Trăn trở, trách nhiệm với tiếng lòng của Nhân dân
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV chiều qua, 3.11 đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng đã thu hút nhiều lượt đại biểu đặt câu hỏi; nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời, giải trình, thu hút hàng triệu cử tri cả nước quan tâm, theo dõi và phản ánh các vấn đề liên quan. Theo ghi nhận chung của cử tri, phiên họp đã thể hiện trăn trở, trách nhiệm của đại biểu với tiếng lòng của nhân dân, nhất là những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm như: việc xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động hay giải quyết bài toán nan giải trong vấn đề ngập úng tại các đô thị.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra xây dựng, phát triển nhà ở xã hội
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, cử tri đánh giá cao việc đổi mới hình thức tổ chức phiên họp theo hướng dành tối đa thời gian cho việc đặt câu hỏi, người trả lời phát biểu một số vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn không quá 5 phút trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn; thời gian trả lời không quá 3 phút đối với một vấn đề chất vấn. Chủ tọa phiên họp mời mỗi lượt 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; mỗi ĐBQH nêu câu hỏi không quá 1 phút và tập trung 1 hoặc 2 vấn đề để Bộ trưởng, Trưởng ngành dễ theo dõi và trả lời vào đúng các vấn đề đại biểu quan tâm. “Việc các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan cùng tham gia trả lời, giải trình theo điều hành của Chủ tọa phiên họp sẽ góp phần quan trọng làm rõ hơn, cặn kẽ hơn những vấn đề chất vấn của các ĐBQH, là cơ sở quan trọng tạo chuyển biến tích cực trên thực tế” - cử tri Nguyễn Anh Lương, TP. Hải Dương, Hải Dương nhấn mạnh.
Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động. Vấn đề này vẫn còn nhiều điểm “nghẽn”. Đại biểu chất vấn Bộ Xây dựng có chính sách gì phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, công nhân lao động được mua nhà thuận lợi. Bộ Trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong phát triển nhà ở xã hội cần tập trung tháo gỡ và chỉ ra các nguyên nhân chính.
“Nhà cho người thu nhập thấp, công nhân lao động nhưng thực tế có bao nhiêu trường hợp thuộc đối tượng này được sở hữu nhà ở xã hội? Có tình trạng người thu nhập cao, người giàu vẫn “bon chen” được nhà ở xã hội. Như báo chí đã phản ánh tại thành phố Đà Nẵng, trong số 80 trường hợp bán nhà sai quy định, có 40 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân theo Luật Thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn được mua nhà ở xã hội. Tại sao lại có những lổ hổng trên? Theo tôi, ngoài các nguyên nhân và giải pháp Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra cũng như các đại biểu chất vấn, Quốc hội cần bàn thêm các giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu trong xây dựng và phát triển nhà ở xã hội, quy rõ trách nhiệm những cá nhân để xảy ra sai phạm, cả người đi mua nhà và người tiếp tay trong giải quyết hồ sơ, thủ tục bán nhà.” - Cử tri Trần Thanh Thủy - huyện Bố Trạch, Quảng Bình bày tỏ.
“Gọi là nhà ở xã hội thì phải đúng tính chất là nhà dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động nghèo. Nhà ở xã hội mà giá cả cao trên trời làm sao người thu nhập thấp tiếp cận được. Do đó, bên cạnh tháo gỡ các vướng mắc về trình tự pháp lý, tôi mong muốn Quốc hội nên có giải pháp gỡ vấn đề nguồn cung và giá cả cho hợp lý. Ngoài ra, qua trả lời của Bộ trưởng, vấn đề nguồn vốn và thủ tục hành chính cho việc đầu tư dự án nhà ở xã hội ở các địa phương cũng đang là “điểm nghẽn”. Cần chỉ rõ các địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài. Có văn bản phê bình nhắc nhở và đôn đốc kịp thời - cử tri Nguyễn Tiến Dũng - thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh kiến nghị.
ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) chất vấn tại kỳ họp
Ảnh: Lâm Hiển
Mạnh tay chấn chỉnh, khắc phục tình trạng ngập úng tái diễn
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều qua, một số đại biểu Quốc hội đề cập đến tình trạng ngập úng tại các đô thị, không chỉ ở các đô thị lớn, vùng đô thị đồng bằng, duyên hải ven biển mà còn diễn ra tại các đô thị vùng trung du miền núi hay cao nguyên. Đây là vấn đề không mới, nhiều kỳ họp Quốc hội đã đưa lên bàn nghị sự, thế nhưng các giải pháp vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Vấn đề này cũng được đa số cử tri quan tâm, đặc biệt trong mùa mưa. Ngập úng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân; làm hư hại lớn tới các công trình xây dựng, phá hủy các công trình hạ tầng kỹ thuật, làm ngừng trệ giao thông, gây ô nhiễm môi trường… Vấn đề cử tri và đại biểu đặt ra là vì sao tồn tại nhiều năm như vậy nhưng vẫn chưa được tháo gỡ?
“Vì sao cách đây hàng chục thập kỷ mưa vẫn nhiều mà không ngập mà nay lại ngập. Vấn đề là do đô thị hóa, nhà cửa mọc lên nhiều. Công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng chưa đồng bộ với sự phát triển của dân số, nhà cửa, cùng với đó là trách nhiệm quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng như trật tự xây dựng, đất đai mới là gốc rễ của vấn đề. Tôi mong Quốc hội sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này” - Cử tri Lê Văn Mại, TP. Vinh, Nghệ An bày tỏ.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ nét hơn, đây cũng là vấn đề vô cùng nan giải. Lựa chọn những giải pháp và triển khai các mô hình thoát nước phù hợp nhưng vẫn bảo đảm tính đồng bộ, bảo đảm quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật đang là hướng đi của nhiều địa phương. Cử tri Lê Văn Thái, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk bày tỏ mong muốn Quốc hội cần chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan, bàn các giải pháp phù hợp cho từng vùng, địa phương để có giải pháp mang tính lâu dài, bền vững.
Cử tri cũng cho rằng, mỗi công dân nên tạo cho mình thói quen tôn trọng pháp luật, chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật về nghĩa vụ công dân, nhất là trong thực hiện quy định của Luật về xây dựng, quy hoạch và nhà ở. Việc xây dựng nhà trái phép; san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ. Khai thác nước ngầm quá mức. Xả rác bừa bãi xuống hố ga, kênh, cống và ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước ngày càng trở nên khó khăn. “Chỉ khi người dân ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và đồng hành với chính quyền thì vấn đề ngập úng, ùn tắc, ô nhiễm môi trường may ra mới được xử lý” - cử tri Lê Văn Thái, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk bày tỏ.