Trăn trở vùng rau an toàn

Mùa này, về xã Hoằng Giang, tôi như lạc giữa màu xanh mơn mởn của rau màu. Vốn được xem là một trong những vựa rau của huyện Hoằng Hóa, người trồng rau ở xã Hoằng Giang luôn tự hào vì vùng đất này được phù sa sông Mã bồi đắp qua thời gian, ruộng đồng bằng phẳng, trù phú, thích hợp với nghề trồng rau. Trong số 150 ha đất sản xuất nông nghiệp trên toàn xã, đã có 50 ha chuyên canh rau màu, trong đó có 23,5 ha sản xuất rau an toàn.

Nông dân xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) chăm sóc rau màu vụ đông.

Cứ trời về chiều, nắng không còn gay gắt, những người nông dân nơi đây lại cần mẫn trên cánh đồng chăm sóc ruộng rau của gia đình. Vừa thấy ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Hoằng Giang thấp thoáng trên bờ ruộng, bà Nguyễn Thị Thùy, thôn Trinh Thọ đã hồ hởi gọi lớn: “Ông Mạnh ơi! Mai nhớ chở cho tôi 2 bao phân hữu cơ nhé?”. Tiến gần hơn về phía đầu ruộng, bà Thùy lại nhắc: “Súp lơ bén rồi, bán cho tôi bao phân hữu cơ để bón thúc cho cây xanh tốt”.

Gia đình bà Thùy vốn có truyền thống hơn 20 năm làm rau màu. Con cái trưởng thành, thoát ly khỏi nông nghiệp, song hai ông bà vẫn cần mẫn với gần 4 sào ruộng của gia đình và cũng là nguồn thu nhập ổn định của những người nông dân ngoài 50 tuổi. Mỗi năm, ngoài 1 vụ lúa, vợ chồng bà xoay sở với 3 vụ rau. Vụ đông năm nay, nhà bà Thùy vừa trồng súp lơ xanh, vừa gieo thêm ít đậu cô ve.

Bà Thùy kể về vụ đậu năm 2021 khi năm đó hàng khan hiếm, giá đậu đẩy lên cao nên bà cũng được một vụ bội thu. Mấy sào súp lơ cũng mang lại cho bà khoản thu kha khá. Súp lơ năm ngoái đợt gần tết bà chỉ thu được 5 triệu đồng/sào nhưng ra giêng, khan hàng, bà lại có thêm được gần 10 triệu đồng. “Trồng rau “ăn nhau” lúc khan hàng, giá cả lên cao là người làm nông như chúng tôi mới có lãi. Song cũng còn bấp bênh lắm, công sức bỏ ra thì nhiều mà lúc được, lúc mất. Cả cánh đồng này trồng rau an toàn, song rau làm ra chủ yếu là bán cho thương lái chở về chợ đầu mối giống như rau trồng đại trà, giá cũng không khác nhau là mấy, người mua cũng khó phân biệt được các loại rau!”, bà Thùy chia sẻ.

Sản xuất rau an toàn đòi hỏi quy trình bài bản, ngặt nghèo, từ việc chọn đất trồng, nguồn nước tưới, giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hay cách thức thu hoạch... Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Hoằng Giang, người ăn cần rau sạch, an toàn nhưng người trồng rau an toàn lại khó tiêu thụ được sản phẩm. Các cơ quan quản lý khuyến khích nông dân sản xuất rau sạch, rau an toàn nhưng đến nay các địa điểm bán rau sạch, rau an toàn chưa phổ biến. Rau an toàn mà người dân làm ra chủ yếu vẫn trộn lẫn với các loại rau trồng đại trà khác đưa về các chợ đầu mối, rồi phân phối đi các vùng. Giá cả không chênh nhau là mấy, thậm chí sản xuất rau an toàn dễ bị lỗ nếu như phát sinh thêm các chi phí sơ chế, bao bì, bảo quản. Thành thử, người dân không có động lực để đầu tư, gắn bó, rau an toàn dần mất đi chỗ đứng!

Xã Hoằng Hợp cũng là địa phương có 70 ha sản xuất rau màu các loại. Trước đây, vùng sản xuất rau an toàn ở địa phương này cũng khá nổi tiếng bởi xuất hiện những mô hình liên kết, tiêu thụ hiệu quả. Rau an toàn được cung cấp đến một số chuỗi siêu thị và bếp ăn tập thể trên địa bàn TP Thanh Hóa. Thế nhưng, từ sau đại dịch COVID-19, các đơn vị tiêu thụ thay đổi đơn vị cung cấp hoặc dừng tổ chức các bếp ăn tập thể nên quy mô sản xuất rau an toàn của một số đơn vị cũng thu hẹp dần. Theo ông Đoàn Ngọc Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Hợp, nếu như thời điểm trước năm 2020, HTX có trên 200 hộ thành viên thì nay chỉ còn vài chục hộ. Quy mô sản xuất của HTX cũng chỉ còn 12,5 ha. Ông Hải chia sẻ: “Khó khăn nhất của người trồng rau an toàn là đưa rau ra thị trường. Ở thời điểm hiện nay, HTX cũng chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các hộ dân thực hiện theo quy trình sản xuất rau an toàn, còn đầu ra tiêu thụ là do các hộ dân “tự bơi” lấy".

Cũng giống xã Hoằng Giang, sản phẩm làm ra từ vùng rau ở xã Hoằng Hợp chủ yếu theo thương lái về các chợ đầu mối hoặc bán lẻ tại các chợ ở khu vực đô thị. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn xã đã có trên 100 hộ dân chuyên chở rau đi bán ở khu vực TP Thanh Hóa. Ông Nguyễn Quang Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Hợp cho rằng: Để thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, quan trọng nhất là tìm đầu ra liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ giới thiệu để kết nối với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu về rau an toàn. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh tình trạng lẫn lộn giữa rau an toàn và rau trồng đại trà. Quan tâm hỗ trợ để các mô hình sản xuất rau an toàn tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cũng như quan tâm đầu tư thêm hệ thống hạ tầng phục vụ những vùng sản xuất rau an toàn.

Hoằng Hóa là huyện tiếp giáp với các thành phố lớn trong tỉnh, có nhiều điều kiện để phát triển các “vành đai xanh” cung cấp các loại nông sản cho thị trường. Toàn huyện hiện có 180 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 147 ha diện tích trồng trọt, 33 ha nuôi trồng thủy sản. So với các sản phẩm thủy sản, rau màu cũng được xếp vào nhóm cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế và góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp sạch quy mô lớn, công nghệ cao, nhiều mô hình sản xuất rau sạch, vùng sản xuất rau an toàn được hình thành, mở rộng, song hiệu quả đạt được chưa như mong đợi. Vẫn còn đó những trăn trở cần tháo gỡ để người trồng rau yên tâm gắn bó với nghề, phát triển những vùng rau sạch, rau an toàn bền vững.

Bài và ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/tran-tro-vung-rau-an-toan/198940.htm