có dân sinh sống, chỉ có các lực lượng Trạm ra đa 595 (biên chế Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân), kiểm lâm, biên phòng và trạm hải đăng. “Tôi có 30 năm công tác trên đảo, nhà cửa vợ con ở Cà Mau, khoảng vài tháng mới về thăm nhà một lần. Vợ vài lần ra đảo nhưng không chịu nổi điều kiện sống thiếu thốn nên vợ chồng phải cách xa biền biệt”, ông Kiệt nói.

Ông kể, ở đảo, lương thực phẩm được các tàu buôn nhỏ tiếp tế 5 – 7 ngày/lần, giá đắt đỏ, các đơn vị trên đảo cũng tích cực trồng rau tăng gia nhưng thiếu nước ngọt, phân bón và bị khỉ phá nên không hiệu quả. Bởi vậy, mỗi lần có đoàn công tác đến thăm và trao quà là các lực lượng trên đảo rất vui, không chỉ vui vì được tiếp tế thêm lương thực, nhu yếu phẩm mà còn duy trì được tình cảm của đất liền với hải đảo. Hòn Khoai chưa có người dân sinh sống và doanh nghiệp hoạt động nên không có hiện diện của ngân hàng.

Ở một quần đảo khác là Nam Du, nằm ở phía đông nam Phú Quốc, điểm gần nhất tới đất liền là Rạch Giá khoảng 115 km, có 2 xã trực thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang) là An Sơn và Nam Du.

Dự án nuôi cá lồng bè ở xã An Sơn. Ảnh: An Thơ

Dự án nuôi cá lồng bè ở xã An Sơn. Ảnh: An Thơ

Quần đảo Nam Du có diện tích khoảng 10 km2, dân số ở 2 xã đảo có hơn 1.100 hộ dân và khoảng 4.100 nhân khẩu. Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm và đầu tư cơ sở hạ tầng (cầu cảng, đường giao thông, trường trạm y tế) nhưng chừng đó là chưa đủ để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư.

“Xã An sơn có 2 ngân hàng hoạt động là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội. Agribank không có hiện diện tại đảo, mỗi tháng, ngân hàng cử người ra đảo giao dịch 1 – 2 lần".

(Bà Trần Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND xã An Sơn, Huyện Kiên Hải, Kiên Giang)

Tại đây, cũng như ở Mường Nhé (Điện Biên), hiện diện của Ngân hàng Chính sách xã hội là rõ rệt hơn, có điểm giao dịch chính thức ở trung tâm xã được xác định vào các ngày định kỳ trong tháng; còn với ngân hàng thương mại thì chỉ có một số ít lồng bè nuôi cá vay vốn của Agribank, mọi thủ tục giao dịch đều hoàn thiện trên đất liền.

Bà Trần Thị Oanh, Phó chủ tịch xã An Sơn cho biết, xã có 35 hộ nuôi 62 bè và 165 lồng với tổng số cá đang thả là 65.000 con giống các loại; tổng sản ước bán khoảng 95 tấn cá các loại. Kế hoạch năm 2023 là 60 tấn, đạt 158,3 %, tăng 24 tấn so với cùng kỳ.

Ở một xã đảo khác, ông Nguyễn Công Tước, Phó Chủ tịch xã Tiên Hải (Hòn Đốc - Hòn Tre Lớn, thuộc quần đảo Hải Tặc, thành phố Hà Tiên, Kiên Giang) cho biết xã này rộng 2,52 km², dân số 1.700 người với 446 hộ. Sinh kế người dân chủ yếu là đánh bắt hải sản nhưng hiện nay ngư trường cạn kiệt nên phải chuyển đổi sang nuôi trồng.

Hiện mới chỉ có 88 hộ trong số 446 hộ nuôi trồng với 1.000 lồng bè cá bớp, cá mú và cá chuồn theo mô hình hợp tác xã. Tỉnh Kiên Giang cũng quy hoạch xã đảo này thành điểm đến du lịch và mới thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư khu nghỉ dưỡng tại đây. Trên đảo chưa có hiện diện ngân hàng thương mại, chỉ có các tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng điểm giao dịch đặt trong đất liền, mỗi tháng cán bộ ngân hàng này ra đảo giao dịch với người dân một lần.

BÀI TOÁN QUY HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Có một thực tế cho thấy, từ A Pa Chải (Điện Biên) đến các cụm đảo phía Tây Nam, dường như tín dụng chính sách và tín dụng thương mại chuyển động ngược chiều nhau và đi cùng đó là diện mạo đầu tư sản xuất kinh doanh èo uột.

Như nói ở phần đầu, ở Mường Nhé, dư nợ tín dụng chính sách vượt trội tín dụng thương mại của Agribank, xét về số tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng hàng năm.

Còn ở một số đảo phía Nam, hiện diện của Ngân hàng Chính sách xã hội rõ rệt hơn, có điểm giao dịch và lịch làm việc định kỳ ở một số trung tâm xã đảo, trong khi thiếu vắng ngân hàng thương mại, có một số dự án vay vốn của Agribank thì hầu như mọi khâu hoàn tất thủ tục đều trên đất liền.

Theo một số cán bộ ngân hàng đang cho vay vốn tại khu vực các xã đảo, hiện nay, hoạt động khai thác kinh tế biển ở các cụm đảo vẫn còn manh mún, tự phát và chưa nằm trong quy hoạch tổng thể.

Chủ hộ Phạm Văn Lưu, (Ấp An Cư, xã An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang) cho biết đã 12 năm nuôi cá lồng bè ở đảo, dư nợ hiện tại ở Agribank là 700 triệu đồng, mỗi năm thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng. Đầu ra là bán tại chỗ, mỗi lần xuất 200 – 300 kg cá bớp, cá mú. Ông Lưu mong muốn được cho vay vốn nhiều hơn nhưng phía ngân hàng e ngại, bởi dự án nằm chơi vơi giữa đảo, trời yên biển lặng không sao nhưng nếu dịch bệnh xảy ra hoặc hàng hóa ế vì tiêu thụ tự phát thì rất dễ rủi ro.

Theo một cán bộ Agribank phụ trách địa bàn xã An Sơn thì quy mô dư nợ tại xã này mới chỉ có 70 tỷ đồng đối với 250 khách hàng. Mỗi tháng cán bộ tín dụng Agribank ra đảo xã An Sơn vài lần, mỗi lần từ 5 – 7 ngày để thu thập hồ sơ, gặp gỡ khách hàng, thực hiện các thủ tục cho vay mới, riêng các thủ tục cần công chứng, tài sản đảm bảo lại phải quay về đất liền. Bởi vậy, từ khi tiếp cận bên vay, khảo sát, đánh giá tài sản đảm bảo, hiệu quả dự án, lên hồ sơ và hoàn thiện tốn rất nhiều thời gian công sức đi lại.

Xét cho cùng, dù ở đâu, muốn phát triển, đời sống người dân khấm khá thì tín dụng thương mại phải chủ đạo, tín dụng chính sách chỉ giải quyết khu vực an sinh thoát nghèo, sau khi thoát nghèo thì phải nâng tầm sinh kế cho người dân, mới là hướng đi bền vững.

Ngoài một số đảo trên thì nhiều cụm đảo khác chưa có dân, hầu hết các đảo chưa có quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể. Trong chuyến đi vừa qua, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 5 cho biết Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tổ chức các đoàn khảo sát. Qua đó, tiến tới chủ trương quy hoạch kinh tế - xã hội, gắn bảo vệ chủ quyền biển đảo với đầu tư của doanh nghiệp và sinh kế của người dân thông qua lựa chọn các lợi thế như du lịch, nuôi trồng thủy hải sản.

“Chỉ có quy hoạch tổng thể thì mới thu hút được nhà đầu tư đến, từ đó, tín dụng thương mại mới có thể vươn tới để phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội khu vực biển đảo”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank nhận xét.

Hiện tại, do chưa được đầu tư hạ tầng và quy hoạch từng đảo, cụm đảo, quần đảo, nơi nào có điều kiện phát triển thì cấp phép cho các dự án nên việc cho vay của Agribank rất khó khăn, mặc dù tiềm năng rất lớn nhờ môi trường tự nhiên ở đây rất thuận lợi, vùng nước nhiệt đới 4 mùa không hoặc ít bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh, bão, vùng nước trong sạch.

Nhưng có lẽ, biển sạch là do chưa đầu tư nhiều nhưng một khi các dự án từ du lịch đến nuôi cá lồng bè ồ ạt mà không khép kín quy trình hoạt động từ đầu tư, sinh lời đến đánh giá tác động môi trường và giải pháp xử lý thì ngân hàng rất khó cho vay.

Đối với quần đảo Nam Du, những năm gần đây, số lượng du khách ra đảo nhiều hơn nhưng trên đảo chỉ đáp ứng được khoảng 1 nghìn chỗ ở đối với dịch vụ lưu trú. Nếu lượng khách nhiều hơn thì câu chuyện về hạ tầng, nước ngọt, xả thải lại là cả vấn đề.

Hay như, ở đảo này, Agribank đang đầu tư một dự án cá lồng bè để phục vụ đảo Phú Quốc vì khá gần, nhu cầu cá bớp rất cao nhưng ngân hàng rất e ngại vì khi ít lồng bè thì môi trường sống của cá còn an toàn nhưng khi đầu tư hàng loạt thì câu chuyện lại khác.

Xét cho cùng, dù ở đâu, muốn phát triển, đời sống người dân khấm khá thì tín dụng thương mại phải chủ đạo, tín dụng chính sách chỉ giải quyết khu vực an sinh thoát nghèo, sau khi thoát nghèo thì phải nâng tầm sinh kế cho người dân, mới là hướng đi bền vững. Muốn như vậy, phải quay lại bài toán quy hoạch tổng thể.

Tại Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được coi là chỉ đạo có tính nhất quán, xuyên suốt và là cơ sở để các bộ, ngành địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội ở khu vực biển đảo.

Nghị quyết ban hành được 5 năm và thu được những thành tựu quan trọng; tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều việc cần làm, trong đó vai trò của chính quyền địa phương các tỉnh ven biển được coi là then chốt.

Nghị quyết 36/NQ-TW ban hành ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định:

- Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

- Tăng cường quản lý tổng hợp, thông nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.

- Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền về toàn vẹn lãnh thố của Việt Nam.

Nguyễn Hoài

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tran-tro-tin-dung-ngan-hang-o-bien-gioi-va-hai-dao.htm