Trân trọng quá khứ, hướng đến tương lai phát triển thịnh vượng
Sau 60 năm lưu giữ trên đất Mỹ, những kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng do quân Mỹ thu giữ sau các cuộc giao tranh nay đã được trao trả cho chủ nhân và thân nhân của nó tại Việt Nam. Những kỷ vật ấy chính là chứng tích sống động của một thời chiến đấu oanh liệt và như là lời nhắn nhủ về giá trị của hòa bình từ quá khứ.

Ông Marc E. Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trao trả kỷ vật cho cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Bạch Thiết
• MỘT PHẦN KÝ ỨC TRỞ VỀ
Trong thời khắc đồng bào cả nước đang hướng về ngày lễ trọng đại, đánh dấu thời khắc lịch sử mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khi non sông được thu về một mối cách đây tròn nửa thế kỷ, niềm vui của ông Nghiêm Sĩ Thái (83 tuổi, đang sinh sống tại Phường 9, TP Đà Lạt), cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, như được nhân lên nhiều lần bởi cuốn nhật ký bị thất lạc thời kỳ ông là phóng viên chiến trường ở mặt trận Bình Trị Thiên những ngày khói lửa, vừa được Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 7 tổ chức trao lại vào ngày 17/4 vừa qua.
Nhận lại cuốn nhật ký sau 60 năm thất lạc là điều mà ông Thái không bao giờ ngờ tới. Trong dòng hồi tưởng về những tháng ngày là sinh viên lớp Ngữ văn 3, Khóa 7, Trường Đại học Tổng hợp, ông kể: Ngày 10/5/1965, sau khi đặc cách tốt nghiệp, ông cùng 12 sinh viên trong khóa tập trung tập huấn nghiệp vụ, chuẩn bị vào chi viện cho “chiến trường B”. Các sinh viên được đào tạo cấp tốc nghiệp vụ viết tin thông tấn trong 3 tháng, riêng ông Thái xin học thêm 2 tháng kỹ năng nhiếp ảnh.
"13 người đi nhưng chỉ trong hơn 1 năm đầu đã có 6 người hy sinh, 1 người bị bắt, vậy mới thấy chiến trường miền Nam ngày ấy khốc liệt tới cỡ nào" - ông Thái bùi ngùi nhớ lại.

Đại tá Thái Thành Đức - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 trò chuyện và chúc mừng cựu chiến binh Nghiêm Sĩ Thái. Ảnh: Bạch Thiết
Thói quen ghi nhật ký từ lúc còn là sinh viên cho đến lúc trở thành chiến sĩ quân giải phóng chiến đấu ở chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa" vẫn được người thanh niên Nghiêm Sĩ Thái lúc ấy gìn giữ.
Cuốn nhật ký đã ghi lại những gì chính ông đã trải qua, là một phần minh chứng cho chiến tranh ác liệt. Đó là những ngày đói cơm, lạt muối, bị sốt rét rừng hành hạ; là đi bộ nhiều ngày trong rừng, vắt bám vào chân nhung nhúc như ruộng mạ đang lên nhưng hành quân vội vã nên cứ mặc kệ, có khi vắt cắn trúng mạch máu, máu chảy dầm dề tưởng bị trúng mảnh bom; là những ngày vượt sông Ba Lồng trong đêm rồi vào ngôi làng bỏ hoang của đồng bào dân tộc đã bỏ đi từ lâu để trú chân, một lát thì địch câu pháo thẳng vào làng, cả đoàn chạy xuống suối núp dưới các tảng đá, may không ai bị thương; là không khí đón tết của người dân ngay trên vùng giáp ranh chiến tuyến của 2 phía ở thôn Cổ Bi, xã Phong An, bà con đã tặng bánh tét với giò để các anh mang lên chiến khu. Vậy mới thấy tình nghĩa của người dân giữa vùng bom đạn, dù khó khăn gian khổ, đối mặt với sự sống, cái chết hằng ngày vẫn thể hiện tình yêu với những cán bộ, phóng viên cách mạng…
Nhưng cũng chính bởi chiến tranh ác liệt, bom đạn dội xuống bất ngờ, không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cuối năm 1968, chiến sĩ Nghiêm Sĩ Thái lúc đó đã xung phong vào chiến dịch cao điểm 935 Trị Thiên để có nhiều thông tin viết bài, chụp ảnh hơn. Trước khi đi, ông gởi cuốn nhật ký ở Cục hậu cần Quân khu với lý do “lần này vào chiến dịch, không biết sống chết ra sao, nhờ anh giữ giúp để các nhà báo, nhà văn khác có tư liệu viết bài…”.
Vậy nhưng khi trở về, khu vực có căn lán của hậu cứ đã bị bom Mỹ san phẳng. Tài liệu mất hết. Người hy sinh nhiều. Từ khoảnh khắc ấy, cuốn nhật ký chỉ còn lại như một “ký ức” trong ông.
Và hôm nay, khi nhận lại cuốn nhật ký, ông Thái xúc động chia sẻ: Cuốn sổ cá nhân tuy nhỏ bé, nhưng chứa đựng biết bao ký ức thiêng liêng về một thời hoa lửa, chiến đấu vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc mà thế hệ tôi từng trải qua. Đối với tôi, nó không chỉ là một kỷ vật mà là một phần ký ức, một phần máu thịt. Thật hạnh phúc khi "Châu đã về hợp phố" sau gần 60 năm lưu lạc ở nước ngoài.

Bàn giao các kỷ vật cho các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Bạch Thiết
• NHẮC NHỞ VỀ TRÁCH NHIỆM GÌN GIỮ HÒA BÌNH, BẢO VỆ TỔ QUỐC
Trong buổi trao trả 10 kỷ vật trong chiến tranh do phía Hoa Kỳ cung cấp cho cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ diễn ra vào ngày 17/4 vừa qua, ngoài cuốn nhật ký của ông Nghiêm Sĩ Thái còn có các giấy khen, sổ ghi chép của cựu chiến binh Hồ Văn Răng, Vương Văn Lễ và các liệt sĩ Nguyễn Thị Ro, Dương Thi, Nguyễn Phước Chính, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Thị Mến, Dương Ngọc Bửu, Lê Tấn Đức.
Đại tá Thái Thành Đức - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 đã khẳng định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Trong đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, tìm và trao trả kỷ vật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Những việc làm đó đã thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", sự tri ân, tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 nhấn mạnh: Mỗi kỷ vật là một câu chuyện, một "nhân chứng" lặng lẽ của một anh hùng, liệt sĩ "mãi mãi tuổi hai mươi". Là chứng tích sống động của một thời oanh liệt, là lời nhắn nhủ thầm lặng từ quá khứ về hiện tại nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm gìn giữ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

Người thân xúc động khi nhận lại nhật ký của liệt sĩ. Ảnh: Bạch Thiết
• PHÁT TRIỂN MỐI QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN
Trực tiếp thực hiện việc trao trả kỷ vật cho các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ lần này, ông Marc E. Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh: Chuỗi sự kiện trao trả di vật này cho thấy hành trình đáng kinh ngạc mà 2 quốc gia đã cùng nhau thực hiện để xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ. Sự hợp tác về giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh đã đặt nền móng cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện của 2 nước.
Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tìm kiếm các quân nhân mất tích và rà phá bom mìn chưa nổ. Năm nay, Việt Nam - Hoa Kỳ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương, chúng ta gác lại quá khứ và cùng tiếp tục xây dựng một tương lai phát triển thịnh vượng hơn.

Bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh cùng cộng sự trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2024
Vào cuối năm 2024 vừa qua, bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng. Trong buổi gặp gỡ với ông Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bà Tổng Lãnh sự cũng đề cập tới việc sẽ tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2025.
Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định: Lâm Đồng sẵn sàng tham gia các hoạt động nhân sự kiện này. Và Đà Lạt sẽ là địa chỉ hấp dẫn để tổ chức các sự kiện liên quan. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng bày tỏ hy vọng sẽ có những quan hệ hợp tác, hỗ trợ thiết thực từ phía Hoa Kỳ đối với tỉnh Lâm Đồng. Và từ đây sẽ mở ra mối quan hệ hợp tác tốt đẹp của tỉnh Lâm Đồng với Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước Hoa Kỳ nói chung, góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.